‘Ngựa chiến’ và những ‘siêu nhân’ trên nóc nhà của Mộc Châu

‘Ngựa chiến’ và những ‘siêu nhân’ trên nóc nhà của Mộc Châu

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 2, 28/11/2016 22:32

Suốt chặng đường gần 7km ở Pha Luông trơ toàn đất đá, chúng tôi gặp không ít xe máy băng băng qua những con đường mà các thành viên trong đoàn chỉ chực “vồ ếch”.

Những đoạn đường trơ đất đá

Con đường dẫn từ điểm trường Tiểu học Pha Luông vào đồn biên phòng Pha Luông (xã Pha Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chỉ dài khoảng 7km nhưng phải mất gần 4 tiếng đồng hồ để chúng tôi đi bộ vào trong đó.

Những cơn mưa kéo dài khiến con đường vốn đã “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” càng trở thành “bài toán thách đố” với những người vốn quen vượt đường bằng như chúng tôi. Thậm chí, có những đoạn, đường trơ toàn đá, chỉ sót lại 1 rãnh nhỏ nằm sát ngay bên vực, đủ cho bánh xe máy đi vào nhưng chỉ cần chệch tay lái mọi nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.

Thế nhưng, suốt chặng đường gần 7km ấy chúng tôi gặp không ít xe máy băng băng qua những con đường mà các thành viên trong đoàn chỉ chực “vồ ếch”. Trong số đó có cả phụ nữ, cả những gương mặt áng chừng chỉ 18 – 20 tuổi.

Xã hội - ‘Ngựa chiến’ và những ‘siêu nhân’ trên nóc nhà của Mộc Châu

Những con đường tưởng như là sự "thách thức" với người dân vùng đồng bằng nhưng lại "không là gì" với những người dân Pha Luông.

Khi các thành viên trong đoàn đều thấm mệt và chùn chân trước quãng đường từ điểm trọ ra trường Tiểu học Pha Luông để lấy xe máy gửi lại trước đó, Giàng A Su (24 tuổi, người H’Mông) nhanh chóng gợi ý: “Các bạn thuê xe ôm mà ra, đi bộ như thế không biết khi nào mới ra tới nơi”.

Thấy chúng tôi ái ngại vì trời mưa, đường trơn trượt và toàn dốc đá, Giàng A Tòng (SN 1995) đứng ngay bên cạnh cười bảo: “Đi được mà, bọn em ở đây toàn “tay lái lụa”. Chiều qua cũng có một đoàn đi ra bằng xem máy bọn em chở. Không sao đâu. Có ngày bọn em còn chở 5 – 7 đoàn”.

Sau hồi “mặc cả” cho quãng đường sẽ “không sao đâu” ấy, chúng tôi được những “chiến binh” trẻ tuổi người H’Mông này tính với “giá mềm” 130 nghìn đồng/người cho chặng đường 7km, ước chừng 1 tiếng đồng hồ để chinh phục cùng những chú “ngựa sắt” của họ đưa đoàn ra tới điểm trường Tiểu học Pha Luông.

Phương tiện để di chuyển là những chiếc xe Wave, xe Win... đã nhuốm màu đường trường khi chở biết bao đoàn khách ra rồi lại vào với đất Pha Luông huyền thoại.

Những “siêu nhân” ở Pha Luông

Xế của tôi hôm ấy là Giàng A Tha (SN 1997). Khi cả đoàn đã sẵn sàng, chiếc xe của Tha xuất phát đầu tiên và trở thành xe dẫn đoàn. Cả xe và người gần như thả trôi trên con đường dốc 45 độ trơ toàn đá sau trận mưa lớn. Đường gập ghềnh cao cao thấp thấp khiến người ngồi trên xe tưởng như sắp nẩy ra ngoài.

Suốt dọc đường đi, tôi và Tha chỉ kịp hỏi nhau vài ba câu chuyện. Bởi lẽ, Tha tập trung tay lái, còn tôi chỉ biết nín thở bám chặt yên xe và cầu mong bánh xe không trật khỏi những đoạn đường tưởng chừng được bôi mỡ trơn tuột, đất đỏ và đất sét quyện lại khiến những bánh xe có khả năng trượt dài. Có đoạn dốc cao, chiếc xe lại gầm gừ cố lao lên cho bằng được. Hay có những đoạn lúc lên cả đoàn phải bám, phải bò nhưng xe máy lao xuống như chưa từng tồn tại độ dốc ấy.

Dọc đường đi tôi chỉ chực hỏi “Sắp đến chưa, chị xuống nhé?”, nhưng đáp lại Tha chỉ bảo: “Chị cứ ngồi yên” và lại vút tay lái trên cung đường ven bờ vực, mặc cho tôi ngồi phía sau phải cố nín thở và nhắm chặt mắt. Đã có lúc tôi nghĩ “nếu xe đổ mình sẽ xử lý như thế nào để an toàn nhất?”, nhưng rồi những suy nghĩ ấy chợt đến lại chợt đi khi chiếc xe đang rồ ga leo dốc.

Tha bảo, Tha chỉ là con nuôi trong một gia đình ở bản Pha Luông. Nhà của Tha ở xã Sìn Thừa, huyện Mộc Châu. Nhưng từ khi gắn bó với mảnh đất Pha Luông ấy, Tha thấy yêu tất cả những gì thuộc về nơi đây và không muốn rời xa.

