Ngứa vùng kín là dấu hiệu thường gặp ở rất nhiều phụ nữ. Tình trạng này không chỉ khiến chị em cảm thấy khó chịu, mất tự tin mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, gia tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bị ngứa vùng kín
Viêm âm đạo do nấm Candida
Trong môi trường âm đạo, nấm Candida chung sống hòa bình và được kiểm soát bởi các loại lợi khuẩn khác. Tuy nhiên, khi hệ vi sinh vùng kín bị mất cân bằng, số lượng nấm men sẽ nhân lên nhanh chóng và vượt khỏi tầm kiểm soát, gây ra viêm âm đạo với các biểu hiện đặc trưng như:
- Ngứa vùng kín, niêm mạc âm đạo sưng đỏ.
- Khí hư tiết ra nhiều bất thường, có màu trắng đục, vón cục như bã đậu.
- Âm đạo có mùi chua như lên men.
- Đau buốt khi đi tiểu hay quan hệ tình dục.
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Sự phát triển quá mức của những vi khuẩn có hại trong môi trường âm đạo gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn, đặc trưng bởi các triệu chứng sau:
- Ngứa vùng kín, đau rát khi đi tiểu.
- Khí hư có màu xám hoặc xanh lá cây, thể chất loãng gần như nước hoặc quánh đặc.
- Âm đạo có mùi hôi rất khó chịu.
Đây là bệnh lý rất thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Dị ứng/ Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị kích ứng khi tiếp xúc trực tiếp với những tác nhân gây dị ứng, biểu hiện chủ yếu là cảm giác ngứa ngáy, nổi mẩn hay mụn nước tại khu vực da đã tiếp xúc.
Chấy rận ký sinh tại vùng kín
Một số loài chấy rận có thể ký sinh tại vùng âm đạo, bám chặt vào da vùng kín và di chuyển qua những sợi lông gây ngứa ngáy, khó chịu.
Bệnh lây qua đường tình dục
Các bệnh phổ biến như sùi mào gà, mụn rộp sinh học… đều có thể gây ngứa vùng kín và nổi mụn khu vực âm đạo. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là trùng roi Trichomonas, lậu cầu, vi khuẩn Chlamydia.
Nội tiết tố thay đổi
Nồng độ Estrogen giảm có thể làm cho niêm mạc âm đạo mỏng, khô rát và dễ bị ngứa ngáy. Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là những đối tượng hay bị ngứa vùng kín do sự rối loạn nội tiết tố gây ra.
Bị ngứa vùng kín có nguy hiểm không?
Bị ngứa vùng kín ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống, khiến bạn khó tập trung vào công việc, hơn nữa còn làm giảm sự tự tin của bạn khi giao tiếp.
Ngứa vùng kín còn gây tổn thương ngoài da do cào gãi nhiều, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây các bệnh phụ khoa nguy hiểm như viêm âm hộ, viêm vùng chậu, viêm phần phụ… Điều này ảnh hưởng lớn tới đời sống tình dục và khả năng sinh sản của phụ nữ.
Bị ngứa vùng kín khi nào cần gặp bác sĩ
Bạn nên tới bệnh viện hoặc phòng khám nếu tình trạng ngứa vùng kín kéo dài hơn một tuần hoặc cơn ngứa đi kèm với những biểu hiện sau:
- Có mụn, phát ban hay phồng rộp ở niêm mạc âm hộ.
- Đau ở vùng sinh dục, đặc biệt khi quan hệ tình dục.
- Niêm mạc âm đạo đỏ hoặc sưng.
- Khó đi tiểu hoặc đau rát khi đi tiểu.
- Dịch tiết âm đạo bất thường về lượng, mùi và màu sắc.
Bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán bệnh, xác định nguyên nhân gây ngứa vùng kín và đưa ra lời khuyên, phác đồ điều trị thích hợp.
Cách điều trị khi ngứa vùng kín
Việc xác định phương pháp điều trị phù hợp cho tình trạng ngứa vùng kín phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Do nhiễm khuẩn âm đạo thường được điều trị bằng kháng sinh đường uống, gel kháng sinh hoặc kem bôi vùng âm đạo.
- Do chấy rận có thể được điều trị bằng một loại kem trị chấy rận không cần kê đơn. Trường hợp nghiêm trọng thì cần một loại thuốc theo toa tại chỗ.
- Do bệnh ngoài da thường được điều trị kết hợp thuốc uống có thành phần kháng sinh và thuốc bôi để tiêu diệt các loại nấm khuẩn gây bệnh.
- Do bệnh lây qua đường tình dục thường được áp dụng các phương pháp đốt laser như ALA – PDT với bước sóng phù hợp để triệt tiêu nhọt hay mụn rộp.
- Do dị ứng thì cần ngưng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, sử dụng thêm một số loại thuốc dị ứng khác nếu cần.
Phương pháp phòng tránh
Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản là điều cần thiết và quan trọng đối với phụ nữ. Do đó, bạn nên biết chăm sóc vùng kín đúng cách để tránh bị ngứa vùng kín và các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, cụ thể:
- Vệ sinh vùng kín đúng cách bằng dung dịch vệ sinh phù hợp mỗi ngày 1 - 2 lần, không sử dụng dầu gội, xà bông, xà phòng để rửa âm đạo. Bạn nên chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ thành phần thảo dược tự nhiên an toàn, độ pH phù hợp sinh lý vùng kín đã được kiểm chứng hiệu quả bởi các cơ quan y tế uy tín.
- Vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ tình dục, sử dụng các biện pháp an toàn tình dục.
- Không ngâm mình trong bồn tắm quá lâu, không thụt rửa sâu âm đạo.
- Lau khô vùng kín sau khi tắm và sau mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện.
- Sử dụng quần lót có chất liệu thoáng mát và size vừa vặn.
- Thay băng vệ sinh cách 3 – 4h/lần, không lạm dụng loại băng vệ sinh hằng ngày, không nên chọn băng vệ sinh có mùi thơm hóa chất.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
Ngứa vùng kín là dấu hiệu mà các chị em không nên chủ quan và bỏ qua. Đặc biệt, nếu tình trạng này đi kèm với các triệu chứng bất thường khác thì chúng ta nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Thu Hà