Đỉnh cao vinh quang
Đơn Dương sinh ngày 27/8/1957 tại Đà Lạt. Anh bén duyên điện ảnh vào năm 1982 với một vai diễn nhỏ trong phim Pho tượng của đạo diễn Lê Dân. Ngay sau vai diễn này, Đơn Dương được nhiều đạo diễn chú ý và có cơ hội tham gia rất nhiều các vai diễn đình đám của điện ảnh Việt Nam như: Canh bạc, Ngõ đàn bà, Dấu ấn của quỷ, Lời thề, Mê Thảo thời vang bóng, Đời cát ,...Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Đơn Dương đã tham gia tổng cộng 38 bộ phim khác nhau.
"Đơn Dương là diễn viên hiếm hoi vừa đẹp, vừa nam tính nhất trong làng điện ảnh Việt xưa và nay"
Các đồng nghiệp cùng thời đều đánh giá rất cao tâm huyết và sự say mê của Đơn Dương dành cho điện ảnh. Đạo diễn Đào Bá Sơn, một trong những người bạn thân thiết của nam diễn viên này cho hay: "Đơn Dương là một người có tài, có cá tính mạnh mẽ, một diễn viên làm việc có trách nhiệm, chịu khó suy nghĩ về nhân vật để tìm tòi được cách thể hiện tối ưu nhất".
Đạo diễn Việt Linh thì tiết lộ: để nhập vai Tam trong bộ phim Mê thảo thời vang bóng, Đơn Dương đã phải học đánh đàn nguyệt, đàn đáy suốt cả tháng trời. Bù đắp lại cho những khổ cực đó, phân đoạn anh gục xuống bên cây đàn oan nghiệp với những ngón tay nhỏ đầy máu đã chạm vào trái tim của tất cả những khán giả yêu điện ảnh.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, người đã chọn Đơn Dương cho bộ phim Canh Bạc đã hết lời ca ngợi anh. Theo Lưu Trọng Ninh, Đơn Dương là diễn viên hiếm hoi vừa đẹp, vừa nam tính nhất trong làng điện ảnh Việt xưa và nay. “Làm đạo diễn phim Canh bạc, tôi nhiều lần phát điên lên vì mỗi khi nghe các cô gái xung quanh hết lời khen Đơn Dương đẹp trai. Có những hôm quay phim, Đơn Dương được hàng nghìn nữ sinh kéo đến nhìn ngắm rồi hết lời kêu to: Anh có nụ cười đẹp thế! Nụ cười của anh cực kỳ đẹp! Cười đẹp thế!" - Đạo diễn Lưu Trong Ninh kể lại. Với vai diễn trong Canh Bạc, Đơn Dương đã dành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan phim năm 1993.
Năm 1999, Đơn Dương được đạo diễn Tony Bùi mời tham gia bộ phim Ba mùa. Bộ phim nhận giải thưởng LHP Sundance còn cái cái tên Đơn Dương thì cũng đã vươn ra khỏi thị trường điện ảnh trong nước và được các đạo diễn Hollywood chý ý.
Đơn Dương đã bỏ ra hơn 1 tháng để học đánh đàn nguyệt, đàn đáy
Bước ngoặt cuộc đời
Năm 2001, anh được mời vào vai thiếu tá An trong phim Chúng tôi từng là lính cùng ngôi sao Hollywood Mel Gibson và một vai khác trong Rồng xanh. Hai bộ phim này đã có những chi tiết thiếu trung thực về cuộc cách mạng của Việt Nam. Đơn Dương bị lên án gay gắt. Để trốn tránh những điều tiếng, Đơn Dương đã phải chọn cách sang Mỹ. Thế là từ một tài tử nổi tiếng, có một cuộc sống khá giả, thành đạt ở Việt Nam, Đơn Dương trở thành người không nhà cửa, không nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn, nam diễn viên này cay đắng tiết lộ: "Khi đọc kịch bản Chúng tôi từng là lính, tôi nghĩ mình đóng vai một anh hùng bộ đội, chắc sẽ được khán giả Việt Nam khen ngợi. Khi xem phim, khán giả tinh ý sẽ nhận thấy các vai bộ đội do những người châu Á khác đóng chứ không phải người Việt Nam. Nhưng khi xem bộ phim đã hoàn thành, tôi rất buồn vì những cảnh tôi diễn tả tính cách dũng cảm và mưu trí của thiếu tá An đã bị cắt rất nhiều. Đây là kinh nghiệm cho bản thân tôi. Tôi xin thề sẽ không bao giờ đóng phim về chiến tranh Việt Nam do người nước ngoài đạo diễn nữa, vì họ có toàn quyền thay đổi kịch bản theo ý đồ của họ".
