> Nữ minh tinh nổi tiếng bị 'sàm sỡ'
Ngày 18/3, trên khắp các mặt báo Nga tràn ngập bài viết về "hiện tượng nhà thổ cực lớn" Bolshoi. Người ta thấy Anastasia Volochkova, nữ diễn viên balê nổi tiếng từng bị sa thải khỏi đoàn văn nghệ vì có thân hình quá đồ sộ hồi năm 2003, đã liên tục lên truyền hình và nhờ bạn bè trong giới truyền thông đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang thiêu đốt nhà hát danh tiếng nhất ở Nga.
Anastasia Volochkova sau khi bị Bolshoi sa thải vì quá béo đã lên tiếng công khai chỉ trích nhà hát này đội lốt... nhà thổ.
Volochkova tố rằng, các nữ nghệ sĩ balê trẻ của Nhà hát Bolshoi thường bị buộc tham gia những tiệc tối và quan hệ tình dục với các nhà bảo trợ giàu có. Đây là sự kiện mới nhất trong hàng loạt các vụ bê bối đấu đá càng gia tăng trong nội bộ nhà hát kịch huyền thoại. Cả nước Nga tới giờ còn chưa hết phẫn nộ khi có kẻ tạt axít Giám đốc nghệ thuật Sergei Filin hồi tháng 1 vừa qua và kẻ tình nghi vừa bị bắt giữ, thì giờ đây họ càng thêm bàng hoàng khi biết, lâu nay phía sau cánh gà nhà hát balê danh giá nhất nước Nga và thuộc hàng đầu thế giới này đã không chỉ có một cuộc "nội chiến" âm ỉ cháy mà thực sự, biểu tượng văn hóa của người Moskva đang sụp đổ…
Nhà thổ trá hình?
Anastasia Volochkova, 37 tuổi, là cựu nghệ sĩ nổi danh một thời của Nhà hát Bolshoi từ năm 1998, bị sa thải hồi năm 2003 với lý do cô có hình thể quá to lớn khiến các nam vũ công không thể nhấc bổng. Volochkova đã đưa vụ việc ra tòa và thắng kiện vì lãnh đạo Nhà hát Bolshoi đã sa thải cô mà không có lý do chính đáng. Cô được bồi thường 6.400 USD, nhưng sự nghiệp balê của cô cũng ra đi không trở lại.
Phát biểu trong một chương trình truyền hình hôm 17/3, Volochkova nói rằng, các nữ nghệ sĩ balê trẻ của nhà hát thường bị buộc tham gia những tiệc tối và phải “lên giường” với các nhà bảo trợ giàu có. "Tổng giám đốc Bolshoi đã biến nhà hát thành một nhà thổ khổng lồ. Các vũ công múa balê và các ca sĩ solo thường bị gạ gẫm phải hiến thân cho các nhà bảo trợ lắm tiền nhiều của", cô cho biết.
Mười năm trước khi Volochkova còn đang làm việc ở nhà hát, cô thường xuyên nhận được những lời đề nghị qua đêm với đại gia lắm tiền. Các nữ diễn viên bị ép phải tới dự các buổi tiệc xa xỉ và được báo trước rằng, họ sẽ phải lên giường để "phục vụ tới Z" nhu cầu của khách. Volochkova sau đó còn tiếp tục khẳng định lại trong một buổi phỏng vấn trên đài phát thanh rằng, những ai từ chối thường bị giám đốc sa thải bằng nhiều lý do không rõ ràng. Họ bị chính giám đốc dọa sẽ cấm lưu diễn vĩnh viễn, thậm chí chấm dứt mọi hoạt động biểu diễn ở ngay chính Nhà hát Bolshoi.
Phản ứng trước thông tin Volochkova đưa ra, Giám đốc nhà hát Anatoly Iksanov khẳng định những lời tố cáo của cựu vũ công này là bẩn thỉu, bệnh hoạn và thực sự điên khùng.
