Hơn 800.000 camera bị lộ thông tin và chiếm quyền điều khiển
Khi công bố dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho IP camera tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết. hệ thống của Bộ phát hiện hơn 800 nghìn camera giám sát tại Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai, theo số liệu tính đến tháng 5/2024.
Các vụ việc liên quan đến việc chiếm quyền kiểm soát camera giám sát tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Không chỉ các tổ chức lớn mà cả các hộ gia đình cũng trở thành mục tiêu của tin tặc. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, phổ biến nhất là việc người dùng không đổi mật khẩu mặc định của thiết bị sau khi lắp đặt, hoặc sử dụng những mật khẩu đơn giản, dễ đoán.
Các hacker sau khi chiếm được quyền truy cập vào hệ thống camera có thể theo dõi mọi hoạt động tại nơi lắp đặt camera, từ không gian riêng tư của gia đình đến những khu vực nhạy cảm tại các cơ sở kinh doanh.
Nghiêm trọng hơn, những hình ảnh và video thu được từ camera có thể bị khai thác để tống tiền, hoặc bán trên các nền tảng đen trên mạng, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng lo sợ và bất an.
Công khai mua bán hình ảnh nhạy cảm từ camera
Theo các chuyên gia bảo mật, nhiều nhóm tin tặc hoạt động trên các ứng dụng mạng xã hội như Telegram đã tổ chức các diễn đàn chuyên chia sẻ và mua bán hình ảnh, video từ camera giám sát bị xâm nhập.
Những nhóm này thu hút hàng chục nghìn đến hàng trăm ngàn thành viên, với nội dung chủ yếu xoay quanh việc chia sẻ các đoạn video nhạy cảm từ các cá nhân, gia đình hoặc tại các cơ sở kinh doanh (spa, karaoke, cửa hàng,...).
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự riêng tư của nạn nhân, mà còn gây ra những tổn hại tâm lý nghiêm trọng.
Những kẻ xấu còn sử dụng thông tin cá nhân thu thập được để thực hiện các hoạt động lừa đảo, tống tiền hoặc thậm chí là khai thác các dữ liệu nhạy cảm phục vụ cho các hoạt động phi pháp.
Sự công khai của các nhóm chat này phản ánh sự thiếu kiểm soát và quản lý đối với các hoạt động phi pháp trên mạng xã hội. Người dùng có thể dễ dàng truy cập, tìm mua hoặc thậm chí trở thành người phát tán nội dung, gây ra những tác động nghiêm trọng đến xã hội.
Hình ảnh và video nhạy cảm từ camera giám sát không chỉ là sự vi phạm quyền riêng tư, mà còn đe dọa an toàn của chính nạn nhân.
Các đối tượng xấu có thể lợi dụng thông tin này để tống tiền, quấy rối, hoặc thực hiện các hành vi xâm phạm khác. Nạn nhân, đa phần không hề hay biết mình đã bị theo dõi, thường chỉ nhận ra khi đã quá muộn, khi hình ảnh của họ đã bị lan truyền rộng rãi.
Những video, hình ảnh từ các hộ gia đình hay cửa hàng cá nhân thường ghi lại những khoảnh khắc riêng tư, khiến người dùng camera rơi vào trạng thái bất an, lo sợ. Bên cạnh đó, sự lan tràn của những nội dung này còn làm gia tăng các tội phạm về xâm hại tình dục và quấy rối qua mạng.
Rò rỉ thông tin và bí mật riêng tư
Việc bị mất quyền kiểm soát camera giám sát không chỉ dừng lại ở việc lộ hình ảnh, video mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác.
Đối với các doanh nghiệp, việc bị xâm nhập có thể dẫn đến tình trạng rò rỉ thông tin kinh doanh quan trọng, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với các hộ gia đình, sự riêng tư bị xâm phạm sẽ dẫn đến những cảm giác lo lắng, bất an khi mọi hoạt động trong nhà đều bị giám sát bởi người lạ.
Bên cạnh đó, nguy cơ về an ninh cũng tăng cao khi tin tặc có thể theo dõi lịch trình, thói quen sinh hoạt của gia đình để lên kế hoạch cho các hành động phạm pháp như trộm cắp hoặc tấn công bạo lực.
Anh Trần Văn Dũng, nhân viên kỹ thuật mạng và camera của FPT Telecom cho biết, để tránh những rủi ro không đáng có về thiết bị camera, người dùng cần có những biện pháp bảo vệ hệ thống camera của mình.
Đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi mật khẩu mặc định ngay khi lắp đặt, đồng thời sử dụng mật khẩu mạnh, bao gồm chữ cái, số và ký tự đặc biệt. Người dùng cũng nên cập nhật thường xuyên phần mềm và firmware của camera để vá các lỗ hổng bảo mật.
Đồng thời, nên đặt mật khẩu khó đoán và nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, kiểm tra lịch sử ghi hình. Ngoài ra, việc lựa chọn các nhà cung cấp uy tín với các giải pháp bảo mật cao cũng là một cách để giảm thiểu rủi ro.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, bên cạnh những lợi ích to lớn mà nó mang lại, việc bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư cần được đặt lên hàng đầu. Hệ thống camera giám sát, dù hữu ích, vẫn cần được bảo vệ chặt chẽ để không trở thành "con dao hai lưỡi" gây nguy hiểm cho chính người sử dụng.
Theo luật sư Phùng Thị Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ cho biết, hành vi xâm nhập trái phép camera là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự (BLHS), với mức phạt từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Còn theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư Tp.HCM: Hành vi mua bán video, hình ảnh nhạy cảm của người khác là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Sau khi xâm nhập trái phép vào camera, việc phát tán, mua bán nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu theo Điều 155 BLHS về tội Làm nhục người khác, với mức phạt từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ, thậm chí phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Nếu các video, hình ảnh có nội dung khiêu dâm, người vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 30 đến 50 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu theo Điều 326 BLHS về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, với mức phạt tù lên đến 15 năm.