Chỉ với một sai lầm nhỏ, cuộc đời Đơn Dương đã bị đẩy xuống vực thẳm
Lời thề này của Đơn Dương đã được đạo diễn Lê Cung Bắc - anh rể của nam diễn viên này và đạo diễn Lưu Trọng Ninh xác nhận. Theo lời ông Lê Cung Bắc, tại Mỹ, Đơn Dương cũng nhận được vài lời đề nghị đóng phim mà nếu nhận vai anh sẽ có nhiều tiền. Nhưng nam diễn viên cho rằng, những vai này dễ gây hiểu lầm vì tính cách phản diện, vì thế anh không nhận.
Còn đạo diễn Lưu Trọng Ninh thì tiết lộ: "Lúc mới qua Mỹ, cái tên Đơn Dương rất hot, nổi tiếng và được quan tâm. Khi đó, các nhà làm phim bên Mỹ không ngần ngại chi trả cho Đơn Dương 2 triệu đô để khai thác cuộc đời và sự ra đi của Dương. Với 1 triệu đô tiền bản quyền cuộc đời và 1 triệu đô làm diễn viên chính, nhưng Dương từ chối hết tất cả. Sau Chúng tôi từng là lính cậu ấy không nhận tham gia bất cứ một bộ phim nào bên đất Mỹ cho tới nay. Tôi ngưỡng mộ Đơn Dương, bởi nếu là tôi, tôi sợ mình sẽ không dễ bỏ qua số tiền 2 triệu đô đó được."
Hình ảnh Đơn Dương trầm ngâm trong một lần tiếp xúc với giới truyền thông tại Mỹ
Scandal bủa vây tứ phía
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh còn cho biết thêm, trong 9 năm sống ở Mỹ, cuộc sống của Đơn Dương rất khó khăn. Nam diễn viên này từ chối nhận trợ cấp của Mỹ và chỉ quanh quẩn với việc chăm sóc gia đình chứ không có niềm vui và công việc nào khác.
Không chỉ khó khăn trong công việc, cuộc sống riêng tư của Đơn Dương cũng liên tục gặp phải những điều tiếng không hay. Anh bị cho là từng gian dối trong việc ly hôn, ly hôn, làm giấy tờ giả để đưa vợ con sang Mỹ sinh sống.
Năm 2003, Đơn Dương bị cô Trần Thị Phương Liên kiện tội "lén lút chụp ảnh khỏa thân và thu băng audio sex để tống tiền". Tòa án ở Fairfax (Virginia) kết án và yêu cầu nam diễn viên bồi thường cho người bị hại 200.000 USD.
Tuy hiên, sau đó, Đơn Dương đã kháng cáo và tố cáo cô Liên Trần về hành động vu khống, lăng mạ. Cuối cùng cô Trần Thị Phương Liên tự ý bãi nại, hủy kiện.
