Cách chữa bệnh của anh Thu đơn giản lắm. Người ta chẳng thấy anh mổ xẻ gì mà chỉ dùng vài loại lá cây kết hợp với thuật dùng mẹo, anh đã giúp hàng ngàn bệnh nhân gãy xương liền lại như cũ mà trên người không hề có sẹo.
“Kỳ nhân” 6 ngón Vì Xuân Thu.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
"Kỳ nhân" 6 ngón
Đến huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình hỏi về "kỳ nhân" chữa gãy xương Vì Xuân Thu, người dân từ cuối đến đầu huyện đều biết và chỉ đường đến nhà anh Thu cho khách rất nhiệt tình. Người dân nơi đây, ngoài đặt tên cho anh Thu là "kỳ nhân" thì theo họ, anh Thu xứng đáng là “thần y” 6 ngón của bà con dân bản. Với sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm đến nhà của người chữa bệnh đặc biệt này.
Đó là ngôi nhà sàn đơn sơ nằm chênh vênh bên sườn đồi, người đàn ông trẻ tuổi, đôi mắt sắc lẹm, giọng nhẹ nhàng bước ra mời khách vào nhà. Nhìn thấy một bàn tay có 6 ngón, chúng tôi biết chắc đó nhân vật chúng tôi cần tìm. Nói về một bàn tay 6 ngón của mình, anh Thu cho hay: "Hồi mới sinh, bàn tay phải của tôi chỉ xuất hiện một mẩu thịt nhỏ nhô ra. Ngày đó, người ta cho đó là thịt thừa. Với người dân bản, tôi còn có tiếng là "quái thai". Tôi càng lớn thì mầm thịt đó càng dài thêm. Đến bây giờ nó đã dài như một ngón tay cái. Ai cũng bảo tôi là người có 2 ngón tay cái trên 1 bàn tay".
Đối với “kỳ nhân” này, có lẽ cái duyên với nghề đã vận vào đời ông từ những năm lên mười. "Tôi là người đam mê nghề thuốc nam nhất trong tất cả các anh chị em khác trong nhà. Chính vì vậy, bố đã chọn tôi làm người nối truyền. Điều đặc biệt của bài thuốc này là mỗi một đời chỉ được truyền cho một người duy nhất trong nhà. Bài thuốc chữa gãy xương đã được lưu truyền 5 đời nay. Tôi là đời thứ 5", anh Thu cho hay.
"Mổ xẻ" bài thuốc giúp xương lành như cũ
Anh Thu cho chúng tôi biết về bí quyết chữa gãy xương không để lại sẹo của gia đình mình. Khi người bị gãy xương, được người nhà mang tới chữa, họ sẽ phải để chút lễ vật như gói bánh, gói kẹo hoặc vài nghìn đồng để làm lễ. Nếu bệnh nhân chảy nhiều máu, tôi sẽ có biện pháp cầm máu ngay. Thảo dược hữu hiệu nhất chính là cây lông cu li. Lấy lông vàng ở thân gốc cây, đốt thành than, sau đó rắc đều phủ kín vết thương để cầm máu. Trong trường hợp bệnh nhân bị bong gân, giãn gân cần dùng những loại thảo dược như: Củ sả; rau húng chó; lá nát niều; cỏ hôi mèo; lá tát tó; cỏ mềm gân (ên ón); cây sảm huồi; ngọn ngải cứu; ngọn lá dướng; thầu dầu tía... để chữa. Riêng thầu dầu tía, hái ngọn, lá giã sống nát, hòa nước tiểu trẻ em rồi xào chín, vắt lấy nước xoa bóp chỗ đau sẽ rất công hiệu, nó giảm đau nhanh. Bã còn lại trộn lẫn cùng 9 vị thuốc trên giã nát, nướng hoặc xào chín, để nguội rồi đắp vào chỗ đau.
Đối với trường hợp bị đứt gân, tôi dùng những loại biệt dược như: Cỏ ên ón; cây phà hoa đỏ, cỏ xắc mọc để chữa. Cả ba vị này đem rửa sạch, giã nát rồi gói lá chuối nướng chín hoặc xào chín để nguội, sau đó đắp vào vết thương rồi băng lại để một ngày đêm, gân sẽ lành lại. Trước khi thay thuốc mới cần rửa sạch vết thương rồi băng lại. Đắp thuốc liên tục nhiều ngày, bệnh nhân phải nằm im bất động, gân lành như cũ là điều hiển nhiên.
Để giúp cho bệnh nhân không có cảm giác đau khi anh nắn lại xương, anh Thu dùng đến phương pháp "mằn thuốc" (bùa chú thuốc) của người Thái. Khi làm bùa chú, anh Thu rót một chén nước hoặc một chén rượu đầy để làm bùa chú. Cầm chén nước đến hơ qua chỗ xương gãy, sau đó đưa lên miệng để hà hơi phù chú. Theo tiết lộ của anh Thu thì bài mằn này phải đọc cả tên tuổi, tổ tông 4 đời thầy trước đến để cứu giúp. Khi hà hơi xong, thầy thuốc sẽ ngậm một ngụm nước (rượu) rồi dùng phương pháp thổi của người Thái (người Mường cũng dùng phương pháp này) để giúp cho bệnh nhân không còn cảm giác đau đớn. Trong khoảng thời gian ngắn, thầy thuốc sẽ nối lại xương cho người bệnh. Theo anh Thu bật mí, khi đã dùng bùa chú thì đoạn xương gãy mềm nhũn lại, có thể chỉnh, nắn lại xương, khớp rất dễ dàng. Thậm chí việc xương bị gãy và đâm xuyên ra ngoài thì vẫn kéo lại vị trí cũ được.
