Ngôn ngữ có một không hai ở nơi phục vụ... 'cõi âm'

Ngôn ngữ có một không hai ở nơi phục vụ... 'cõi âm'

Thứ 2, 08/04/2013 11:03

Ẩn sau con đường xanh đẹp như mơ là một làng quê bình yên như bao làng quê Việt Nam khác, thế nhưng về với Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), khách sẽ dễ bị kích thích sự tò mò về một “đặc sản” chỉ riêng nơi đây có.

Không bán, không mua được, cũng không ăn, không đưa về làm lưu niệm được, bởi đó là một thứ ngôn ngữ rất đặc biệt. "Đặc sản" này chỉ có người làng biết và nói với nhau, chứ người ngoài chịu, không thể nào hiểu được.

Đau đầu một thứ "mật ngữ"

Theo một số lão làng Phú Hải kể lại, tương truyền cư dân gốc địa phương vốn di cư từ Thanh Hóa vào dựng đất lập nghiệp, cách đây đã hơn 500 năm. Dòng họ lâu nhất cũng đã trải qua đời thứ 21. Làng Phú Hải có bốn họ gồm Lê, Trần, Hồ, Võ nhưng toàn thôn cũng chỉ có khoảng 70 hộ dân với trên 300 nhân khẩu. Nguyên sơ làng ở gần biển, nhưng sau những đợt cát bay gây ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt của bà con, nên mọi người cứ lùi dần về phía vùng có ruộng đất.

Tuy nhiên, với một diện tích đất chật hẹp, đa số lại là ruộng cát, việc mưu sinh bằng nghề trồng trọt với bà con nơi đây quả là khó. Từ đó, để tồn tại, họ bắt đầu chuyển sang nghề làm hàng mã, thầy cúng và mới đây thêm nghề bát âm. Có lẽ vì thế mà một số người ví von Phú Hải là làng nghề phục vụ... "cõi âm".

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Cách ẩn dụ này có phần hơi quá, nhưng việc làm hàng mã và nghề thầy cúng đã mang lại cho người dân nơi đây một cái cần câu cơm vững chắc qua bao thế hệ. Vì thế, việc giữ nghề truyền thống của làng bằng mật ngữ đã được xem như luật bất thành văn tự ngàn đời, mỗi thế hệ khắc sâu vào tâm khảm.

Một số lão làng đã quyết định giữ nghề bằng cách tuyệt đối không "rò rỉ" ra ngoài thứ ngôn ngữ "lạ" này. Nhìn qua thì khó có thể thấy được mối quan hệ giữa "nghề làng" và "mật ngữ", nhưng thực ra chúng lại có một sợi dây nối rất mật thiết. Chính nhờ cái nghề thầy cúng mà người Phú Hải có một thứ ngôn ngữ rất riêng. Ngược lại, nhờ thứ ngôn ngữ "nói không ai hiểu" ấy, mà người làng giữ được nghề.

Đó là một thứ ngôn ngữ cực kỳ khó hiểu, ngay cả những người giỏi "Quảng Trị ngữ" cũng phải bó tay, lắc đầu chịu thua. Nếu vô tình gặp một cuộc trò chuyện giữa những người dân làng Phú Hải, bất kỳ người ngoài nào cũng nghệt mặt ra, nghe "như vịt nghe sấm".

Miền trung - Ngôn ngữ có một không hai ở nơi phục vụ... 'cõi âm'

Cổng dẫn vào làng Phú Hải. Ảnh Long Loan.

Sau hai ngày vần vũ, đi lại cho chai hết cả mặt ở làng Phú Hải, “vốn liếng” chúng tôi có được chỉ là đôi ba câu xã giao. Có được nó một cách khó nhọc, ấy vậy mà phải giải thích mãi mới hiểu mang máng. Công thức "chế tạo" tiếng lóng của làng cũng rất đặc biệt. Theo một số cao niên trong làng cho biết, thực ra "đặc sản" của Phú Hải cũng chỉ là một cách nói mẹo, dựa trên ngôn ngữ Hán - Nôm, người dân đây học cách chơi chữ, đánh tráo nó thành một thứ phát âm nghe không thuận miệng, rất khó nhớ và còn khó nói. Khi chúng tôi đang đắn đo trước cổng nhà một hộ dân, thì có một ông thầy cúng vận đồ trắng đi xe máy qua, gặp người làng chào hỏi, ông buột miệng nói "Có thượng gần uốn", rồi đi luôn. Giữa làn khói bụi là hai con người ngẩn tò te chưa hiểu ra họ nói với nhau cái gì. Sau này nhờ đủ các khả năng kiếm thông tin, chúng tôi mới hiểu được là có người gần chết, nên ông qua cúng.

Chưa hết cảm giác thú vị, chúng tôi đã dừng trước cửa nhà ông Võ Văn Vạn, cũng là một thầy cúng trong làng. Thấy có người lạ đến, ông quay lại nói với người nhà "có chấm óc đáo", nghĩa là "có khách ghé thăm nhà", rồi mời vào uống nước. Cách chế biến “đặc sản" cũng khá độc đáo, ví dụ như từ "tỏi" có nghĩa là đi, lí giải cách gọi này như sau: Trong chữ Hán, "hành" là đi, nhưng ở đời thường, hành và tỏi là một loại củ có cùng họ với nhau, nên người Phú Hải đã đánh tráo hai cái này thành ngôn ngữ đặc dị của làng. Đó là một thứ mật ngữ trộn lẫn giữa chữ Hán và ngôn ngữ bản địa, được diễn dịch qua nhiều tầng nấc.

