Thông tin mới được cung cấp cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể đưa các hệ thống phòng không tên lửa này vào biên chế. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không thể tích hợp hệ thống phòng không của Nga vào hệ thống phòng không của nước này.
Hiện tại, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải hai vấn đề quan trọng. Đó là việc tích hợp hệ thống phòng không S-400 vào hệ thống phòng không của đất nước. Và việc không thể tích hợp hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung của Thổ Nhĩ Kỳ với hệ thống phòng không C-400.
Trước đó, các tổ hợp S-400 đã được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm nhiều lần, nhưng Ankara không chính thức công bố việc triển khai các hệ thống phòng không của Nga.
Cho đến nay, những dữ liệu này đã được một bộ phận phương tiện truyền thông đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, tuy nhiên, Ankara không có bình luận nào về vấn đề này.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 bất chấp sự phản đối của Mỹ
Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầu tiên mua S-400 của Nga. Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất thương vụ mua tên lửa S-400 với Nga. Ankara cho rằng hệ thống này không đe dọa các đồng minh trong NATO.
Tuy nhiên, việc Ankara mua S-400 khiến Washington vô cùng tức giận. Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng, cho rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ NATO và đe dọa tiêm kích tàng hình F-35.
Khi không thể ngăn cản, Mỹ buộc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất F-35 của Mỹ đồng thời đe dọa trừng phạt. Để trừng phạt hợp đồng S-400, Mỹ từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua.
Hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Recep Erdogan xác nhận đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên hệ thống S-400 do Nga sản xuất, bất chấp việc Mỹ liên tiếp cảnh báo trừng phạt nếu hệ thống này được kích hoạt.
Sau đó 2 tháng, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), người đứng đầu SSB cùng 3 nhân viên cơ quan này. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều chỉ trích các biện pháp trừng phạt trên của Washington.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không giữ lại tên lửa S-400 mua của Nga, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương.
"Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã điện đàm, thảo luận về bất ổn dọc sườn đông và nam NATO, gồm những thách thức từ Nga. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hợp tác quân sự Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hối thúc Ankara từ bỏ hệ thống phòng thủ S-400 của Nga ", Lầu Năm Góc ra thông cáo cho biết hôm 2/4.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về nội dung điện đàm.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hai hệ thống tên lửa S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Nga hoàn tất bàn giao loạt vũ khí này cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1/2020. Ankara tiến hành đợt bắn thử đầu tiên vào tháng 10/2020 và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm S-400 mà "không cần xin phép Washington".
Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định lập trường của Ankara về việc sử dụng hệ thống phòng không S-400 của Nga là không thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ không cần sự cho phép của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định về việc mua S-400 từ lâu và sẽ không rút lại quyết định này.