Cả ngày... đạp xe đi biểu diễn
Tình cờ gặp lão nghệ sĩ Tạ Trí Hải trong một lần về thăm trường cũ nhân dịp kỷ niệm thành lập trường. Ngoài 70 tuổi, Tạ Trí Hải không còn là cái tên lạ lẫm. Dù ông không phải là một nghệ sĩ tên tuổi, nhưng hình ảnh ông già, với mái tóc bạc phơ và bộ quần áo cũ kỹ, kéo đàn violon giữa phố phường Hà Nội, Sài Gòn đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Giữa những ồn ào của buổi lễ hội, ông vẫn tạo cho mình một cách góp vui riêng. Khi thì là cây Mandolin réo rắt, lúc lại là chiếc violin "tỉ tê tâm sự".
Nghệ sĩ Tạ Trí Hải đang biểu diễn Violon bên bờ hồ.
Trước đó, hồi còn ở Sài Gòn, giữa những bụi bặm, náo nhiệt của phố xá, nơi góc nhỏ của Công viên 30/4 (bên hông Nhà thờ Đức Bà, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), tôi cũng thường gặp ông cùng với chiếc đàn violin quen thuộc. Tiếng đàn của ông len lỏi giữa dòng người ngược xuôi, níu chân một vài người hiếu kỳ, họ xúm lại nghe ông đàn, rồi hát theo tiếng đàn của ông. Đối với ông, như vậy là hạnh phúc và là nguồn động viên để từ đó đều đặn mỗi ngày ông xách đàn ra công viên chơi nhạc suốt nhiều năm ròng. Số người tập hợp quanh ông ngày càng nhiều, có người là nhạc sĩ thứ thiệt, có người chạy xe ôm nhưng đông nhất vẫn là các bạn sinh viên.
Vốn thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp nên ở đó ông có rất nhiều bạn đến từ các nước, đủ cả Âu, Á, Mỹ, Phi, Úc... Những người nước ngoài này thường yêu cầu ông chơi những bài dân ca của quốc gia mình. Đôi khi họ lại dạy cho ông những bài mà ông không biết, thế nên vốn liếng dân ca quốc tế của ông khá phong phú, những A lou ette, La Paloma..., thích nhất là nghe ông chơi nhạc Nga: Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Ngôi sao ban chiều, Cây thùy dương, Tình khúc Kachiusa...
Tạ Trí Hải là người Hà Nội gốc, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu thương trên phố Hàng Đường. Biết đến cây đàn violon từ năm 8 tuổi, nhưng ông không học qua trường lớp nào mà học từ chính người bạn thân của mình. Nhìn ông, có lẽ không ai có thể hình dung được người nghệ sĩ này lại từng một thời là kỹ sư cơ khí tại nhà máy Tổng cục cao su Sài Gòn. Ông học khoa chế tạo máy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cây đàn tạm thời bị "bỏ quên" để bàn tay làm quen với nghề cầm búa, với bu-loong, mỏ-lết... Rồi cũng như bao lớp thanh niên trai trẻ của thời đại, Tạ Trí Hải đi bộ đội, công tác ở Sư đoàn 338, tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô, từ năm 1963 đến những tháng năm Mỹ ném bom Hà Nội.
Năm 1977, ông vào TP. Hồ Chí Minh làm việc. Sau những năm tháng đi làm thợ cơ khí trong Sài Gòn, chứng kiến sự thăng trầm của xã hội, con người, khiến ông Hải quyết định giã biệt sự nghiệp khoa học kỹ thuật, vác cây đàn trên vai và bắt đầu cuộc đời của một "gã du ca" nay đây mai đó.
Những ký ức, hoài niệm về Hà Nội được người nghệ sĩ đường phố này "gói ghém" kỹ lưỡng, tận sâu thẳm trong lòng. Dù chơi nhạc ở bất cứ đâu, những bản nhạc đầu tiên để bắt đầu "chương trình biểu diễn" của ông luôn là những bài hát về Hà Nội. Tiếng mandolin réo rắt: "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô/ Đường lộng gió thênh thang 5 cửa ô..." bay vút lên không trung, rồi lắng đọng trong trái tim của bao thính giả xung quanh là các em sinh viên, các bác xe ôm, cả những vị khách nước ngoài...
Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" thế nhưng ông không muốn lãng quên mình trong cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của tuổi già. Với máu nghệ sĩ luôn tràn đầy, ông cầm đàn, cất lên những bản du ca phố, cùng chiếc xe đạp cà tàng của mình rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn, Hà Nội, những vùng xa xôi hẻo lánh, mà nhiều khi tiếng đàn hoàn toàn xa lạ với họ, hay những vùng bão lụt. Tạ Trí Hải mang tiếng đàn khâu lại những vết thương trong tâm hồn con người. Ông không có tiền để giúp đỡ những người nghèo khổ bằng vật chất, mà bằng tiếng đàn của mình.
