Có ba "tiểu đảo" nằm chênh vênh giữa một hồ nước trên gò Bắc Chiêng (Thị trấn Mộc Hóa - Long An ngày nay) mà người ta gọi là Núi Đất. Núi Đất được xây dựng lên bằng mồ hôi, nước mắt và máu của hơn 200 tù nhân chính trị dưới thời Ngô Đình Diệm.
Đáp núi giữa mênh mông nước
Chúng tôi về Mộc Hóa đúng lúc nơi đây đang vào mùa nước nổi. Cả một vùng với những con kênh, con bưng vẽ nên những đường nước ngoằn ngoèo. Thấp thoáng trong những hàng đước xanh, những chiếc tàu nhỏ chạy máy. Tiếng nổ khuấy tan bầu không khí thanh vắng của làng quê vùng sông nước. Đồng Tháp Mười. Những gò, giồng hội tụ phù sa tạo nên những dãy cây trái xanh tươi trù phú, những nhánh sông cho tôm cá nặng tay kéo người dân chài. Gò Bắc Chiêng, một cù lao nổi lên giữa bốn bề sông nước, nơi có sông Vàm Cỏ chảy qua.
Cũng chính tại đây, một ý tưởng được cho là táo bạo của bọn quan quyền thời chính quyền Ngô Đình Diệm là xây đắp những ngọn giả sơn (núi giả) giữa vùng kênh rạch này. Ý tưởng ấy, nếu như bằng chính trí tuệ, công sức của cả cộng đồng thì nó là một bước đột phá mới mẻ cho vùng đồng bằng chiêm trũng này. Nhưng trên thực tế, ý tưởng đó lại được xây dựng trên chính mồ hôi và máu của những người tù chính trị yêu nước Việt Nam, là minh chứng về tội ác dã man tố cáo trực tiếp chính quyền Ngô Đình Diệm cùng các quan lại khét tiếng tàn độc của y.
Núi Đất ngày nay là khu di tích lịch sử thuộc Thị trấn Mộc Hóa.
Vào những năm 1956 - 1957, khi bắt đầu thành lập tỉnh Kiến Tường, vùng đất Mộc Hóa còn rất hoang vu, cỏ hoang mọc lên khắp nơi không có lối đi. Mọi việc di chuyển chỉ bằng xuồng, ghe nhỏ dọc trên các rạch, mương xen giữa những hàng đước rậm rịt. Khi tiến hành xây cất tỉnh lị, chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng xe ủi đất san bằng cả một khu vực rộng lớn, lấy đất nơi cao bồi đắp nơi chiêm trũng. Riêng khu vực Núi Đất, vẫn còn là vùng trũng, nước ngập lênh láng, môi trường dơ bẩn, muỗi mòng hội tụ.
Tỉnh trưởng Kiến Tường lúc bấy giờ là Đinh Văn Phát đã về Sài Gòn mời hoa viên kiến trúc về nghiên cứu thiết kế lại sao cho phù hợp vì đây là nơi trung tâm đặt trụ sở tỉnh lị mới. Sau khi đề án quy hoặch tổng thể khu Núi Đất được hoàn thành, Trung tá tỉnh trưởng Đinh Văn Phát đem trình Ngô Đình Diệm và được Diệm thông qua đề án công trình xây dựng Núi Đất với khoản kinh phí khổng lồ. Tuy nhiên, số tiền lớn từ trên rót xuống cho công trình đã bị tên tỉnh trưởng cuỗm trọn. Theo lời những bậc bô lão ở đây kể lại, Đinh Văn Phát, người Quảng Nam là tên tỉnh trưởng khét tiếng dữ dằn, hung ác. Dân Mộc Hóa lúc ấy thường dùng danh từ "quỷ một mắt" hay "thằng độc nhãn" để chỉ y.
Bằng thế lực và sự gian ác của mình, y dùng lực lượng tù nhân chính trị đang bị giam cầm ở đây đi lao động khổ sai. Mỗi ngày, có đến trên 200 tù nhân được điều động đến đảm trách vận chuyển đất đá cho việc đắp núi. Các tù nhân làm việc quần quật từ sáng tới tối dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của hàng rào lực lượng Bảo An tại Mộc Hóa. Công việc đào đất, khiêng đất và vác đá rất nặng nhọc. Nhưng nếu tù nhân nào không làm hết trách nhiệm của mình mỗi ngày phải đảm trách một mét khối đất đá thì sẽ bị bọn Bảo An đánh đập dã man sau đó tống vào phòng biệt giam. Sự tương thân tương ái, tình đồng chí đồng đội những lúc như thế này mới trỗi dậy. Nhiều đồng chí khỏe hơn tự nhận lấy phần việc cho đồng đội mình để người kia không bị đánh đập.
