Hôm 11/12, ba con cá trê khổng lồ trưởng thành đã được phát hiện trên sông Mekong, nặng từ 95 kg đến 131 kg, trong đó có hai con dài hơn 2 m.
Cả ba con cá đều được đo, gắn thẻ theo dõi, đồng thời thu thập mẫu DNA trước khi thả trở lại sông, theo Reuters. Vài ngày trước đó, ba con cá trê khổng lồ khác cũng được phát hiện trên sông này.
Những con cá bị bắt dường như đang di cư từ môi trường sống ở vùng đồng bằng ngập lụt gần hồ Tonle Sap của Campuchia về phía bắc dọc theo sông Mekong, có khả năng là đến các bãi đẻ ở miền Bắc Campuchia, Lào hoặc Thái Lan.
Wonders of the Mekong- sáng kiến bảo tồn do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ - mô tả việc đánh bắt được nhiều cá da trơn khổng lồ như vậy chỉ trong vài ngày là "sự kiện đáng chú ý và chưa từng có".
Tiến sĩ Zeb Hogan, nhà nghiên cứu sinh học tại Đại học Nevada Reno, người đứng đầu dự án Wonders of the Mekong, cho biết: "Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy loài này không phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngay lập tức. Điều này giúp các hoạt động bảo tồn có thời gian được triển khai và giúp cho cá từ suy giảm sang phục hồi".
Hiện vẫn còn nhiều điều về loài cá khổng lồ này chưa được biết tới. Nhưng 2 thập kỷ qua, chương trình bảo tồn chung của Wonders of the Mekong và Cục Thủy sản Campuchia phối hợp, đã gắn thẻ và thả khoảng 100 con cá để thu thập thông tin chi tiết về loài này.
"Những thông tin được các chuyên gia phân tích nhằm thiết lập các hành lang di cư, bảo vệ môi trường sống giúp chúng tiếp tục tồn tại và phát triển trong tương lai", Tiến sĩ Hogan nói.
Cá trê khổng lồ sông Mekong có thể nặng tới 300kg và dài 3m. Loài này gắn liền với nền văn hóa của khu vực, được miêu tả trong các bức tranh hang động 3.000 năm tuổi, được tôn kính trong văn hóa dân gian và được coi là biểu tượng của dòng sông, nơi nghề cá nuôi sống hàng triệu người và có giá trị lên tới 10 tỷ đô la mỗi năm.
Ngoài cá trê khổng lồ sông Mekong, dòng sông này còn là nơi sinh sống của nhiều loài cá lớn khác, bao gồm cá chép hồi, loài cá được cho là đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện vào đầu năm nay, và cá đuối gai độc khổng lồ.
Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết việc nhìn thấy chúng đã xác nhận rằng cuộc di cư hàng năm của cá vẫn diễn ra mạnh mẽ bất chấp mọi áp lực mà môi trường dọc theo sông Mê Kông phải đối mặt.
"Hy vọng những gì xảy ra trong tuần này sẽ cho các quốc gia lưu vực sông Mekong và thế giới thấy rằng quần thể cá khổng lồ của sông Mekong có tính đặc biệt riêng và cần được bảo tồn" - ông nói.
Minh Hoa (t/h theo Znews, Phụ nữ Tp.HCM)