Sư thầy Thích Minh Định, thành viên Ban trụ trì chùa Đại Tuệ dẫn tôi vào ngôi chùa cổ và chỉ những di tích xưa. Sư thầy cho biết, ngôi chùa tuy nhỏ nhưng ẩn chứa trong mình bao dấu ấn lịch sử. Nhiều vị vua, quan mỗi khi qua Nghệ An đều đến hương viếng, rồi lưu lại các sắc phong, bia đá cho chùa. Chỉ tiếc rằng, qua thời gian, vật đổi sao dời, chùa có giai đoạn bị hư hại, những chứng tích nay đã thất lạc hoặc mất đi. Hiện trong chùa ngoài tượng rùa đội bia có khắc chữ Nho và 5 bộ kinh Phật cổ thì không còn gì hơn.
Di tích tại chùa Đại Tuệ
Sư thầy Thích Minh Định cho biết, tấm bia đá cổ quý giá này cũng một thời bị phá lăn khỏi chùa xuống triền núi, có thể bọn trộm cổ vật đập ra nhiều mảnh để tìm vàng, bạc. Sau này được một người dân ở xã Nam Anh lên núi tình cờ thấy mới khênh lên ghép lại đặt trong chùa. Tấm bia cao gần 1m, rộng 0,6m, được khắc 2 mặt.
Chúng tôi nhờ sư thầy Thích Minh Định lần dịch những hàng chữ Nho, đã mờ chữ được chữ mất, với nội dung: "Anh đô phủ, Nam Đường huyện, Nọn Hồ, Nọn liễu. Cung phụng - Nguyễn Quang Toản Mậu thân niên. Hàng lạc khoảng dòng cuối cùng là 4 chữ: "Cảnh Trị lục niên". Chính sư thầy cũng không hiểu toàn bộ nội dung tấm bia muốn nói gì, chỉ biết rằng có chữ Nguyễn Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh). Nhưng theo những bậc cao niên trong vùng biết chữ Nho, sau khi đọc xong tấm bia, họ đều khẳng định rằng, tấm bia thuộc vào giai đoạn cuối của thời Tây Sơn.
Theo sử sách ghi lại thì núi Đại Huệ nói chung và chùa Đại Tuệ nói riêng, từng ghi dấu những lần lưu chân của vua, chúa trong các triều đại lịch sử (tương truyền chùa có từ thời vua Mai Hắc Đế, đánh quân nhà Đường, năm 627 sau Công nguyên, nếu như thế thì ngôi chùa có lịch sử ngót 1.600 năm.
Thời nhà Hồ, cha con vua Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đã nhìn thấy địa thế chiến lược hiểm yếu nên sau khi thấy nguy cơ thành đá ở Thanh Hóa bị nhà minh đánh hạ, Hồ Quý Ly đã hạ lệnh cho quân lính vào núi Đại Huệ xây thành lũy, làm căn cứ địa chống lại quân Minh. Ngôi thành được xây cất bằng kỹ thuật ghép đá truyền thống, kéo dài từ chân lên đến đỉnh, đặt tên là Hồ Vương thành. Thế nhưng, khi triều đại nhà Hồ thất thủ, thành đã bị phá hoàn toàn, hiện chỉ còn một số đoạn ẩn khuất trong núi. Trong thời gian xây dựng căn cứ ở đây, cha con vua Hồ Quý Ly và Hồ Hán thương thường hay ghé chùa Đại Tuệ để hương khói và có lần trùng tu ngôi chùa.
Đến thời Tây Sơn, thì khi mang quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh, đến Nghệ An ông có lưu lại đây tuyển tinh binh (lính tinh nhuệ người Nghệ An) và lên núi Đại Huệ cho quân sỹ luyện võ. Thung lũng để quân sỹ luyện võ nay vẫn còn nằm trước mặt chùa Đại Tuệ. Những vị sư trong chùa Đại Tuệ kể rằng, khoảnh thung lũng trước mặt chùa, hoàng đế Quang Trung từng cho quân sỹ luyện võ. Hiện hòn đá giống hệt ngai vua và tương truyền Nguyễn Huệ vẫn hay ngồi để chỉ đạo ba quân gọi là Ngai đá, còn bãi đất gọi là Bãi tập.
Ngày xuất quân ra Bắc dẹp Thanh, vua Quang Trung có tham vấn y kiến của vị sư trụ trì ở chùa để tìm con đường hành quân nhanh nhất. Vua cũng được sư chùa chỉ dẫn và theo ý các nhà sư, vua Quang Trung đã cho quân vượt núi qua đạo Nộn Băng (thung lũng thuộc dãy Đại Huệ), cắt qua thung lũng của hệ thống núi Đại Huệ để ra Bắc (chiến thắng trở về, vua lại ghé chùa thắp hương trả ơn và đổi tên núi từ Đại Tuệ thành Đại Huệ để ghi nhớ công ơn).
Trước khi đi, vua có trồng một cây đa ở lưng chừng núi, được đặt tên là cây đa Nguyễn Huệ. Cây này tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước thì bị người dân không biết đã đốn hạ. Và đến giai đoạn sau này trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, quanh chân núi Đại Huệ, bộ đội đã lập căn cứ bí mật để kháng chiến.
Trần Kỳ