Thưa các “thánh phán” trên mạng xã hội - những người đang tiếc tiền cho dự án tháp Thái Bình,
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng tất cả quý anh chị đều sở hữu trái tim giàu tình thương, khi mạnh dạn đề xuất sử dụng tiền xây tháp biểu tượng để giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn tại địa phương. Nhưng có lẽ vì mải… đa cảm, nên quý anh chị mới chỉ nhìn vào tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng của dự án mà không quan tâm đến chuyện số tiền này được tỉnh huy động từ đâu.
Vì biết rằng các anh chị còn bận tính toán xem 300 tỷ đồng thì xây được bao nhiêu ngôi nhà cho người nghèo, bao nhiêu mái trường cho học sinh vùng cao và giải cứu được bao nhiêu đàn lợn trong bối cảnh giá thịt lợn đang xuống thấp kỷ lục, tôi xin nói lại một thông tin đã công khai trên khắp các mặt báo, nhưng các anh chị chẳng thèm đọc (hoặc đọc xong không hiểu): Toàn bộ kinh phí xây dựng tháp Thái Bình được huy động từ nguồn xã hội hóa – tức là huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp trên tinh thần tự nguyện.
Anh chị có thể đến hỏi các tổ chức, cá nhân này tại sao lại chấp thuận quyên góp cho dự án ấy, nhưng đừng dại dột trách họ không làm từ thiện, vì rất có thể khi họ đang tích cực tham gia công tác xã hội thì anh chị chỉ biết trả cước internet đúng hẹn cho nhà mạng.
Ở đây, tôi xin phép không bàn về tính thẩm mỹ của tòa tháp, bởi điều này còn tùy thuộc vào quan niệm và kiến thức về kiến trúc của mỗi người. Tôi chỉ muốn nhắc các anh chị hãy đọc kỹ công năng sử dụng mặt bằng ở 25 tầng tháp. Theo đó, mặt bằng các tầng được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như thương mại, triển lãm; dịch vụ văn hóa, du lịch… chứ không phải chỉ để làm “biểu tượng” suông.
Có bao giờ các anh chị thấy mình thật mâu thuẫn? Khi đất nước hiếm có công trình hiện đại nào được đem ra so sánh với các công trình của nước bạn thì cảm thấy xấu hổ vì tụt hậu. Đến khi các địa phương rục rịch xây dựng các công trình lớn thì lại kêu ca rằng lãng phí, tốn kém.
Riêng về kinh phí xây dựng tháp, xin hỏi có công trình lớn nào mà không tốn kém tiền của? Và 300 tỷ đồng để xây một tòa tháp có đầy đủ dịch vụ, thương mại, triển lãm, văn hóa, du lịch là đắt hay rẻ? Huống hồ trong tòa tháp đó còn chứa bao công ăn việc làm cho người lao động và cơ hội phát triển kinh tế địa phương – đây mới chính là cái cần câu mà người nghèo cần nắm lấy.
Các anh chị tưởng rằng mình nghĩ sâu nhưng thực ra chưa xa. Công tác xoá đói giảm nghèo phải thực hiện lâu dài, kiên trì chứ đâu phải cứ ngừng xây công trình trăm tỷ là người nghèo họ giàu được ngay đâu!
Ký tên,
Một người già