Đã có một cuộc “nội chiến” đang diễn ra ngấm ngầm ở Nhà hát Bolshoi.
Volochkova thực chất là một nhân vật nổi loạn, đã xuất hiện trong nhiều chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình và tham gia vào lực lượng chính trị đối lập. Tuy nhiên, sự nghiệp diễn solo của cô lại bị các nhà phê bình ghẻ lạnh. Sự nghiệp diễn viên múa chính của cô chỉ kéo dài được 5 năm bởi sau khi bị sa thải, cô không còn được mời biểu diễn và danh tiếng cũng nhanh chóng đi xuống. Volochkova sau đó chuyển hướng sang lĩnh vực truyền hình, giờ cô là một gương mặt thân quen đối với khán giả và thậm chí còn đang chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực chính trị.
Cô từng tiết lộ bị đe dọa tính mạng sau khi công khai thông tin Nhà hát Bolshoi là nhà chứa gái mại dâm và bắt ép các diễn viên hành nghề để tăng thu nhập. Tuy nhiên, điều gây sốc hơn cả là Volochkova nhấn mạnh, một người bạn thân của cô, cùng là một nghệ sĩ balê hàng đầu có tên gọi Lumkina, cũng phải chịu chung thảm cảnh lo sợ mất mạng. Cô gái này quyết định ở lại Canada và không chịu về Nga khi liên tiếp bị tống tiền, dọa giết hay lo ngại về sự an toàn của gia đình.
Lumkina lo ngại sẽ gặp nguy hiểm nếu trở về Moskva do đang vướng vào tranh chấp làm ăn về một bộ phim mà chồng cô sản xuất với nội dung nói về vũ công balê nổi tiếng của nước Nga. Một số nguồn tin cho rằng các đe dọa chống lại Lumkina có liên quan tới giám đốc nhà hát Bolshoi, khi nhân vật này từng làm việc chung và tập huấn giúp Volochkova thành tài.
Những lời phát biểu trên truyền hình của Volochkova càng gia tăng căng thẳng trong nhà hát. Các nhân viên ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tấn công nhằm vào Giám đốc nghệ thuật Sergei Filin hồi tháng 1 vừa qua. Khi Filin bị tạt axít, cả nước Nga đã không khỏi sốc và phẫn nộ. Giờ đây họ càng thêm bàng hoàng khi biết đó là kết quả của một cuộc "nội chiến" đã âm ỉ cháy trong nhà hát balê danh giá nhất nước Nga và thuộc loại hàng đầu thế giới.
Cảnh sát Moskva hôm 6/3 thông báo họ đã bắt Pavel Dmitrichenko, một nghệ sĩ balê solo hàng đầu của Nhà hát Bolshoi. Người đàn ông chuyên thủ các vai ác này hóa ra cũng là kẻ mang dã tâm ngoài đời. Hai đồng phạm của Dmitrichenko trong vụ án này là Yuri Zarutsky và Andrei Lipatov. Zarutsky là kẻ đã thẳng tay tạt axít trong khi Lipatov lái chiếc xe chở cả bọn chạy trốn. Dmitrichenko đóng vai trò chủ mưu và hắn cũng đã trả tiền để thuê những gã trên ra tay. Cả ba nghi phạm sẽ phải xuất hiện trước một thẩm phán để mức tiền thế chân mà họ phải nộp để được tại ngoại hầu tra. Họ sẽ phải đối mặt với án tù từ 8 đến 12 năm do cố ý gây thương tích tới sức khỏe người khác.
Vụ án đã thu hút sự chú ý của cả nước Nga và xuất hiện trên các bản tin trong suốt tuần lễ, bởi bên trong đó có các âm mưu, thủ đoạn và cả những hành động độc ác mà người ta tưởng như chỉ có thể tìm thấy tại một trong những vở balê nổi tiếng ở Nhà hát Bolshoi như “Ivan the Terrible” (Ivan bạo chúa), trong đó Dmitrichenko thủ vai chính. Động cơ của vụ phạm tội nằm trong mối quan hệ thù địch giữa Filin và Dmitrichenko.
