Người 25 năm không có CMND: Vỡ òa ngày có lại quyền công dân (3)

Người 25 năm không có CMND: Vỡ òa ngày có lại quyền công dân (3)

Nguyễn Thanh Hà

Nguyễn Thanh Hà

Thứ 6, 14/04/2017 08:48

Khi tìm lại được quyền công dân, ông Thắng "năm lần bảy lượt" đến công an xin cấp lại giấy tờ.

Niềm hối tiếc cuối đời

Dưới mái hiên của những ngôi mộ cũ, ông Dương Văn Thắng (55 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) ao ước một ngày được đi làm thuê trong tâm thế của một công dân bình thường. Ngoài ra, ông còn trăn trở về những đứa con không giấy tờ tùy thân, đứa cháu nội sắp chào đời không giấy khai sinh.

Ông nói: “Tôi đã quá nửa đời lang bạt, sống vất vưởng như một con ma giữa đời thực. Cũng đã trải qua trăm ngàn cay đắng, tôi tưởng chừng không còn nghị lực, khát khao sống nữa. Nhưng, tôi sẽ không thể nhắm mắt khi biết con mình, cháu mình sẽ sống tiếp kiếp lầm lũi, không được công nhận như mình. Đó sẽ là niềm hối tiếc cuối đời của tôi”.

Công lý trái tim - Người 25 năm không có CMND: Vỡ òa ngày có lại quyền công dân (3)

Ông Thắng và người tình nguyện giúp ông tìm lại được quyền công dân (Ảnh: Hà Nguyễn)

Hối tiếc và luôn đau đớn mỗi khi nghĩ đến việc con cháu phải sống kiếp không có quyền công dân, nhiều lần ông tìm đến các cơ quan công quyền đòi quyền lợi.

“Nhưng khi đến cơ quan công an họ nói đã làm thất lạc giấy CMND thu giữ của tôi khi tôi bị bắt. Căn nhà của cha mẹ của tôi, nơi tôi đã bị cắt khẩu cũng đã bán nên tôi không thể làm lại CMND”, ông Thắng nhớ lại.

“Tôi không hiểu biết về pháp luật, lại mù chữ, nghe nhiều cũng không hiểu nên họ giải thích một câu ngắn gọn tôi không đủ cơ sở nên không thể làm lại giấy tờ”, ông cho biết thêm.

Xin nhiều lần để rồi thất vọng nhiều lần, bất đắc dĩ, ông chấp nhận kiếp làm “con ma” vất vưởng giữa đời thực. Thế nhưng, mỗi lần nghĩ đến 2 đứa con phải dùng giấy tờ giả, kết hôn chui, có con nhưng không thể làm giấy khai sinh… lòng ông lại quặn thắt. Ông lại đến công an xin cấp giấy để rồi thất thểu ra về.

Ông Thắng từng nghĩ đời mình coi như bỏ nhưng còn đó 3 cuộc đời cần phải thay đổi số phận. Nghĩ đến đó, ông lại tích góp, nhịn đói, dành chút tiền từ việc nhặt xác, bốc mộ… để đi “mua” phương án làm giấy tờ từ mọi người. Nhưng, tiền cứ hết, việc mãi cũng không xong.

“Ai chỉ tôi, tôi cũng nghe theo rồi nhờ người viết đơn gửi lên cơ quan này cơ quan nọ. Gần như mỗi lúc rảnh rỗi, tôi lại lên công an hỏi việc làm giấy. Đi nhiều đến nỗi, cán bộ thấy tôi phiền quá nên tức tối chửi mắng, đuổi tôi về”, ông Thắng giãi bày.

Vỡ òa ngày có lại quyền công dân

Giữa lúc chết cạn mọi hy vọng, ông gặp được người đem lại cho mình chút niềm tin, cơ hội trở thành một công dân đúng nghĩa. Sau một ngày cật lực đổ cát làm nền nhà, ông được một người bạn của chủ nhà mời ngủ lại qua đêm. Ông kiên quyết cự tuyệt và chấp nhận đi bộ về nghĩa địa dù đường rất xa.

Quá tò mò, anh này hỏi ông già khắc khổ nguyên nhân không dám ngủ lại. Như được dịp trút bầu tâm sự, ông giãi bày nỗi đau 25 năm bị tước bỏ quyền công dân.

Ông nhớ lại: “Tôi kể ra không có ý định tìm người giúp đỡ mà chỉ để giải bày tâm sự. Lúc này, tôi gần như đã buông xuôi hy vọng có lại giấy CMND. Tôi chỉ ao ước có được giấy CMND để xin đi làm thuê dễ hơn, không bị người ta đuổi, không bị dòm ngó nữa.

Có giấy, tôi cũng dễ xin nhập hộ khẩu, xin cho hai đứa con có giấy tờ, cho chúng nó lập gia đình đàng hoàng, đứa cháu sắp sinh của tôi cũng được làm giấy khai sinh. May mắn cho tôi, anh này cũng có mẹ từng bị hàm oan và có thời gian vất vả kêu oan cho mẹ. Thế nên, nghe tôi kể, anh ta hứa sẽ giúp tôi việc xin làm lại giấy tờ”.

Ngay hôm sau, ông theo ân nhân mới quen biết của mình đến các cơ quan công quyền, nộp đơn xin cứu xét. Sau nhiều tháng ngày mỏi mòn chờ đợi, cuối cùng, ông cũng nhận được thông tin phản hồi tích cực.

Giữa tháng 1/2017, những “quả ngọt” đầu tiên trong hành trình 25 năm kiếm tìm quyền công dân của ông cũng bắt đầu xuất hiện.

Ngày 16/1, ông được Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) cấp sổ hộ khẩu. Đây là hộ khẩu ghép, do ông đứng tên chủ hộ, có địa chỉ tại phường 17 (quận Gò Vấp, TP.HCM). Cuối năm 2016, Đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM đề nghị ông Thắng cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan để xem xét.

Ngày 18/10/2016, VKSND TP.HCM cũng mời ông Thắng làm việc. Thông qua buổi làm việc, đơn vị này khẳng định sẽ gấp rút xem xét và sẽ sớm có câu trả lời về yêu cầu của ông. Ngày 21/3/2017, ông Thắng nhận được thẻ căn cước công dân từ Công an quận Gò Vấp, kết thúc 25 năm sống chui nhủi, tủi nhục vì không có giấy tờ.

Cấp lại thẻ căn cước là điều bình thường

Để xác định trách nhiệm cơ quan chức năng trong việc công dân trong 25 năm không được thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật, PV đã liện hệ với Công an TP.HCM. Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, PV nên liên hệ với Công an quận Gò Vấp để đơn vị này xem xét vụ án này như thế nào.

Trong khi đó, đại diện Công an quận Gò Vấp cho biết: “Nếu ông Thắng bị tình nghi giết người thì không phải do công an cấp quận thụ lý mà do cơ quan điều tra công an thành phố thụ lý. Do đó, chỉ có Công an TP.HCM mới biết được. Hơn nữa, vào thời điểm vụ việc xảy ra, tôi cũng chưa về Công an quận Gò Vấp công tác nên cũng chưa nắm được. Do đó, muốn chắc chắn xem do cơ quan nào thụ lý thì phải hỏi PC44, Công an TP.HCM. Còn nếu ông này có sổ hộ khẩu, đủ điều kiện thì cơ quan chức năng cấp lại cho ông giấy CMND hoặc thẻ căn cước là điều bình thường”.   

Hà Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.