Caneda khi đó đang cùng các bạn nghề đánh bắt ở vùng nước xanh biếc ngoài khơi Philippines. Trong ánh mặt trời lấp lánh, anh nhìn thấy một con tàu "lớn hơn cả con tàu lớn nhất của hải quân Philippines".
Bãi cạn Scaborough/Hoàng Nham. Ảnh: Google
Caneda nhận thấy lá cờ màu đỏ của Trung Quốc ở được cắm trên tàu và dòng chữ "Hải giám Trung Quốc" ở bên thân tàu. Con tàu tiến lại đủ gần để Caneda có thể nhìn rõ tay của các thuyền viên trên đang khua khoắng như động tác đuổi ruồi. Ngoài khẩu súng đang chĩa tới, trên đầu Caneda, một chiếc trực thăng quần đảo.
Anh và các ngư dân hoảng hốt bỏ chạy, để lại cả lưới và mẻ cá phía sau.
"Chúng tôi rất sợ hãi. Chúng tôi cũng rất tức giận. Rất thất vọng. Đó là kế sinh nhai của chúng tôi", Candeda, 34 tuổi, cha của ba đứa con, hiện thất nghiệp và đang sống tại một khu ổ chuột ở Masinloc, thị trấn ven biển phía tây đảo Luzon, kể về vụ đối đầu hồi tháng 11 năm ngoái.
'Chiếm đóng trên thực tế'
Câu chuyện trên xảy ra gần bãi đá Scarborough, cách đảo lớn nhất của Philippines Luzon hơn 200 km, và chỉ cách thủ đô Manila hơn 300 km. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này và gọi nó là Hoàng Nham.
Với mục tiêu trở thành một cường quốc biển và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí đầy tiềm năng dưới đáy biển, Trung Quốc đang khẳng định chủ quyền với nhiều đảo, bãi đá, rặng san hô khác nhau gần bờ biển Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Cùng với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý, Scarborough/Hoàng Nham là khu vực tranh chấp nóng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương. Hơn một năm, tàu Trung Quốc thường xuyên tuần tra Scarborough/Hoàng Nham, truy đuổi các ngư dân Philippines và duy trì những gì mà Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gọi là "một sự chiếm đóng trên thực tế".
Trong gần cả thế kỷ 20, hải quân Mỹ từng đặt căn cứ nước ngoài lớn nhất của mình tại vịnh Subic gần đó, và thường tổ chức tập trận bắn đạn thật ở Scarborough/Hoàng Nham. Tuy nhiên, năm 1992, Manila yêu cầu hải quân Mỹ rút lui. Đến năm ngoái, một số tàu của Mỹ trở lại hoạt động ở đây theo chế độ luân phiên, và người Philippines ngày càng hối tiếc vì sự ra đi của Mỹ năm đó.
"Nếu người Mỹ còn ở lại vịnh Subic, người Trung Quốc sẽ không dám làm như thế với chúng tôi", ông Caneda nói.
Hồi tháng một, Philippines đã đề nghị một tòa án của Liên Hợp Quốc xác định chủ quyền của bãi đá này, nhưng quá trình xử lý có thể kéo dài vài năm và Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ không chấp hành quyết định của tòa án trên.
Trung Quốc cũng bác bỏ chuyện sử dụng vũ lực, cho hay các tàu mà nước này triển khai chỉ thuộc về cơ quan hải giám và cơ quan thi hành luật ngư nghiệp, đều không được phép mang theo vũ khí. Tuy nhiên, những hình ảnh đăng tải trên truyền thông quốc gia Trung Quốc lại cho thấy rõ rằng một số tàu hải giám có trang bị súng trên boong.
Luz Farones Macario, vợ của một ngư dân, hiện chuyển sang bán thịt ở chợ Masinloc, Philippines, vì Trung Quốc đã ban lệnh cấm đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ảnh: LA Times |
Chợ cá biến mất
Trung Quốc giăng một sợi dây thừng qua miệng một cái phá bên trong bãi cạn hình móng ngựa, nơi ngư dân Philippines đã đánh cá qua bao thế hệ, và những tuần gần đây đã tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá 24 km quanh bãi cạn.
Bãi cạn này từng thu hút rất nhiều tàu đánh cá Philippines về đêm với khiến cả khu vực này lung linh ánh đèn như một thành phố. Các ngư dân cho hay đây là nơi họ tìm được những con cá lớn nhất và ngon nhất: cá thu Tây Ban Nha, cá tuyết Thái Bình Dương, cá ngừ và Lapu Lapu, một loại cá mú khổng lồ. Một tàu gồm 25 thuyền viên có thể mang về một lượng cá trị giá 17.000 USD trong một chuyến đi biển.
Tuy nhiên, nền kinh tế mong manh của cộng đồng ngư dân tại vùng ven biển Luzon gần đây bị suy yếu nghiêm trọng chỉ vì lệnh cấm trên.
"Thu nhập từ việc đánh bắt cá đã bị giảm một nửa", Julius Sumaling, một thuyền trưởng tàu cá nói, thêm rằng nguồn thu này còn không đủ để mua dầu vận hành con tàu của ông. Hiện nó phải nằm bò tại phía nam Masinloc, một thị trấn 51.000 người ven biển.
Ông Joseph Morate, người bán mực tại chợ chính ở Masinloc, kể rằng ông đã phải cho cô con gái 15 tuổi nghỉ học vì không đáp ứng nổi 4 USD chi phí đi lại một ngày và cần cô bé trông nom đứa em sau mới chỉ biết ngồi.
"Tôi phải bán mực vì người Trung Quốc đánh đuổi, không cho chúng tôi bắt những con cá ngon", ông nói.
Tại khu chợ này, nhiều chiếc bàn từng bày bán các loại cá giờ hầu như trống rỗng hoặc được người dân dùng để bán thịt. Luz Farones Macario, người có chồng đang chỉ huy một trong những đội đánh cá lớn nhất ở Masinloc, với ba tàu cá loại lớn, hiện đã chuyển sang bán chân gà đông lạnh, giăm bông và xúc xích.
"Tất cả những lối đi này từng ngập tràn cá. Thế mà bây giờ không còn gì cả", bà nói. "Tại sao người Trung Quốc lại ích kỷ đến thế khi có rất nhiều cá ở ngoài biển?".
Theo LA Times/Vnexpress