Các nguồn tin khác cho cánh phóng viên Nga biết rằng, Dimitrichenko đã rất tức giận khi Filin gạt bạn gái hắn là diễn viên Anzhelika Vorontsova ra bên lề. Vorontsova đã không được lựa chọn cho một vai diễn quan trọng khác trong vở “Hồ Thiên nga”, trong đó Dmitrichenko đã được lựa chọn để thủ vai gã phù thủy độc ác Von Rothbart, đã biến những cô gái xinh đẹp thành thiên nga.
Ba nghi phạm trong vụ tạt axit Giám đốc nhà hát (từ trái qua): Yury Zarutsky, Andrei Lipatov và Pavel Dmitrichenko.
Trên thực tế, có nhiều lý do để các diễn viên múa balê bực tức với bộ máy lãnh đạo, từ việc thất vọng do các quyết định liên quan tới chọn diễn viên múa, cho tới những tranh cãi chuyên môn về đường hướng phát triển của nhà hát và đó có thể là nguyên nhân khiến Filin bị tấn công. Sergei Filin là người rất nguyên tắc, luôn có quan điểm rõ ràng và bảo vệ ý kiến cá nhân tới cùng. Do đó, Filin sẽ không chọn một nghệ sĩ balê nào đó nếu nghi ngờ rằng người này chưa phù hợp, dẫn tới vụ việc đáng tiếc xảy ra khiến ông này phải chịu thương tật vĩnh viễn.
“Nấm mồ chôn những bí mật kinh dị” giữa xứ bạch dương
Nhà hát Bolshoi có một lịch sử hết sức đặc biệt. Tại chính địa điểm của Nhà hát hiện tại, một trong những nhà hát đầu tiên của Moskva do Michael Maddox - một nghệ sĩ của Anh và một nhà quý tộc Nga - sáng lập vào năm 1780. Thế nhưng, nhà hát đó đã bị cháy vào năm 1825, thay thế vào đó là một cấu trúc lớn hơn - Nhà hát Bolshoi.
Công trình này cũng bị lửa thiêu nhưng được tu bổ và mở cửa lại vào năm 1856. Kể từ đó không hề có cuộc tu bổ lớn nào được xúc tiến cho đến năm 2005, khi các chuyên gia cảnh báo nhà hát sắp bị sụp và cần phải được đại tu. Có thể nhà hát đã biến mất từ lâu nếu như chính quyền không biến nhà hát này thành nơi tổ chức hội họp và trình diễn các vở opera hay balê hiện đại.
Trong quá trình phát triển, Bolshoi đã trải qua những thời điểm đầy khó khăn sau năm 1991 và cay đắng để mất đi ưu thế vào tay Nhà hát Mariinsky, hay còn nổi tiếng với tên gọi Kirov, ở thành phố St Petersburg. Vài năm trở lại đây, Bolshoi đã cố gắng thoát khỏi cái tiếng là một nhà hát lỗi thời với những vở opera và balê bị xem là quá "nặng". Nhà hát đã dàn dựng nhiều sản phẩm mang tính đương đại và tổ chức nhiều màn diễn thử nghiệm. Tuy nhiên, sự cách tân đó không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ. Giọng ca nữ cao huyền thoại Galina Vishnevskaya tuyên bố, bà không bao giờ trở lại nhà hát sau khi xem một sản phẩm đương đại dàn dựng theo tác phẩm “Eugene Onegin” của Tchaikovsky ở nhà hát.
Bolshoi là nhà hát balê hàng đầu của Nga, nổi tiếng với các nghệ sĩ đẳng cấp thế giới cùng các màn biểu diễn đậm chất nghệ thuật. Nhưng ít ai biết rằng Bolshoi còn là một điểm nóng của các xung đột ngầm vẫn xảy ra sau cánh gà, xuất xứ của nhiều bê bối và nghi ngờ băng hoại đạo đức trong dư luận kéo dài hàng thập niên. Lịch sử 236 năm tồn tại chưa bao giờ chứng kiến những cú sốc liên tiếp phủ bóng đen bao trùm Bolshoi, biến biểu tượng văn hóa trở thành "một nấm mồ chôn những bí mật kinh dị" giữa xứ Bạch dương.
