Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và ven bờ biển có xu hướng gia tăng đáng báo động. Rác thải nhựa ở biển đang trở thành nỗi ám ảnh, tác động đến đời sống, sức khỏe của người dân, thậm chí có nguy cơ dẫn tới thảm họa đối với môi trường.
Ở phường Nghi Thuỷ, TX. Cửa Lò, tỉnh Nghệ An có số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển khá nhiều. Cụ thể, toàn phường có 96 tàu thuyền, trong đó có 41 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Có 600 lao động địa phương tham gia vào hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Để chuẩn bị cho mỗi chuyến ra khơi, ngư dân phải chuẩn bị lưới, thực phẩm, đá lạnh, mì ăn liền, nước ngọt, bia giải khát,…
Anh Phùng Bá Thu, trú tại phường Nghi Thuỷ là người có kinh nghiệm đi tàu ra khơi hơn 30 năm cho biết, trước đây rác sinh hoạt, kể cả rác thải rắn sử dụng xong, các thuyền viên lại xả thẳng ra biển, theo nước cuốn trôi. Rác hữu cơ thì có thể phân huỷ được nhưng rác thải rắn, nhựa không phân huỷ được thì sau thời gian nó sẽ dồn vào bờ.
"Lúc đầu cứ nghĩ đối với biển cả vứt số lượng rác như vậy sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, dần dà số lượng đó sẽ dạt theo sóng, từng luồng rác sẽ dạt vào bờ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Thậm chí, những luồng rác đó, có khi kéo dài hàng chục cây số, quấn vào chân vịt, chui vào lưới. Có khi nó còn làm rách lưới của các thuyền viên khi đánh cá. Nghiêm trọng hơn, lượng rác thải này sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi sinh của hải sản ở biển. Vì vậy số lượng hải sản không được dồi dào như trước", anh Thu chia sẻ.
Thấy tác hại của việc xả rác, anh Thu, với vai trò là chủ phương tiện đã quán triệt anh em phân loại rác ngay trên thuyền. Cụ thể, rác hữu cơ thì các thuyền viên để thùng riêng; rác thải nhựa khó phân huỷ như: Lon bia, nước ngọt, túi ni long, thùng giấy, hộp nhựa,… gom vào 1 thùng khác.
Thời gian đầu, do thói quen khó thay đổi, nhưng dần dà, các thuyền viên nhắc nhở nhau nên đã vào nề nếp. Và sau dần ngư dân cũng ý thức được việc mình làm là rất ý nghĩa. Bởi rác không chỉ làm ô nhiễm môi trường biển mà nó còn làm hư hỏng lưới cụ. Và đặc biệt hơn nữa nó làm giảm số lượng hải sản ảnh hưởng trực tiếp đến những chuyến ra khơi của người dân.
"Biển là nơi chúng tôi kiếm kế sinh nhai hàng ngày. Vì vậy, tôi quán triệt anh em thuyền viên, không được xả rác ra biển. Thuyền chúng tôi có 20 thuyền viên. Mỗi chuyến ra biển dùng rất nhiều bia, nước ngọt, túi bóng, hộp giấy,… Tất cả đều được phân ra, gom lại bỏ vào bì để đưa lên bờ. Đừng nghĩ giá trị của những vỏ lon, phế liệu này nhỏ. Nếu các thuyền viên gom lại mỗi lần bán cũng được vài trăm nghìn đồng", anh Thu chia sẻ.
Theo anh Thu việc thu gom rác đã được thực hiện 5 năm nay. Số tiền bán được phế liệu một phần sẽ được ủng hộ các thuyền viên có hoàn cảnh khó khăn, phần còn lại sẽ tặng những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường vào dịp lễ Tết hoặc ủng hộ mua áo ấm cho trẻ em vùng núi.
Món quà của các thuyền viên tuy nhỏ nhưng nặng nghĩa tình. Và quan trọng hơn chủ thuyền đã làm thay đổi thói quen của các thuyền viên dành cho biển cả. Hành động thiết thực của anh Thu được nhiều người ủng hộ.
Thấy việc gom rác thải về bờ là cần thiết nên Hiệp hội nghề cá của phường Nghi Thuỷ phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ra mắt mô hình "Thu gom rác thải từ biển về bờ" triển khai với phong trào "Phế liệu giữ lại, không thải ra biển, vào bờ đổi tiền, ủng hộ người nghèo". Cụ thể, các tàu phải thực hiện phân loại rác thải đưa về bờ. Toàn bộ phế liệu, sau khi gom được số lượng kha khá, sẽ đưa vào bờ và bán. Số tiền thu về sẽ được bỏ vào quỹ hỗ trợ thuyền viên khó khăn và mua quà tặng người nghèo trên địa bàn phường. "Vì làm việc có ích cho xã hội, lại sạch môi trường biển nên các anh em thuyền viên đều ủng hộ và làm theo. Giờ thấy rác nổi lềnh bềnh trên biển là chúng tôi khó chịu lắm. Ngoài thu gom rác thải thì những dây thừng, lưới rách chúng tôi đề mang về bờ chứ không vứt ra biển nữa", anh Phùng Bá Cường, một thuyền viên cho biết.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch hội Nông dân phường Nghi Thuỷ cho biết, hiện phường có gần 40 tàu cá tham gia vào mô hình thu gom rác thải vào bờ. Các thuyền viên được hướng dẫn tập huấn phân loại rác thải. Ngoài ra, địa phương tặng mỗi tàu thùng đựng rác để đảm bảo môi trường. Với việc làm thiết thực như vậy theo tính toán mỗi năm sẽ gom được khoảng gần 40 triệu đồng từ việc bán phế liệu trên tàu. Nguồn thu này sẽ được thực hiện vào công tác an sinh, xã hội trên địa bàn. Hiện, địa phương cũng đang xem xét để mở rộng mô hình này đối với tất cả các tàu thuyền trên địa bàn phường.
Minh Tâm - Hà Hằng