Những ngày gần đây, ông lại tuyên bố đã tìm thấy kho báu của nhà vua yêu nước trên đường rút chạy. Ông đã gửi công văn cho tỉnh Quảng Bình yêu cầu chia 20% tổng kho báu. Dư luận đang không ngừng xôn xao trong những ngày qua, vậy đâu là sự thật đằng sau lời tuyên bố đó?
Ông Nguyễn Hồng Công
Đất đào tìm kho báu lấp cạn cả một con sông!
Có một người đàn ông, mọi người vốn gọi ông là "lão gàn" bởi vì chỉ có người như ông mới dám bỏ quê hương, bỏ vợ con để chạy theo đam mê kho báu của nhà vua suốt gần 30 năm nay. ông chính là Nguyễn Hồng Công (SN 1952) quê quán tại xã Hải Thượng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), thường trú tại 1011 đường Tân Khai, quận Tân Bình, TP.HCM.
Từ năm 1982, ông bắt đầu thường xuyên đi lại vùng đất này rồi cư ngụ tại Đội 4, thôn Đăng Hóa, xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình. Năm 1984, Nguyễn Hồng Công đến đất Hóa Sơn bắt đầu cuộc tìm kiếm kho báu của vua Hàm Nghi. ông vẫn khẳng định là người bỏ ra nhiều công sức tìm hiểu tài liệu và nắm rõ kho báu khổng lồ của vị vua yêu nước.
Cơ sở để ông khẳng định và tìm kiếm là có kho báu thì hoàn toàn không được ông tiết lộ. Tuy nhiên, sau khi nghe ông trình báo các cơ quan chức năng, năm 1987, ông Công được Vụ Bảo tồn - Bảo tàng giới thiệu về kết hợp với tỉnh Bình Trị Thiên để tìm kiếm kho báu mà ông nói trên.
Vào giữa năm 1987, lực lượng tìm kho báu của vua Hàm Nghi được trang bị máy móc và được công an bảo vệ đã lật tung đất Hóa Sơn để tìm kho báu. Những người dân địa phương ở đây được thuê vào làm công, cùng với máy móc khoét núi, mở đường theo sự chỉ dẫn của ông Công. Thế nhưng, đến đầu năm 1988, tiền cạn mà kho báu thì vẫn bặt vô âm tín, một số người tham gia bắt đầu chán nản và bỏ lại mỗi ông Công giữa đại ngàn Trường Sơn.
Đến năm 1989, Bình Trị Thiên được chia làm 3 tỉnh (Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình), ông Công đã xin phép tỉnh Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm kho báu để thỏa chí đam mê. ông bắt đầu huy động vốn khắp mọi nơi quyết lật tung đất Hóa Sơn một lần nữa mong thỏa mộng giàu sang. Có tiền, ông lại thuê dân bản địa đào bới. Thế nhưng, được một thời gian tiền cũng hết, ông lại một mình tự làm.
Cứ thế năm này qua năm khác giấy phép hết hạn ông lại xin gia hạn, chưa có giấy phép cho gia hạn thì cứ thế âm thầm đào bới. ông đào bới đất nhiều đến nỗi năm 1993, một trận lũ lớn đã làm số đất đá mà ông đào lên trôi xuống làm cạn cả một dòng suối. Thế nhưng, ông vẫn không nản chí, ông Công cứ tiếp tục đào. Lão gàn ấy cần mẫn với một sức mạnh kỳ bí, mà người dân Hóa Sơn không thể hiểu nổi. Có người thì nói ông mắc bệnh hoang tưởng!?. Cứ như thế, ròng rã suốt 14 năm trời, Nguyễn Hồng Công ngày một tiến sâu vào lòng núi Hóa Sơn.
Cho đến một ngày (16/6/1997), ông Công đã gửi lên các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình Bản tường trình về việc đã phát hiện được kho báu tại xã Hóa Sơn. Cũng theo ông, đây là bản tường trình cuối cùng.
Bản tường trình được ông Công nêu rõ: "Trong 14 năm tìm kiếm, chi phí tốn 242 triệu đồng (chủ yếu là thời điểm trước năm 1990), số tiền này do tôi vay mượn nên phải trả gấp 20 lần (khoảng 5 tỷ đồng). Bản thân xin được hưởng 10% số tài sản thu được như thỏa thuận nếu không đóng thuế; nếu chịu thuế xin được hưởng 25%. Số tài sản tôi được hưởng sẽ được thanh toán 50% bằng hiện vật, 50% bằng tiền mặt chậm nhất là 50 ngày kể từ khi chuyển về địa điểm tập kết". Thế nhưng, khi đoàn cán bộ liên ngành được cử lên để mở cửa kho báu thì lắc đầu quay về tay không vì không có một dấu vết nào của kho báu được ông Công chỉ ra.
