Vì sao không nên mở cửa sổ khi ngủ vào ban đêm?
Nhiều người có thói quen mở cửa sổ khi ngủ vào ban đêm bởi không khí từ bên ngoài vào khiến họ cảm thấy thoáng mát, dễ chịu.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại khuyên không nên mở cửa sổ khi ngủ ban đêm vì điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe. Bản thân không khí lạnh không gây cảm cúm nhưng có thể làm khô khoang mũi, dẫn đến tăng sản xuất chất nhầy và dẫn đến nhiễm trùng xoang, họng.
Mặt khác, ở các thành phố lớn và dọc theo các con đường đông đúc, xe cộ đi lại tấp nập thì việc mở cửa sổ sẽ làm giảm chất lượng không khí trong nhà. Bên cạnh đó, tiếng ồn bên ngoài cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Nói chung, các chuyên gia đưa ra lời khuyên không nên mở cửa sổ khi ngủ vào ban đêm bởi những lý do sau:
-Có thể bị mất ngủ do lạnh
Nếu mở cửa sổ khi ngủ, bạn có thể sẽ không ngủ ngon giấc vì lạnh. Đặc biệt, nếu bạn đang bị cảm lạnh và để cửa sổ mở trong những đêm mùa thu và mùa đông, bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh cảm cúm.
-Tiếng ồn từ bên ngoài
Không thể phủ nhận tiếng ồn là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trên thực tế, việc sống ở gần một con phố lớn có thể tác động mạnh mẽ đến tâm lý.
Trong khi ngủ, não của chúng ta vẫn phải bận rộn xử lý tiếng chó sủa, tiếng ồn của hàng xóm và âm thanh của từng chiếc xe chạy qua. Trong quá trình này, nó giải phóng các hormone căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm về lâu dài ở những người nhạy cảm hoặc sống trong môi trường quá ồn ào.
Cửa sổ mở sẽ khuếch đại những tiếng ồn này và do đó có thể làm phiền giấc ngủ cũng như sức khỏe của bạn về lâu dài.
- Tăng nguy cơ dị ứng
Việc mở cửa sổ vào ban đêm khiến bạn có nguy cơ tiếp xúc với các chất gây dị ứng từ bên ngoài vào và dễ dàng hít phải chúng trong khi ngủ,
TS Laren Tan, bác sỹ chuyên khoa phổi, Giám đốc Chương trình toàn diện về bệnh tắc nghẽn đường thở của Đại học Loma Linda (Mỹ), giải thích: “Lượng phấn hoa thường cao vào ban ngày khi thực vật giải phóng phấn hoa vào không khí, tuy nhiên cũng có bằng chứng cho thấy nồng độ phấn hoa trong không khí cũng có thể tăng cao vào buổi tối”.
Đặc biệt, vào mùa xuân và mùa thu, các chất gây dị ứng, bụi và các hạt vật chất (như hạt bụi trong không khí ô nhiễm hoặc các hạt bụi cháy rừng) bay vào, gây ra dị ứng và hen suyễn. “Dị ứng và hen suyễn có thể khiến cơ thể tiết nhiều chất nhầy hơn, gây khó thở và ho nhiều hơn”, TS Tan cho biết.
Chứng dị ứng và hen cũng gây gián đoạn giấc ngủ, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến bạn dễ mắc các bệnh không liên quan khác. Đó là lý do tại sao không nên mở cửa sổ khi ngủ vào ban đêm, đặc biệt là với những người có cơ địa dị ứng.
-Tăng nguy cơ phát triển nấm mốc
Tùy thuộc vào nhiệt độ bên ngoài và bên trong, việc mở cửa sổ vào ban đêm cũng có thể làm tăng nguy cơ nấm mốc, đặc biệt khi nhiệt độ bên ngoài giảm mạnh vào ban đêm và phòng ngủ mát dần trong thời gian này.
Do đó, bạn không nên mở cửa sổ khi đi ngủ ban đêm và chỉ nên mở tung cửa sổ vào sáng hôm sau để không khí trong phòng được điều hòa.
Các lựa chọn thay thế cho việc ngủ mở cửa sổ
Cần nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng của việc thông gió vào ban ngày, bất kể bạn đóng hay mở cửa sổ vào ban đêm. Bạn nên thông gió cho tất cả các phòng từ ba đến năm lần một ngày, mỗi lần mười phút.
Nếu nhiệt độ bên ngoài lạnh, năm phút là đủ. Để làm mát không khí trong phòng một lần nữa và cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn nên thông gió ngay trước khi đi ngủ.
Ngoài việc thông gió thường xuyên, bạn cũng có thể cải thiện chất lượng không khí bằng cách tắt các thiết bị điện, máy sưởi, điều hòa vào ban đêm. Hóa đơn tiền điện của bạn cũng sẽ được giảm bớt từ thói quen này.
Nếu độ ẩm quá cao gây đổ mồ hôi nhiều về đêm, bạn có thể đặt máy hút ẩm trong phòng ngủ. Nếu bạn khó ngủ vì không khí khô, hãy treo vài chiếc khăn ẩm gần giường. Không khí khô thường biểu hiện bằng tình trạng nghẹt mũi, gây khó ngủ hoặc thức dậy nhiều lần vào ban đêm.
Minh Hoa (t/h)