Ngày 9/10, khi đang đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi Maharashtra, phía tây Ấn Độ, Nitin Patil (ở Palghar) đã bắt được 1 con cá mập con 2 đầu vẫn còn sống, dài khoảng 15cm.
Theo Mirror, con cá mập bị mắc trong lưới đánh cá cùng với nhiều loài cá khác. Dù thấy con cá rất đặc biệt nhưng Patil không giữ lại mà chỉ chụp vài bức ảnh kỷ niệm đăng lên Twitter rồi thả nó trở lại biển.
Một ngư dân khác cũng tận mắt thấy con cá mập 2 đầu cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy con cá mập 2 đầu như thế này. Chúng tôi nghĩ rằng con cá mập lớn hơn đã sinh ra con cá mập đột biến này”.
Những bức ảnh của Patil sau đó được gửi đến các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sinh vật biển.
Theo các chuyên gia thuộc Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ - Viện Nghiên cứu hải sản Trung ương (ICAR-CMFRI), đây có thể là lần đầu tiên cá mập 2 đầu được nhìn thấy ở bờ biển Maharashtra.
Tiến sĩ KV Akhilesh, thành viên của ICAR-CMFRI thông tin trước đó chỉ có 1 hoặc 2 lần người ta từng bắt được một sinh vật như vậy ở Ấn Độ: “Một trường hợp được ghi nhận năm 1964 và trường hợp còn lại xảy ra năm 1991”.
Nhưng khả năng con vật đột biến sống sót đến tuổi trưởng thành là rất hiếm. “Cá mập 2 đầu đạt đến kích cỡ như trên đã là hi hữu. Những con cá đột biến khác thường chết ngay khi còn là bào thai hoặc ngay khi chào đời”, ông Akhilesh phân tích. Vị chuyên gia còn nhận định con vật 2 đầu có thể là cá mập mũi nhọn.
Swapnil Tandel, nhà sinh vật biển cho biết thêm, biến đổi gen, rối loạn chuyển hóa, virus, ô nhiễm hoặc đánh bắt quá mức đều có thể là các lý do dẫn đến việc cá mập bị đột biến.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Dân Việt)