Nhưng bên cạnh đó, có nhiều từ rất lạ mà không thể tìm được mối liên hệ nào với phương ngữ chung của vùng. Những từ này không ai cắt nghĩa được cách "chế biến". Cụ thể: Uống nước gọi là "cửa thổi", nấu cơm là "chử náp"... Cách xưng hô của người bản địa cũng có lắm cái tréo ngoe, ông (đại từ nhân xưng ngôi thứ hai) gọi là "vi", tôi (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất) là "Bo", ví dụ: "Bo đã ngẫng vi xuôi" - có nghĩa là tôi đánh trống, ông thổi kèn", một cách phân công rất phổ biến trong công việc của một làng nghề sống bằng bát âm như Phú Hải.

Miền trung - Ngôn ngữ có một không hai ở nơi phục vụ... 'cõi âm' (Hình 2).

Một bà lão sống hơn 60 năm trong làng nhưng vẫn không biết được “mật ngữ” địa phương. (Ảnh Long Loan).

Tuyệt đối không truyền ra ngoài

Theo chia sẻ của cụ Trần Đức Tranh, một cao niên 80 tuổi, có thâm niên nghề cúng đã hơn 60 năm: "Ngôn ngữ làng như là một chìa khóa để mở ra những bí quyết gia truyền của nghề cúng, nên không thể tiết lộ ra ngoài. Nếu các cô muốn tìm hiểu "mật ngữ" này thì phải có ý kiến Hội đồng kỳ mục của làng, các trưởng lão và đặc biệt phải được ông Trần Doãn là Hội chủ đồng ý thì chúng tôi mới được nói. Nhưng các cô đừng hi vọng chi, khó lắm! Vì đã có nhiều người tới đây đặt vấn đề tìm hiểu về nó rồi, nhưng đều phải ngậm ngùi ra đi. Đã là bí mật truyền đời của làng, ai lại tiết lộ bao giờ".

Quả đúng như cảnh báo của ông Tranh, khi chúng tôi tìm về gặp ông Trần Doãn, đúng lúc ông này vừa đi cúng về. Thấy khách đề cập đến hai chữ "mật ngữ", ông chỉ luôn miệng nói "tôi không biết", "tôi có biết mật ngữ là chi mô". Trước hai khuôn mặt nghệt ra vì mệt mỏi, ông tỏ ra cảm thông nên gợi ý: "Các cô cứ tìm đến mấy ông nhiều tuổi trong làng mà hỏi". Khi được hỏi tên thì ông lại vòng vo: "Cứ nhìn thấy ai nhiều tuổi thì hỏi, tôi không biết ai cả"...(?!)

Cuộc gặp gỡ với anh trưởng thôn Hồ Duy Thu có phần nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên anh cũng không dám tiết lộ gì khi chưa có ý kiến của hội chủ cho phép. Anh Thu là một đại diện thế hệ trẻ được truyền dạy cho ngôn ngữ mật này. Anh cho biết, từ khi lớn lên, anh đã được ông nội và bố dạy cho "mật ngữ" bằng cách giao tiếp hàng ngày, nói lâu dần thành quen. Tuy nhiên, cách đối thoại này chỉ dùng vào những trường hợp cần trao đổi một việc gì đó mà không muốn nhiều người biết... Anh Thu cũng cho biết thêm, mẹ anh gốc Huế về làm dâu làng Phú Hải đã 30 năm, nhưng đến nay bà vẫn không thể hiểu được ngôn ngữ mà hai bố con nói với nhau. Và đến bây giờ là vợ anh, đôi khi thấy bố và chồng nói chuyện, chị chỉ biết cười, vì cũng chẳng hiểu gì để góp chuyện. Họ cũng là đại diện cho phần lớn những người phụ nữ về nơi đây sinh sống không hiểu được ngôn ngữ của làng.

Theo ông Hồ Văn Kha, một thầy cúng khác cho hay: "Trong những bài cúng, chúng tôi vẫn sử dụng ngôn ngữ phổ thông bình thường, đôi khi đan xen các ngôn ngữ "mật" này vào để bài đọc có phần "u u minh minh" thêm bí ẩn, tò mò.

Thực ra, người làng Phú Hải họ cũng có cái lí chính đáng khi bảo vệ tuyệt mật thứ ngôn ngữ đặc biệt này. "Vì nếu không có ngôn ngữ riêng, e rằng nghề đã thất truyền ra bên ngoài từ lâu rồi. Chúng tôi tâm niệm, chừng nào còn bảo vệ được tiếng nói đó thì còn giữ được nghề. Điều kiện tự nhiên không cho phép chúng tôi trồng trọt trên đất canh tác, nên chẳng có nghề gì ngoài việc phục vụ cúng đơm cho người đã khuất. Buộc lòng, chúng tôi phải giữ thôi", ông Trần Đức Tranh phân trần khi tiễn khách ra cổng.

Đến Chủ tịch xã cũng chỉ biết... lõm bõm!

Kết thúc hai ngày đi mọi ngóc ngách đường hẻm của làng Phú Hải, chúng tôi đành ngậm ngùi ra về, với chút vốn liếng ít ỏi của thứ ngôn ngữ có một không hai này. Khi làm việc với chúng tôi, anh Nguyễn Quyết - Chủ tịch xã Hải Ba có phần cảm thông: "Thú thật với các chị, tôi tuy là người dân cùng xã, làm tới chủ tịch xã rồi, nhưng ngôn ngữ Phú Hải biết còn rất lõm bõm. Số từ mình biết được chỉ đôi ba câu dắt túi. Thế mới biết, "bảo mật ngôn ngữ" của làng tốt đến mức nào".

Loan Nguyễn - Kim Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.