Khát khao nơi an nghỉ
Ngày cầm tấm thẻ căn cước công dân, ông Dương Văn Thắng (55 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) rưng rưng nước mắt, mường tượng lúc có được căn nhà “để được ngủ cho thẳng giấc”. Gặp ai, ông cũng khoe đã có lại quyền công dân, yên tâm đi làm thuê.
Ông cho biết nhiều người dân trong khu vực ông sinh sống khuyên ông đi tìm câu trả lời cho việc 25 năm không được thực hiện quyền công dân theo quy định của pháp luật.
Ông cho biết: "Họ tư vấn trường hợp của tôi nếu chứng minh được oan khuất có thể sẽ nhận được bồi thường theo pháp luật quy định. Nhưng tôi mù chữ, đi đến đâu, cơ quan nào, họ cũng không tiếp thậm chí còn đuổi về. Tôi cũng khát khao có căn nhà để ngủ, có nơi để an nghỉ khi nằm xuống. Suốt 25 năm qua, vì không có giấy tờ, tôi không thể lao động bình thường nên không có được một bữa no”.
Ông cho rằng mình sống lay lắt, thống khổ trong suốt 25 năm qua là do không nhận lại được giấy tờ tùy thân. Anh N.V.H. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), người trực tiếp giúp đỡ ông trong việc kêu oan, đòi lại quyền lợi cho biết: “Theo tôi được biết, từ ngày được trả tự do sau khi bị bắt vì tội Giết người cướp tài sản, ông Thắng không hề được cơ quan có thẩm quyền tuyên bố vô tội, không có một lời xin lỗi".
“Hơn nữa, cơ quan bắt giữ làm thất lạc giấy tờ tùy thân của ông Thắng nên ông mới rơi vào bế tắc, sống vất vưởng”, anh H. cho biết thêm.
Nếu oan sai, sẽ được bồi thường theo pháp luật
Anh H. đã viết đơn, thư gửi đến nhiều cơ quan chức năng tại quận Gò Vấp cũng như tại TP.HCM. Anh H. nhấn mạnh: “Sau khi giúp ông Thắng được chính quyền quận Gò Vấp cấp lại thẻ căn cước công dân, tôi đang cùng ông xin cứu xét, được bồi thường những thiệt hại về tinh thần, vật chất sau 25 năm không có quyền công dân”.
“Tôi đã gửi đơn thư xin cứu xét đến các cơ quan có liên quan và đang đợi kết quả. Tôi tin vào sự công bằng của pháp luật và hy vọng ông Thắng sẽ có được sự công bằng đó”, anh chi sẻ thêm.
Theo luật sư Cồ Lê Huy, công ty luật Đại việt, đoàn Luật sư TP.HCM, ngay khi xác định được hung thủ gây ra vụ án, cơ quan điều tra trả tự do cho ông Thắng thì đơn vị này phải trả lại toàn bộ các giấy tờ, tài sản mà họ đã thu giữ, trong đó có giấy CMND.
“Sau đó các cơ quan này cần làm thông báo vụ việc này cho chính quyền địa phương biết. Nếu như cơ quan điều tra trả lời đã làm thất lạc giấy tờ của ông Thắng và không có động thái cấp lại cho ông là hết sức thiếu trách nhiệm”, luật sư Huy cho biết.
Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng tham mưu, Công an TPHCM cho biết PV nên liên hệ với Công an quận Gò Vấp để đơn vị này xem xét vụ án này như thế nào.
Dựa trên các báo cáo của Công an quận Gò Vấp, đơn vị này sẽ xem xét lại hồ sơ, xác minh thông tin vụ việc. Vị này cũng cho biết không thể trả lời ngay vì vụ việc đã xảy ra khá lâu, không thể nắm bắt hồ sơ, thông tin ngay lập tức được.
Trực tiếp liên hệ, đại diện Công an quận Gò Vấp cho biết: “Vụ việc này đã diễn ra quá lâu, từ năm 1991 nên tôi chưa nắm được ngay. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, tôi cũng chưa về làm việc tại cơ quan”.
Vị này cho biết, PV nên về hướng dẫn ông Thắng làm đơn trình bày nguyên nhân bị bắt, bị bắt ở đâu, hiện đang cư ngụ nơi nào, … Hoặc, cơ quan này sẽ mời ông Thắng lên làm việc trực tiếp để nghe ông trình bày để nắm rõ vụ việc.
“Đã hơn 20 năm, hồ sơ tôi cũng không biết lúc ấy là do cán bộ nào thực hiện, lưu trữ ở đâu nữa. Do đó, việc người này bị bắt oan hay không oan cần phải làm rõ. Tuy nhiên, nếu như ông Thắng chứng minh được mình oan sai, bị mất quyền công dân vì cơ quan công an làm thất lạc giấy tờ thì cơ quan gây oan sai phải có trách nhiệm bồi thường theo luật định”, vị này cho biết thêm.
Sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Công an quận Gò Vấp Ngay khi được PV chia sẻ những hướng dẫn của cơ quan Công an quận Gò Vấp, ông Dương Văn Thắng cho biết sẽ làm theo đúng những hướng dẫn trên. Anh N.V.T., người giúp ông Thắng tìm lại quyền lợi cũng đồng tình cách giải quyết bước đầu của Công an quận Gò Vấp. Người này cho biết sẽ nhanh chóng viết đơn gửi lên đơn vị này và cùng ông Thắng đến liên hệ trực tiếp tại cơ quan Công an Gò Vấp. |
Hà Nguyễn