“BÀI TOÁN” NAN GIẢI GIỮ CHÂN NGƯ DÂN BÁM BIỂN MƯU SINH
LTS: Liên tục bị thua lỗ do ảnh hưởng dịch Covid-19 không tiêu thụ được, nguồn thủy hải sản ngày một ít, trong khi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi lại tăng, nhiều ngư dân Nghệ An đã phải rao bán tàu thuyền để đi làm thuê, thậm chí bỏ nghề đi xuất khẩu lao động.
Bài 2: Ngư dân trẻ không mặn mà với biển, bỏ nghề tìm kế mưu sinh khác
Do không có thu nhập từ việc đi biển nên hiện nay nhiều thanh niên đã quyết định bỏ nghề đánh cá để tìm con đường đi mới.
Nguy cơ thiếu lao động biển
Ngồi đan lưới trên tàu, anh Thái Văn Vương (SN 1998), trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, đây là công việc cuối cùng anh giúp chủ tàu trước khi lên đường đi xuất khẩu lao động.
Trước đó anh Vương cũng đã từng đi Đài Loan. Sau khi trở về, anh theo nghề biển được 3 năm thì không có thu nhập, vì vậy lại quyết định xuất ngoại thêm một lần nữa.
“Năm 2017, tôi đi sang Đài Loan làm việc. Được 1 năm thì trở về rồi theo chủ tàu ra biển đánh cá. Nhưng vất vả cả năm mà thu nhập chỉ được vài chục triệu, không đủ trang trải cuộc sống nên tôi quyết định đi thêm lần nữa”, anh Vương nói.
Cũng bỏ nghề lần này là anh Nguyễn Văn Huy (SN 2002, trú xã An Hòa). Đi biển từ năm lớp 8 nên Huy đã từng nghĩ rằng đây sẽ là nghề mình làm cả đời. Tuy nhiên, nhiều năm liên tục thu nhập quá thấp nên Huy đã quyết định theo một số anh em trong xóm tha hương tìm công việc mới.
Mặc dù chẳng muốn rời xa quê hương nhưng nghĩ về tương lai phía trước, nam thanh niên này vẫn chấp nhận liều một lần để có cơ hội đổi đời.
“Mấy năm nay đi biển chẳng kiếm được bao nhiêu, nên tranh thủ lúc còn trẻ đi ra ngoài kiếm ít chút vốn liếng rồi quay về tính tiếp. Nghĩ cũng tội chủ tàu nhưng chúng tôi cũng phải tìm đường sống”, Huy buồn bã nói.
Anh Đỗ Thanh Tâm (SN 1979), chủ tàu cho biết, không như những ngành nghề khác, lao động nghề biển lâu nay chủ yếu là nam giới, đã thành truyền thống, cha truyền con nối. Nhưng nay, những lớp người dày dạn kinh nghiệm đi biển ngày càng thưa dần.
“Thậm chí, hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay không tuyển đủ được lao động trên tàu, với tàu của tôi cần từ 12 đến 14 lao động, thì nay chỉ tuyển được 8 đến 10 lao động. Trong số đó, chỉ khoảng 2 đến 3 người có kinh nghiệm đi biển, còn lại là lao động phổ thông được chủ tàu tuyển chọn từ địa phương khác đến”, anh Tâm nói.
Thực tế này cũng khiến nhiều chủ tàu đang gắng bám trụ lại với nghề tỏ ra lo lắng không còn lao động để thuê. Ngày trước người đi biển nhiều nên các thuyền sẽ chọn lựa người khỏe mạnh, làm được việc. Nhưng nay, để đi biển gọi tìm người còn “khó hơn đãi vàng”.
“Nếu không đủ người khi ra khơi sẽ khó làm nổi công việc và sản lượng chắc chắn thấp. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu trả tiền theo sản phẩm như trước thì chắc chắn sẽ không có ai theo, vì mỗi chuyến thu về có vài chục triệu, thậm chí còn bị lỗ. Vì vậy, chúng tôi phải vay mượn trả tiền công trước thì mọi người mới theo”, anh Tâm nói.
Ngư dân đang già hóa, tìm lao động trẻ khó hơn “đãi vàng”
Ông Vũ Ngọc Chắt, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn xã có 130 phương tiện khai thác xa bờ, trong đó có 50 tàu lưới vây đánh bắt có hiệu quả. Mỗi năm tổng sản lượng khai thác của toàn xã đạt 30.000 tấn, chiếm 43% tổng sản lượng khai thác của toàn huyện.
“Sau Tết đến nay, toàn bộ các tàu đều chưa thể ra khơi do ảnh hưởng bởi không khí lạnh tăng cường, nhiều tàu thiếu nguồn lao động đi biển đã tác động đến quá trình tham gia đánh bắt của ngư dân. Hội nghề cá cũng trực tiếp làm việc với các chủ phương tiện để bố trí, sắp xếp nguồn lao động trên những tàu dôi dư chuyển đến các tàu thiếu lao động để đủ nhân lực, đảm bảo tốt điều kiện khai thác hải sản”, ông Chắt nói.
Tại Nghệ An, lực lượng lao động khai thác thủy sản có khoảng hơn 17.000 người trực tiếp đánh bắt thủy sản trên biển. Lao động đa phần nằm trong độ tuổi từ 18 đến 60, có sức khỏe tốt, có nhiều kinh nghiệm trong khai thác hải sản.
Mặc dù vậy, chất lượng người lao động chưa cao, chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp, mặt bằng trình độ dân trí của ngư dân thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Điều đáng buồn, trong vài năm trở lại đây, lực lượng lao động làm nghề khai thác thủy sản có chiều hướng giảm và đang bị “già hóa”. Thậm chí có 30% lao động biển trên 60 tuổi. Có những thời điểm thiếu nhân lực lao động gây khó khăn cho tàu cá đi khai thác.
Ông Trần Xuân Học, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh này có 3.469 tàu cá, với tổng công suất 654.224 CV, trong đó số tàu cá trên 12m có 1.762 chiếc.
Với 82km bờ biển và diện tích vùng ngư trường lên tới hàng chục nghìn km2 tại cửa Vịnh Bắc bộ, Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu miền Bắc về năng lực đội tàu đánh bắt hải sản. Từ những năm 50- 60 của thế kỷ trước, Nghệ An đã có những xưởng đóng tàu và xí nghiệp đánh cá quy mô lớn thuộc tốp đầu cả nước; sản lượng đánh bắt hàng năm luôn nhất nhì miền Bắc.
“Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn do giá các mặt hàng tăng cao trong khi ngư trường đánh bắt cá bị thu hẹp, dịch bệnh khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn đã ảnh hưởng hiệu quả kinh tế nghề biển. Cũng vì vậy, có một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động chuyển đổi nghề”, ông Học nói.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp, định hướng cho nghề biển. Như giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt…
“Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển song điều sâu xa nhất là mỗi chuyến biển phải có thu nhập cao thì ngư dân mới yên tâm vươn khơi”, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An nói.
Bài 3: Liên kết đội thuyền, cơ giới hóa thiết bị để vươn khơi bám biển