Những chuyến biển “vắt” hai năm
Trong khi đại đa số người Việt đang quây quần bên mâm cơm tất niên, sum họp cùng gia đình thì hàng vạn ngư dân vẫn tất bât vật lộn với sóng, gió giữa biển khơi để mưu sinh. Đối với họ, chuyến đi biển xuyên tết Nguyên đán có ý nghĩa rất quan trọng. Chuyến đi biển kéo dài từ giữa tháng Chạp đến rằm tháng Giêng mới cập bờ, ngư dân thường ví von, đây là những chuyến biển kéo dài đến tận… 2 năm mới về.
Theo quan niệm của ngư dân, chuyến đi biển vắt qua 2 năm thường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc “chốt hạ” năm cũ, “khai tiệc” năm mới. Tầm từ ngày 18-20 tháng Chạp, hàng vạn con thuyền với hàng trăm ngàn ngư dân hồ hởi vươn khơi. Những ngày đầu năm mới cũng là thời điểm họ trở về đất liền.
Từ sáng sớm mùng 4 tết Đinh Dậu (tức 31/1 dương lịch), không khí ở khắp các bến cảng khu vực miền Trung rất nhộn nhịp, nhiều thương lái cùng các xe đông lạnh đã đợi sẵn ở cảng để chuẩn bị thu mua cá. Dù thấm mệt sau chuyến đi biển dài ngày nhưng gương mặt ai nấy đều hào hứng vì chuyến đi biển xuyên tết “trúng đậm” cá ngừ đại dương.
Tại cảng Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, Khánh Hòa), trời tờ mờ sáng, từng chuyến tàu tết lần lượt cập cảng trong sự hân hoan của những người “đi bạn”. Ngư dân Nguyễn Ngọc Thiện (trú TP. Nha Trang) hồ hởi cho biết: “Tàu chúng tôi xuất bến từ hôm 18 tháng Chạp đến nay, nhờ thời tiết thuận lợi, gặp trúng luồng cá nên đánh bắt được gần 2 tấn cá ngừ đại dương. Với mức giá khoảng 110.000 đồng/kg như hiện nay thì chuyến này lãi được hơn 70 triệu, anh em mỗi người cũng được từ 7 - 10 triệu mang về cho vợ con”.
Theo ghi nhận của PV tại cảng cá phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên), từ sáng sớm đến tận trưa có hàng chục ngư dân làm việc liên tục để bốc dỡ cá từ hầm tàu lên trại cá để cân. Hàng chục xe tải cũng nối đuôi nhau xuất bến, chở cá đi các chợ tiêu thụ và chuyển cá về các doanh nghiệp thu mua hải sản. Dù nắng gắt, mệt nhưng người nào cũng mừng ra mặt vì “trúng đậm” cá ngừ đại dương.
Chia sẻ niềm vui trong những ngày đầu năm mới, bà Trần Thị Tặng, chủ tàu PY-2159-TS cho biết: “Chuyến đi biển này, chúng tôi đánh bắt được 80 con cá ngừ đại dương với sản lương hơn 3,5 tấn. Với mức giá dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg đối với cá ngừ loại I như hiện nay thì trừ tất cả chi phí thì chuyến này lãi trên 100 triệu đồng”.
Lão ngư Trần Bảy (65 tuổi, trú huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người có “kinh nghiệm” trên 30 năm ăn tết trên biển giải thích: “Nói chuyến đi biển này vắt qua 2 năm là bởi mẻ lưới bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp năm Thân qua tận đầu năm Dậu. Với ngư dân, tết trên biển là cái tết thiêng liêng”.
“Biết chuỗi ngày lênh đênh trên biển lúc nào cũng nhớ nhà nhưng năm nào không ra biển đón Tết lại nhớ biển. Ngày đầu năm, ở khắp các ngư trường, các tàu thuyền thường hú còi gọi nhau quây tụ. Tàu chúc tụng tàu, người chúc tết người, cùng nhau cầu mong năm mới an lành”, ông Bảy tâm sự.
“Mở biển” thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa
Chiều 31/1 (tức mùng 4 tháng Giêng năm Đinh Dậu), theo quan niệm của ngư dân là ngày tốt, hàng trăm chiếc tàu cá của các tỉnh Nam Trung bộ đã xuất bến, mở cửa biển, đi chuyến biển đầu năm ra ngư trường truyền thống.
Ngoài những ngư dân Khánh Hòa, hàng trăm ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi sau chuyến biển cuối năm, tàu về neo tại cảng Hòn Rớ để ngư dân về quê ăn tết nay cũng đã trở lại tụ họp cùng chủ tàu chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu năm vào tối mùng 4 tết.
Trao đổi với PV, ngư dân Nguyễn Trọng Tiến (43 tuổi, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Từ ngày mùng 2 tết, chúng tôi đã bơm dầu, lấy đá, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho chuyến biển kéo dài gần 1 tháng. Dự kiến tối mùng 4 tết, chúng tôi sẽ xuất bến Hòn Rớ ra đánh bắt cá ngừ đại dương quanh một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa như đảo Đá Đông, Nam Yết, Nhà gián DK1…”.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Phước, chủ tàu cá PY 92797 TS (trú phường 6, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: “Mở đầu năm Đinh Dậu, các ngư dân đã chọn ngày mùng 4 tháng Giêng để xuất hành, mở cửa biển, bắt đầu cho một năm đánh bắt mới. Vào tối mùng 4, khi rời bến sau nghi thức cúng mở cửa biển, các tàu sẽ thẳng tiến ra vùng biển Trường Sa”.
Theo Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 450 tàu cá chuyên đánh bắt ở vùng biển xa, bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, hơn 210 tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương, chuyên hành nghề ở ngoài khơi. Đầu năm 2017, nhiều tàu gặp được luồng cá, về bến bán được giá, cho ngư dân thu nhập khá nên ngư dân rất phấn khởi ra khơi trong những ngày đầu năm…
Trang Chi