Trải qua gần ba năm xây dựng ròng rã (1957 - 1960), khu Núi Đất hình thành. Tỉnh trưởng Đinh Văn Phát chưa kịp hưởng thụ thành quả do sự độc ác của mình làm nên thì bị Diệm thuyên chuyển đi vùng khác. Tỉnh trưởng mới về tiếp nhận Kiến Tường lúc này là thiếu tá Lê Thành Nhựt. Tên này không khác Đinh Văn Phát là bao, hắn cũng ra sức chống cộng, tố cộng. Ngoài việc bắt tay vào nhận nhiệm vụ mới, y cũng rất chú tâm đến công trình khu Núi Đất. Y cho đúc tượng Đức Mẹ (hình tượng Tây Phương), đặt ngay giữa đỉnh núi lớn cùng hai tượng thánh Phê -rô và chúa Jêsu đặt hai bên trái núi nhỏ bởi thế nên thời gian này, người ta thường gọi đây là núi Đức Mẹ. Giữa hồ sen y cho xây dựng một ngôi nhà Thủy Tạ cao hai tầng bằng gỗ chạm trổ lộng lẫy theo kiểu kiến trúc cung đình Huế. Một nửa thế kỉ trôi qua, kể từ khi tỉnh lị Kiến Tường được thành lập cho đến nay, khu Núi Đất cũng theo đó tồn tại.
Công trình ghi dấu tội ác
Chiến lược của Ngô Đình Diệm là tạo một chốt cắm sâu giữa bưng biền kháng chiến với âm mưu ngăn chặn hành lang chiến lược cách mạng miền Nam từ miền Tây lên miền Đông và từ biên giới phía Bắc Đồng Tháp Mười đi về Bến Tre, Mỹ Tho... Khi chính quyền Ngô Đình Diệm lên cai trị đã cho tách quận Mộc Hóa ra khỏi tỉnh Tân An thành lập tỉnh Mộc Hóa. Nhưng chỉ tồn tại 8 tháng thì đổi tên thành tỉnh Kiến Tường và Mộc Hóa lúc này được chọn làm trung tâm của tỉnh lị Kiến Tường. Địa danh Kiến Tường tồn tại từ năm 1956 đến 1975.
Ý tưởng về một công trình Núi Đất được hình thành ít nhiều tạo nên bộ mặt mới cho tỉnh Kiến Tường. Trong khi cuộc sống của hàng triệu người dân lâm vào đói khổ, thiếu ăn thì bọn quan lại dưới quyền Ngô Đình Diệm không ngừng bày vẽ ra vô số những trò chơi kiểu vua chúa xa xưa để hành xác nhân dân và những người tù chính trị yêu nước. Tiền bạc của cải thay vì chăm lo cho đời sống nhân dân thì bọn chúng đổ vô tội vạ vào những thú chơi, điển hình như khu Núi Đất để diễu võ dương oai. Núi Đất được xem là công trình đồ sộ về sức lao động của con người, một danh thắng nổi trội của vùng Mộc Hóa đến nỗi Ngô Đình Diệm mỗi khi về thăm đều chọn nơi đây nghỉ lại.
Mang tiếng là một thắng cảnh được xây cất để phục vụ nhân dân lao động nhưng không một người dân nào dám bén mảng đến vui chơi vì đây là khu vực quân sự lớn của tỉnh Kiến Tường lúc đó. Xung quanh luôn có lính gác canh dày đặc, người nào hay bén mảng tới sẽ bị ghép tội hoặc bị tình nghi là cộng sản đến thăm dò.
Ngày nay, mặc dù một số công trình xung quanh Núi Đất đã bị hư hỏng một phần do thời gian và do thiên tai nhưng khu Núi Đất vẫn còn nguyên giá trị về mặt lịch sử lẫn giá trị văn hóa. Núi Đất đứng sừng sững hơn nửa thế kỉ, trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của thời cuộc, vẫn còn nguyên giá trị để thách thức với thời gian, để khẳng định về một công trình bằng bàn tay, khối óc và sức người vẫn trường tồn vĩnh cửu.
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì giữa một vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi mênh mông sông nước, giữa trung tâm Thị trấn Mộc Hóa vẫn sừng sững ba ngọn giả sơn nằm thanh bình, uy nghi trong một rừng cây xanh giữa hồ nước rộng lớn. Qua thời gian, màu đất, màu đá đen kịt lại, tạo nên sự vững chãi của một ngọn núi mà nếu như không phải người dân bản địa rất dễ nhầm nó là một danh thắng của thiên nhiên.
Hoa Nguyên - Hương Lam