Công đoạn quan trọng nhất vẫn là việc đắp lá thuốc. Theo anh Thu, bài thuốc chữa gãy xương chủ yếu gồm 5 loại lá. Anh Thu cho biết đó là những loại lá thuốc trong rừng, chỉ biết tên gọi chúng bằng tiếng dân tộc Thái: Lá chó loài (chó loài phú, chó loài mẹ); lá tạp táu; lá gạo; lá hoa sim; lá ên ón. Khi tìm đủ 5 loại lá thuốc, công đoạn đầu tiên là rửa sạch lá, sau đó cho vào cối giã. Khi thuốc đủ nhuyễn mới đổ thêm một chén nước hoặc chén rượu vào chảo, rang đến khi thuốc vừa đủ chín. Lưu ý, không để thuốc bị cháy hoặc nhão quá sẽ làm mất hết các chất của thuốc. Khi thuốc đã đạt chuẩn, ta dùng thuốc đó đắp vào chỗ xương gãy. Cần chú ý để thuốc trải đều trên vùng vết thương để đảm bảo cho thuốc có thể giúp xương lành lặn đều nhau và không để lại sẹo. Đắp thuốc xong thì dùng nẹp để buộc cố định lại đoạn xương gãy. Đắp thuốc khoảng 15 đến 16 tiếng thì thay một lần. Việc đắp thuốc lá này khỏi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của vết thương hoặc theo tuổi tác. Đối với trẻ em và vết thương nhẹ thì chỉ trong vòng 2 đến 3 tuần là xương liền lại như cũ. Với người lớn mà, xương gãy nhiều thì việc điều trị có thể kéo dài khoảng 2 tháng, nhưng vẫn nhanh hơn so với thời gian điều trị tại bệnh viện rất nhiều (tức mổ-PV).
Chữa gãy xương bằng lá thuốc không phải ăn kiêng. Dân gian cho rằng, ăn thịt gà sẽ gây rút xương, teo cơ, ăn rau muống có thể khiến vết thương để lại sẹo. Nhưng với bài chữa gãy xương bằng lá thuốc của thầy Thu thì những thứ đó không ảnh hưởng gì cả. Điều đặc biệt hiệu nghiệm đối với những người đã được chữa khỏi bằng phương pháp đắp thuốc này chính là không để lại di chứng, vết gãy không còn dấu, bên ngoài không sẹo. Khi "trái gió trở trời", vết thương không bị đau nhói.
Gãy hai chân vẫn đi xẻ gỗ bình thường
Mặc dù mới 31 tuổi đời, nhưng anh Thu đã có đến non 20 năm hành nghề thuốc nam. Anh Hà Văn Thành, 26 tuổi, xóm Vắn, thị trấn Mai Châu bị gãy hai chân vẫn được chữa khỏi. Trong một lần xẻ gỗ làm nhà, do sơ ý nên anh đã làm gỗ văng gãy hai ống chân. Tưởng chừng như sẽ phải sống tàn phế suốt đời, thế nhưng khi gia đình đưa anh đến nhờ thầy lang Vì Xuân Thu cứu chữa, thì chỉ trong vòng khoảng 2 tháng sau, anh Thành đã đi xẻ gỗ bình thường. Những công việc nặng nhọc ngày trước anh làm được thì bây giờ cũng vẫn làm được. Một trường hợp khác là anh Hà Văn Tý, xóm Văn, thị trấn Mai Châu bị gãy chân do bị ngã trong một trận đá bóng. Nhưng chỉ sau một tháng chữa trị tại nhà thầy Thu, anh Tý lại ra sân đá bóng bình thường.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Thu bộc bạch: "Tôi không thể nhớ được trong quãng đời làm thầy thuốc của mình đã chữa khỏi cho bao nhiêu người gãy xương trở lại lành lặn. Tôi chỉ nhớ rằng, rất nhiều người ở mọi nơi đến chữa, tôi đều nhiệt tình giúp đỡ. Tôi chưa từ chối ca gãy xương nào và cũng không phân biệt người đó giàu hay nghèo. Chính quyền địa phương rất ủng hộ việc chữa gãy xương cho mọi người của tôi".
Đại diện chính quyền địa phương công nhận "kỳ nhân" có thể chữa lành mọi ca gãy xương Trao đổi với chúng tôi, ông Vì Văn Dăng, trưởng thôn Nà Mèo cho hay, anh Vì Xuân Thu là một thầy thuốc nức tiếng cả Mai Châu, Hòa Bình này. Có rất nhiều người ở khắp nơi tìm đến nhờ thầy lang chữa, nhiều người gãy cả hai chân, xương xuyên ra ngoài da nhưng anh Thu nắn lại được như cũ. Bài thuốc chữa gãy xương của anh cũng hết sức đơn giản, đó chỉ là những lá cây rừng nhưng cực kỳ hiệu nghiệm. Bài thuốc chữa gãy xương này đã được Hội đông y Việt Nam cấp giấy phép chứng nhận bài thuốc chữa bệnh hiệu quả. |
Hoàng Tào