Trong vòng 30 năm, nhà hát đã nằm dưới vòng kiểm soát của Yuri Grigorovich, một con người cứng rắn "như một vị thánh ở Bolshoi", khiến các nghệ sĩ luôn phải lo sợ việc sẽ bị đuổi việc bất kỳ lúc nào. Grigorovich bị phế truất vào năm 1995, do từ chối cập nhật các tiết mục truyền thống của Nhà hát Bolshoi sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng năm 2008, ông đã trở lại để giám sát hoạt động biểu diễn một số tác phẩm kinh điển.
Là một trong những thiết chế nổi tiếng nhất của nền văn hóa Nga, Bolshoi được đóng cửa để tu bổ từ năm 2005, song dự án này đã diễn ra không hề suôn sẻ, khiến Chính phủ Nga phải gánh số tiền chi phí thực tế khổng lồ lên tới 700 triệu USD - cao hơn gấp 16 lần do với dự kiến ban đầu. Năm 2009, các nhà điều tra cho biết một nhà thầu phụ đã chi tiêu sai tới hàng triệu rúp, trong khi nhiều nhà thầu đã bị chính phủ thải hồi và do vậy mà kế hoạch hoàn tất liên tục bị trì hoãn. Cho tới giờ, việc trùng tu nhà hát vẫn là chủ đề để công chúng bàn tán về vấn đề tham nhũng, thiên vị người thân và tình trạng bất lực trong bộ máy lãnh đạo cấp cao nhất.
Nhà hát cũng bị chỉ trích vì hệ thống phân phối vé. Theo truyền thống của Nga, một bộ phận vé giá rẻ sẽ chỉ dành để bán cho học sinh, sinh viên và người hưu trí. Nhưng thực tế giá rẻ ít khi còn để bán. Các đại lý bán vé lại thường chỉ quan tâm bán vé cho người giàu ở Nga và các du khách, với mức giá cao hơn nhiều với giá chính thức.
Được biết, một trong các giả thuyết liên quan tới vụ tấn công nhằm vào Filin mà Cảnh sát Moskva đang xem xét là nỗ lực của anh trong việc chống lại những sai phạm trong việc bán vé. Vụ tấn công nhằm vào Filin là một tội ác tồi tệ, nhắc người ta nhớ tới các cuộc chiến tranh mafia trong những năm 1990 và cách những tên mafia Nga ăn miếng trả miếng với nhau. Nhân viên Bolshoi đã sống dưới bầu không khí mafia như thế trong hai thập niên qua. Họ đều cho rằng những cuộc tranh đấu quyền lực cứ âm ỉ cháy, giết chết thứ nghệ thuật thanh cao và danh tiếng của một trung tâm văn hóa lớn như Bolshoi.
Alexei Ratmansky, cựu Giám đốc nghệ thuật của Bolshoi, từng được ca ngợi vì đã nỗ lực hiện đại hóa nhà hát từ năm 2004 đến 2008 trước khi bỏ cuộc vì các đấu đá nội bộ và bởi sự phản đối tới từ các thế lực thủ cựu trong nhà hát, đã có phản ứng ngán ngẩm trước vụ việc của Filin. Tuần trước, ông viết trên trang Facebook rằng: "Những gì xảy ra với Sergei Filin không phải là tai nạn. Nhà hát Bolshoi có nhiều căn bệnh trầm kha. Đó là "hầm phân" đáng kinh tởm... hình thành từ việc thiếu các giá trị đạo đức ở cái nôi văn hóa Nga này"…
> Đời bất hạnh của một nam diễn viên
Theo Công an nhân dân