'Ngủ thăm' tục lệ độc đáo của người Thái trên Tây Nguyên

'Ngủ thăm' tục lệ độc đáo của người Thái trên Tây Nguyên

Mai Văn Cường

Mai Văn Cường

Thứ 4, 01/02/2017 10:59

Người đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán của dân tộc mang đậm tính nhân văn, trong đó có tục “ngủ thăm".

“Ngủ thăm”  trước khi cưới

Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) là nơi có đông cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất huyện như: Ê Đê, Xê Đăng, Mường, Thái...Chính vì thế, xã Ea Kuêh chính là nơi quy tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Trong đó, đáng chú ý là những bản sắc văn hóa độc đáo của người Thái.

Được biết, gần 20 năm trước, theo chân già làng Lô Quốc Hợi, gần 30 hộ dân người dân tộc Thái ở huyện Tuyên Dương, tỉnh Nghệ An đã lần lượt rời quê hương vào xã Ea kuêh để lập nghiệp. Nhận thấy mảnh đất Tây Nguyên màu mỡ, dễ phát triển kinh tế, dần dần các hộ dân bắt đầu theo chân người đi trước vào xã Ea Kuêh định cư. Năm 1995, buôn Thái chính thức được thành lập và đã trở thành một cộng đồng người dân tộc Thái sinh sống. Đến nay, buôn Thái đã có 191 hộ với 792 nhân khẩu, trong đó có hơn 90% là người đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Mặc dù đã gần 20 năm di cư đến vùng đất đỏ Tây Nguyên để lập nghiệp, rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn nhưng mỗi người dân nơi đây vẫn luôn hướng về quê hương và giữ được nhiều phong tục tập quán mang đậm nét nhân văn của dân tộc mình như: tục mừng lúa mới, lễ hội xòe hoa, lễ hội múa sạp... Trong đó, tục “ngủ thăm” vẫn được xem là phong tục độc đáo nhất mang nhiều tính nhân văn của cộng đồng người đồng bào dân tộc Thái.

Để tìm hiểu sâu hơn về tục “ngủ thăm” của đồng bào người dân tộc Thái, chúng tôi đã tìm đến buôn Thái vào một ngày đầu xuân. Trong cái gió se lạnh của những ngày đầu năm mới, già làng Lô Văn Dậu (buôn trưởng buôn Thái) ngồi bên bếp lửa hồng cùng với đàn cháu nhỏ vây quanh. Theo thói quen, ông kể cho các cháu nghe những giai thoại, phong tục tập quán của dòng họ, của cha ông từ ngày còn ở nơi quê cha đất tổ. Thấy khách đến nhà, già Dậu liền niềm nở chào đón nồng nhiệt.

Theo ông Dậu, bản chất của dòng tộc người Thái là một dân tộc rất hiếu khách, sống tình cảm chan hòa. Điều đó thể hiện rõ nét qua những phong tục tập quán mà cha ông xưa đã để lại. Trong đó, tục “ngủ thăm” là một tục lệ thể hiện rõ nhất nét văn hóa nhân văn của dân tộc ông.

Theo phân tích của vị Trưởng buôn, “ngủ thăm” là một tục lệ được duy trì từ thế hệ cha ông qua nhiều đời và đến nay vẫn còn lưu giữ. Tục “ngủ thăm” không chỉ áp dụng đối với những đôi trai gái đến tuổi xây dựng gia đình mà còn áp dụng đối với người thân trong gia đình, dòng họ.

Ông Dậu cho biết, đối với những đôi trai gái đến tuổi xây dựng gia đình, sau một thời gian tìm hiểu qua ông tơ bà nguyệt, được sự đồng ý của đôi bên gia đình, nhà trai sẽ mang nghi lễ đến nhà gái để xin cho con trai mình được “ngủ thăm” hay còn gọi là “đám cưới nhỏ” (tương tự đám hỏi - PV).

Nghi lễ gồm có 5 vò rượu và một đôi gà. Khi gia đình bên gái nhận lễ, đồng nghĩa người con trai được phép dọn đồ về nhà người con gái để “ngủ thăm”.

Thời gian này, người con trai sẽ sinh hoạt, lao động cùng với gia đình bên nhà người con gái. Tuy nhiên, đôi trai gái tuyệt đối không được ngủ chung. Tối đến người con trai chỉ được phép ngủ riêng hay ngủ chung với bố hoặc anh em trai trong gia đình người con gái.

Sau 10 ngày ở nhà gái, 20 ngày tiếp theo nhà trai được đón cô gái về nhà mình “ngủ thăm”. Tương tự, theo nghi lễ, người con gái cũng chỉ được phép ngủ chung với mẹ hoặc chị em gái bên nhà trai.

Văn hoá - 'Ngủ thăm' tục lệ độc đáo của người Thái trên Tây Nguyên

 Ở buôn Thái những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái vẫn được gìn giữ. 

Ông Dậu chia sẻ: “Người xưa có câu “10 ngày bên gái 20 ngày bên trai”, theo đó tục "ngủ thăm" thường luân phiên diễn ra như vậy trong vòng một năm. Nghi lễ “ngủ thăm” nhằm mục đích để đôi trai gái hiểu về nhau nhiều hơn và thích nghi với cuộc sống của gia đình đôi bên. Quá trình "ngủ thăm" giúp đôi trai gái gần gũi với người nhà đối phương, có nhiều thời gian để trò chuyện tâm sự với người nhà nhằm thắt chặt tình cảm đôi bên”.