Cuộc tìm kiếm kho báu từ đó lắng xuống và không mấy ai nhắc tới nhiều nữa. Bẵng đi nhiều năm, người ta tưởng ông Công đã chán nản cuộc tìm kiếm kho báu rồi. Có người còn đồn thổi rằng, có thể ông đã dính vào lao lý vì lí do nợ nần nào đó? Nhưng có người lại bảo ông đã chết vì bạo bệnh? Nhưng thực ra ông đã quay lại Minh Hóa để tiếp tục công việc tìm kiếm kho báu vật nơi thâm sơn cùng cốc của dãy Trường Sơn. Để bây giờ ông lại loan tin sắp lấy được kho báu!
Ngày 16/6/2011, ông Nguyễn Hồng Công tiếp tục viết một tờ trình có nội dung: "Qua 14 năm trời ròng rã, suy ngẫm, nghiên cứu, đào bới, tìm kiếm, nay tôi đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi. Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi đã phải trả giá gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. Vậy để đảm bảo được công sức và tiền của đầu tư gần 30 năm qua, tôi đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu, thay vì 10% mà ông Trần Sự (Chủ tịch UBND tỉnh trước đây) ký năm 1989”.
Sự thật về kho báu
Để xác minh lại Bản tường trình của ông Công, ngày 22/6, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn đề nghị UBND huyện Minh Hóa thành lập Đoàn công tác liên ngành cùng UBND xã Hóa Sơn kiểm tra, báo cáo cụ thể tình hình việc tìm kiếm kho báu vua Hàm Nghi tại xã Hóa Sơn theo trình báo của ông Nguyễn Hồng Công. Đề nghị báo cáo kết quả thực tế từ trước đến nay, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5/7/2011.
Cửa vào hang nơi ông Công cho rằng có kho báu
Trước đó, sau nhiều lần nhận được bản tường trình của ông Nguyễn Hồng Công, chính quyền tỉnh Quảng Bình lại vào cuộc cùng với ông Công tìm kiếm kho báu và cũng từng ấy lần mọi người phải ra về trong sự mệt mỏi. Kho báu đâu chẳng thấy chỉ thấy mang theo bệnh sốt rét vàng da về thành phố.
Trả lời với báo chí, ông Đinh Quang Đại, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết: "Khoảng 2 tháng trước, ông Công trở lại xã Hóa Sơn, vào khu đã đào cũ rồi ở lại đó. Thông tin ông ấy tìm thấy kho báu của vua Hàm Nghi là hoàn toàn không chính xác, không có cơ sở gì hết. Những năm trước đây, nhiều lần công an huyện và UBND xã đã cấm, tiến hành xử phạt và khuyên nhủ ông không đào nữa nhưng ông cứ làm. Khi ông đào vùng ngoài thì một lượng lớn đất đá trôi xuống đã làm hư hỏng, bồi lấp một số diện tích ruộng lúa của bà con nên lãnh đạo xã đã mời ông lên làm việc mấy lần nhưng ông không chịu nghe. Lần này ra ông lại không báo gì với địa phương mà lặng lẽ vào đây đào bới".
Trao đổi với PV, ông Hoàng Ngọc Hòa, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: "Chúng tôi đã thành lập đoàn liên ngành đến trực tiếp điểm được ông Công cho là có kho báu nhưng không tìm thấy bất cứ một dấu hiệu gì được cho là có kho báu. Đây không phải là lần đầu tiên ông Công đề cập vấn đề này với UBND tỉnh Quảng Bình mà nhiều lần ông đòi khai thác kho báu và chia phần. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý cụ thể để không thể xảy ra tình trạng này một lần nữa". ông Hòa cũng cho biết thêm: "Chúng tôi cũng nghe nhiều người dân ở đây nói ông Công vốn mắc bệnh hoang tưởng".
Nhiều người nghe được câu chuyện gần 30 năm bỏ quê hương đi tìm kho báu của Nguyễn Hồng Công đã gán cho ông những cái tên như "lão gàn" hay "lão khùng", "dị nhân". Đang sống trong sự náo nhiệt của thành phố, ông đã rũ bỏ mọi thứ để lên chốn thâm sơn cùng cốc của dãy đại ngàn Trường Sơn đã theo đuổi kho báu mà chẳng biết rõ thực hư.
Về kho báu của vua Hàm Nghi, nhiều người vẫn đặt giả thiết rằng, trên đường rút chạy khỏi vòng vây của giặc Pháp, vua Hàm Nghi và các tùy tùng đã kịp mang theo được một khối lượng vàng bạc châu báu khá lớn. Tuy nhiên, những cơ sở khoa học và cơ sở thực tế mà ông Nguyễn Hồng Công đưa ra không đủ thuyết phục để chứng minh là có kho báu của vua Hàm Nghi. Có thể trên con đường rút chạy, kho báu đã được vị vua này cất giấu đâu đó trên dãy đại ngàn Trường Sơn mà cho tới bây giờ nó vẫn còn là một bí mật?
Lê Quyết