Gặp lại ông giữa đất Hà Nội, nhận ra "người quen cũ" ông nheo mắt cười xòa rồi mời tôi vào ngồi cùng bên chén trà. Cạnh đó là chiếc xe đạp cũ kỹ ông mượn tạm của người bạn, hai cây vĩ cầm và một chiếc túi đựng những cuốn nhật ký mọi người ghi tặng. Đó là tất cả gia tài còn lại của ông sau những vật vã sinh tồn nơi phố thị. Tạ Trí Hải không kể nhiều về mình mà ông cầm đàn, tiếng vĩ cầm réo rắt mang nặng nỗi lòng của một đứa con sinh ra từ Hà Nội, nhiều năm đi xa lập nghiệp nay trở về, mang theo mình đầy những vết tích của nỗi buồn và sự cô đơn. Khi ông cầm đàn lên thì mọi phiền muộn trong cuộc đời đều được gột rửa. Dù đi gần hết một kiếp người, ông vẫn chỉ là một kẻ độc hành. Không gia đình. Không nhà cửa.
Một buổi sinh hoạt của nghệ sĩ già với Câu lạc bộ Ngàn sao.
Lão nghệ sĩ đường phố nổi tiếng nhất Việt Nam
Dù chưa từng là ngôi sao của một sân khấu lớn nào, chưa có live show hoành tráng nào, tuy nhiên nếu xét về lượng fan hâm mộ thì nhiều ca sĩ nổi tiếng Việt Nam hiện nay phải "nhìn mà thèm". Với ông, mỗi một người hâm mộ cũng chính là một người bạn có thể ngồi hàng giờ với nhau trên một góc phố nào đó để bằng tiếng đàn, lời hát cùng nhau sẻ chia những sự đồng điệu trong tâm hồn.
Nhiều nhóm sinh viên tình nguyện tại Hà Nội, luôn coi "cụ Hải" hay "bác Hải" là một ngôi sao nhiệt tình, thân thiện và dễ tính chưa từng có. Chỉ cần nói chuyện và nhờ cụ một câu là bất kỳ chương trình gì cụ cũng sẽ đồng ý tham gia cùng các bạn trẻ ngay. Từ những chương trình hoạt động đoàn đội, kỷ niệm cho đến những buổi hiến máu nhân đạo, làm từ thiện...
Cách đây gần chục năm, từ những ngày đầu biểu diễn ở Sài Gòn, lão nghệ sĩ Tạ Trí Hải đã lập ra câu lạc bộ "Ngàn sao", với điều kiện gia nhập CLB rất đơn giản: Chỉ cần yêu thích âm nhạc! Ai có đàn thì ôm đàn tới diễn tấu chung với ông. Ông cũng chẳng câu nệ đàn ta hay đàn tây: guitare, mandoline, violon cặp kè với đàn nhị, đàn bầu, sáo trúc... Ai không có đàn thì góp tiếng hát, vậy là: Trống cơm, Lên đàng, Tự nguyện, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Dậy mà đi, Kết đoàn, Nối vòng tay lớn, Vì nhân dân quên mình, Sài Gòn đẹp lắm, 60 năm cuộc đời... cứ thế âm vang dưới bóng mát tán cây công viên, tưng bừng cả một góc phố. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng "khí thế" với những bản tráng ca mà cũng có lúc trầm lắng với những Làng tôi, Diễm xưa, Niệm khúc cuối... Dàn "đại hợp xướng" của ông có lúc lên đến trăm người, chơi suốt mấy giờ liền...
Giờ đây nghệ sĩ Tạ Trí Hải đang sống tại Hà Nội, ở nhờ căn phòng của một người bạn. Hàng ngày, ông thường đạp xe tới hồ Gươm để đàn hát cho mọi người nghe. Gia tài vô giá của ông chính là cây đàn mandoline cũ kỹ, loang lổ vết sơn lại cùng một chiếc Violin luôn thường trực trên vai ông. Ông quý những vật tri kỷ của mình lắm, Vì cái "tính khí" mưa nắng bất chợt của đất Sài Gòn nên lúc nào ông cũng mang theo một túi nhựa để bọc chúng thật kỹ phòng khi trời mưa... Hôm tôi gặp ông ở Sài Gòn, trời đang chuyển mưa, ông vừa bọc đàn vừa tranh thủ cho tôi xem những cuốn sổ lưu niệm ghi lại cảm tưởng, số điện thoại, địa chỉ... của những người đã từng xem ông biểu diễn.
Hiện tại, đối với những bạn nào chưa từng được xem ông biểu diễn thì có thể ra bờ hồ Hoàn Kiếm vào các buổi tối (đoạn đường Lê Thái Tổ, gần ra đến phía đầu Hàng Trống) là sẽ gặp một nhóm đông vây quanh, tiếng đàn réo rắt thì chính là nơi sinh hoạt của người nghệ sĩ già và câu lạc bộ Ngàn sao của mình.
72 tuổi vẫn đi thi VN's Got Talent Người nghệ sĩ ngoại thất thập gốc Hà thành Tạ Trí Hải đã đem đến cho cuộc thi một gam màu nghệ sĩ đúng chất hoài cổ. Đến với sân chơi Vietnam's Got Talent, như bất kỳ lần biểu diễn trên đường phố nào khác của mình, với mái tóc dài búi gọn, bộ râu trắng như cước, khoác chiếc áo kaki nâu sẫm kèm chiếc mũ cao bồi rộng vành. Ông tâm sự: Tham dự Vietnam's Got Talent, ông chỉ muốn đến để cổ vũ cho các thí sinh dự thi và hi vọng chương trình sẽ tìm kiếm được những tài năng trẻ có nhiều đam mê nghệ thuật và cống hiến cho xã hội. |
Bạt Phong