Sau quãng thời gian “ngủ thăm” nếu đôi trai gái vẫn quyết định tiến đến với nhau đồng thời được sự đồng thuận của gia đình đôi bên thì họ sẽ nhờ ông mai bà mối cử hành nghi lễ đám cưới. Ngược lại, trong trường hợp người nhà cảm thấy thành viên mới không đủ tư cách để được chấp nhận thì có thể góp ý cho con cái mình, nhưng đa phần, người nhà vẫn tôn trọng quyết định của đôi trai gái. Trong trường hợp cô gái hoặc chàng trai không muốn tiến đến hôn nhân, tức là đám cưới lớn thì có thể ngỏ ý hoặc nhờ ông mai bà mối đưa tin cho bên đối phương để hủy mối duyên này.

Trên thực tế, những trường hợp như vậy từng xảy ra nhưng không nhiều vì người Thái sống tế nhị và coi trọng tình cảm. Một khi đã quyết định chấp thuận cho đôi trẻ "ngủ thăm" đồng nghĩa họ đã chấp thuận người con này trong nhà rồi. Nhiều trường hợp gia đình khó khăn không có điều kiện tổ chức đám cưới lớn, thì chỉ cần trải qua giai đoạn “ngủ thăm” đôi trai gái vẫn được coi như vợ chồng vì đã báo cáo gia tiên trong “đám cưới nhỏ”.

“Ngủ thăm” để cầu chúc sức khỏe

Cũng như bao đôi trai gái đồng bào dân tộc Thái khác, vợ chồng ông Lương Hồng Tâm và bà Lương Thị An (ngụ buôn Thái) cũng thực hiện đầy đủ nghi lễ “ngủ thăm” trước khi đến với nhau. Ông Tâm trăn trở: “Tập tục “ngủ thăm” nhằm mục đích để đôi trai gái tìm hiểu về nhau kĩ hơn trước khi quyết định đi tới hôn nhân. Vì cuộc sống càng ngày càng hiện đại hóa, tập tục “ngủ thăm” truyền thống của dân tộc tôi dần bị lãng quên. Nhiều đôi trai gái đã bỏ qua tục “ngủ thăm” mà tiến đến hôn nhân. Cũng đã có những cái kết chia ly đau buồn khi những đôi bạn trẻ này chưa tìm hiểu kĩ về nhau khi về sống chung một mái nhà. Đối với gia đình tôi, mặc dù đã xa quê hương hàng chục năm nhưng lúc nào tôi cũng truyền dạy cho con cháu tôi phải giữ gìn những tục lệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình...”

Văn hoá - 'Ngủ thăm' tục lệ độc đáo của người Thái trên Tây Nguyên (Hình 2).

 Ông Lương Hồng Tâm kể cho lớp trẻ nghe về tục lệ “ngủ thăm” của dân tộc mình.

Cũng theo ông Lương Hồng Tâm, tập tục “ngủ thăm” còn có ý nghĩa khác là gắn kết tình cảm và cầu chúc sức khỏe cho người thân trong gia đình. Đối với người dân tộc Thái, họ coi trọng tình cảm gia đình, nên người thân trong dòng họ hoặc bạn bè ở xa lâu ngày không gặp thỉnh thoảng vào những ngày rảnh rỗi hay lễ tết có thể đến “ngủ thăm” với chủ nhà để trò chuyện, ôn lại kỷ niệm xưa để thắt chặt tình cảm.

Ngoài ra, trong trường hợp trong nhà có người đau ốm, người thân hoặc bạn bè gần xa có thể đến thăm hỏi và ở lại “ngủ thăm”. Theo phong tục người đồng bào Thái, nếu người ốm lâu ngày không khỏi, chủ nhà sẽ tổ chức lễ làm vía (hay còn gọi là lễ cúng – PV), sau đó nhờ người “ngủ thăm” buộc một sợi dây màu đen vào cổ tay người bệnh mong người bệnh sẽ sớm khỏe lại.

“Người dân tộc Thái vốn nổi tiếng bởi sự mến khách. Mỗi khi có khách đến nhà, “ngủ thăm” gia chủ luôn ưu tiên cho khách những vật dụng mới trong nhà. Sắm được đồ dùng gì mới, chủ nhà thường không dùng mà cất vào tủ để mỗi khi có khách sẽ mang ra cho khách dùng. Đặc biệt, vào những ngày đông giá rét, khi trong nhà có khách đến “ngủ thăm”, người Thái thường cử một người khỏe mạnh vào trong chăn ngủ trước để tạo hơi ấm, sau đó mới mời khách vào nằm” - ông Tâm cho biết thêm.

Trao đổi với PV về tục lệ “ngủ thăm” của người dân tộc Thái, ông Ngân Hoài Lu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh cho biết: “Tục ngủ thăm là một trong những tập tục mang đậm tính nhân văn của dân tộc Thái. Cho đến nay, theo thời gian nhiều tập tục của người Thái đã bị mai một, tục ngủ thăm cũng có nhiều “biến tướng”. Tuy nhiên những người lớn trong làng vẫn định hướng cho con cháu luôn hướng về phong tục tập quán của dân tộc, tục “ngủ thăm” vẫn được duy trì và gìn giữ. Đây là một điều đáng quý của người dân tộc Thái”.

Mai Cường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.