Tháng 6/2008, Đơn Dương ở tuổi 50 làm đám cưới với bà Mỹ Hạnh, 64 tuổi, chủ nhân của thẩm mỹ viện Hạnh Phước và là người có cổ phần trong hãng sản xuất băng, đĩa nhạc Thúy Nga Paris. Mặc dù Đơn Dương khẳng định, cuộc hôn nhân của anh xuất phát từ tình yêu và sự cảm thông từ phía hai người, tuy nhiên, báo chí hải ngoại đều cho rằng, không có lý do gì mà một diễn viên đẹp trai, nổi tiếng như Đơn Dương phải lấy người phụ nữ hơn mình nhiều tuổi như vậy ngoại trừ vì... tiền.
Đơn Dương bị cho là lấy bà Phước Hạnh chỉ vì tiền
Không có công ăn việc làm, không nhà cửa, lại bị các scandal bủa vây tứ phía, Đơn Dương gần như bị đẩy vào bước đường cùng. Đã có lúc, anh phải tuyệt vọng kêu lên trước giới truyền thông rằng: : "Tôi căng thẳng, mệt mỏi lắm rồi. Xin hãy để tôi yên".
Còn theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, trong hơn 7 năm sống ở Mỹ, Đơn Dương đã từng 2 lần có ý định tử tự vì stress nặng nề.
Diễn viên Nguyễn Chánh Tín - người bạn thân đồng thời cũng là người giới thiệu Đơn Dương đến với môn nghệ thuật thứ 7 nói rằng, nhận xét Đơn Dương là một người "lắm tài nhiều tật" cũng có một phần đúng vì "tính Dương rất dễ thương nhưng lại rất nóng nảy, bộc trực và quan trọng là cậu ấy không biết khôn khéo".
Hình ảnh của Đơn Dương thuở còn hạnh phúc bên người vợ đầu tiên
Đau đáu ước nguyện trở về
Ngày 7/12/2011, Nam diễn viên Đơn Dương trút hơi thở cuối cùng ở Mỹ sau một cơn tai biến mạch mãu não. Thông tin này không chỉ khiến gia đình, bạn bè mà còn cả những người hâm mộ tài năng diễn xuất của anh bị sốc.
Khi ra đi, Đơn Dương cũng đã khẳng định với bạn bè người thân rằng, anh sẽ trở về. Trước khi mất mấy tháng, Đơn Dương đã xin được visa trở về Việt Nam. Anh rất muốn về ngay để gặp bạn bè, người thân và gia đình tuy nhiên, vì nghĩ đợi tới dịp Tết thì sẽ được ở lại lâu hơn nên anh đành hoãn chuyến trở về. Ai dè, ước muốn nhỏ nhoi đó của nam diễn viên tài năng và bạc mệnh này đã không thể thực hiện được.
Đơn Dương ra đi khi mới bước sang tuổi 55
Đạo diễn Đào Bá Sơn ngậm ngùi chia sẻ: “Cách đây một thời gian, tôi có gọi điện cho Đơn Dương, anh ấy bảo nhớ Việt Nam lắm, thèm gặp lại bạn bè anh em và còn hẹn sẽ về Việt Nam để đi nhậu cùng ôn lại chuyện làm phim ngày trước. Lẽ ra tết năm nay Đơn Dương và chúng tôi sẽ thực hiện được lời hẹn này nhưng giờ thì Đơn Dương đã lỡ hẹn với chúng tôi rồi".
Còn nghệ sỹ Nguyễn Chánh Tín thì cho hay: "Đơn Dương luôn khao khát được trở về Việt Nam. Trước đây cậu ấy từng nói nguyện vọng khi chết muốn linh cữu được đưa về Việt Nam. Bây giờ, như bao người ra đi, dù là ở đâu cũng muốn hướng nội, quay về nguồn gốc. Đơn Dương đã thỏa ước nguyện rồi. Nhưng tôi đau lòng và buồn cho người em khi ước nguyện về nước chơi và gặp gỡ người thân đã không thành hiện thực".
Hiện tại, tro cốt của nam diễn viên đã được an táng ngay tại mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên.
Theo Tâm An/Khám phá