Từ khi bắt đầu biết đi xe máy, Tha và nhiều người khác ở bản Pha Luông đã quen tôi luyện tay lái trên cung đường dốc đá cheo leo ấy nên những gì mọi người thấy nguy hiểm hay hoảng sợ thì với họ... đó là chuyện rất bình thường.

“Chở 1 tạ đồ trên xe mà đi ở đường này bọn em vẫn đi bình thường”, Tha cười bảo.

Xã hội - ‘Ngựa chiến’ và những ‘siêu nhân’ trên nóc nhà của Mộc Châu (Hình 2).

 Đội xe ôm "huyền thoại" trên đỉnh Pha Luông.

Khi chiếc xe dừng lại ở điểm trường, Trần Long – thành viên của đoàn chúng tôi cũng chỉ biết cười khi nghĩ lại chặng đường mình vừa vượt qua.

Long bảo rằng, nắm chắc tay cầm phía sau xe máy, chân ghì chặt vào thanh đỡ chân của xe cũng không thể ngăn được việc người ngồi sau có thể rơi khỏi chiếc “phi mã” bất cứ lúc nào.

“Những xế bản như được luyện tay lái từ khi còn non tuổi, bất chấp đường đá gồ ghề, bất chấp những đoạn lầy, trơn trượt, họ vẫn điều khiển xe máy phi băng băng như đi trên đường bằng”, Long vừa thở vừa kể lại.

Và với Long, Long cho rằng mình may mắn khi được ngồi xe của Giàng A Mua – một thanh niên chỉ tầm 17 - 18 tuổi nhưng đã “lão luyện” trong việc điều khiển chiếc xe tay côn băng núi.

Tuy nhiên, sức người, sức máy vẫn không thể chiến thắng được sức thiên nhiên. Xe của Mua vẫn phải dắt qua nhiều đoạn do quá trơn và quá dốc. Có những lúc xe cưỡi trên đoạn đường hẹp trơn trượt trong khi 1 bên là vực, 1 bên là con suối chảy xiết với những tảng đá lởm chởm, sắc nhọn.

“Dù tiết kiệm được gần 3 tiếng đồng hồ so với thời gian đi bộ nhưng cả cuộc đời bạn như hiện ra khi được trải nghiệm cảm giác “cưỡi” xe băng núi mà những người dân nơi đây coi là việc bình thường mỗi ngày”, Long chia sẻ.

Nghe cậu bạn của mình kể lại câu chuyện “phiêu” trên những đoạn đường trơn trượt cùng những tay lái cừ khôi của xứ bản Pha Luông, Nguyễn Văn Tâm cũng chỉ biết lắc đầu khi nhớ lại chuyến xe mình vừa trải qua.

Cái may mắn mà Tâm tự cho mình có đó là được ngồi sau xe của chàng thanh niên người H’Mông đã có 7 năm kinh nghiệm cầm lái trên cung đường ấy.

Thế nhưng, dù biết “kinh nghiệm” dầy dạn là vậy nhưng Tâm vẫn không dám thốt nỗi sợ hãi đang gieo lên mình khi ngồi sau xe lúc chàng thanh niên này băng qua những đoạn đường cheo leo bên bờ vực hay ven vách núi.

Có những đoạn, Tâm cảm giác chỉ cần 1 cú trượt bánh xe thôi là cả Tâm và xế sẽ rơi xuống vực.

“Tôi nghĩ nếu mình nói ra sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của xế nên đành kìm nén nỗi sợ hãi trong lòng cho tới khi xe cán đích. Đến nơi rồi tôi vẫn không tin mình vừa kết thúc một quãng đường hiểm trở như vậy trong sự an toàn và bình lặng.

Không ít lần tôi yêu cầu xuống chạy bộ qua đoạn nguy hiểm rồi lên xe đi tiếp nhưng xế chỉ cười bảo “Anh nhát chết nhỉ, ở đây bà con toàn như vậy thôi, họ băng qua những đoạn đường này mà không phải xuống xe đâu”.

Nghe xong câu nói ấy, trong tiếng thở dài tôi nghĩ ở bản này chắc toàn “chiến binh” và “siêu nhân”.

Tôi đã nhiều lần đi xe ôm nhưng có lẽ đó là chuyến xe ôm nguy hiểm nhất, phiêu nhất và đáng nhớ nhất mà tôi đã từng trải qua”, Tâm chia sẻ.

Hai tháng sau khi trở lại Hà Nội, trong cuộc điện thoại gọi cho Giàng A Tha, tôi vẫn nhận được những lời mời hồ hởi: “Hôm nào chị lên Pha Luông lại gọi cho em nhé. Em sẽ vẫn làm xế đưa các chị ra vào bản Pha Luông”.

Cuộc gọi kết thúc, trong đầu tôi vẫn là những hình dung về cung đường với rất nhiều cảm xúc khó diễn tả ấy: vừa hồi hộp, lo lắng, xen chút sợ hãi, căng thẳng như chính mình đang cầm lái. Gần 7km nhưng với chúng tôi hôm đó, quãng đường dài chẳng khác gì 70km đầy căng thẳng.

Nguyễn Huệ - Thiên Di

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.