Không ngại tâm sự về công việc được xem là nhạy cảm của mình, chị Nguyễn Thị Trà My kể, năm 2007, khi đang là cán bộ đoàn ở TP Vinh (Nghệ An), chị được một cán bộ y tế phường Hưng Dũng rủ đi phỏng vấn để làm nhân viên cho dự án "Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại cộng đồng" của Life Gap.
Chưa hiểu gì về công việc, nhưng Trà My vẫn thử xem cho biết thế nào. Sau 10 ngày tập huấn và thi cử, bất ngờ chị trúng tuyển với số điểm cao thứ hai trong số hàng chục người dự tuyển. Tạm gác lại công việc của một cán bộ Đoàn, chị sang làm công việc mới.
Chị Trà My được giao nhiệm vụ tiếp xúc với những cô gái bán dâm, nhân viên massage, gội đầu, người nghiện ma túy, nhiễm HIV và cả khách làng chơi ở các địa điểm nhạy cảm của thành phố Vinh để tuyên truyền cho họ về tác hại của HIV, cách phòng tránh và chống lây nhiễm...
Những ngày cuối năm, chị Trà My và đồng nghiệp đang cố gắng kêu gọi những cô gái đang làm nghề nhạy cảm đi xét nghiệm.
Ban đầu chị phải nhờ người đưa đến quán cà phê trá hình, các điểm cắt tóc đèn mờ để uống cà phê, cắt tóc rồi làm quen với nhân viên. Khi chiếm được thiện cảm của họ, chị bắt đầu giới thiệu về bản thân cũng như những tài liệu truyền thông. Một số cô nghe nói vậy tưởng chị là "công an mật" vội vàng bỏ đi. Lúc đó chị đành để lại tập tài liệu về HIV/AIDS cùng mấy hộp bao cao su và số điện thoại rồi lặng lẽ ra về.
Một số cô nghe chị Trà My tuyên truyền liền hỏi lại "Chị có phải làm nghề bán thân như bọn em đâu mà biết?" hay "Chị đã nhiễm HIV hay chưa mà nói chuyện như người bị nhiễm vậy?"... Không thanh minh mình hoàn toàn khỏe mạnh, Trà My chỉ cười nhỏ nhẹ và đặt lại câu hỏi: "Nếu các em đi khách mà không dùng bao cao su, lỡ mang bệnh thì ai là người khổ nhất, nếu mang thai thì bà chủ đuổi việc, các em phải làm sao...". Mưa dầm thấm lâu, những cô gái dần hiểu được công việc của Trà My và lặng lẽ tiếp thu.
Không chỉ tuyên truyền về tác hại của HIV, tác dụng của bao cao su đối với gái bán dâm, chị Trà My còn động viên họ sớm hoàn lương, tìm công việc khác. Năm 2009, trong lần đi tiếp xúc với gái bán dâm ở khu vực bến xe Vinh, Trà My quen với một phụ nữ trẻ đẹp, nói giọng Thanh Hóa đang có tâm trạng buồn chán. Sau 2 tuần kiên trì làm quen, người phụ nữ tâm sự chuyện chồng nghiện hút và chết vì nhiễm HIV. Quá sợ hãi, cô không dám đi xét nghiệm đành gửi con cho bà ngoại rồi vào Vinh kiếm kế sinh nhai.
Bằng sự khéo léo, chị Trà My đã thuyết phục người phụ nữ Thanh Hóa đi xét nghiệm. Cầm tờ giấy với kết quả âm tính, cô gái mừng đến phát khóc nhưng cũng không định liệu được tương lai đi đâu về đâu. Chính chị Trà My và đồng nghiệp đã động viên cô gái trở về quê với con nhỏ, tìm kiếm hạnh phúc mới. Hơn một năm sau, cô gái vui mừng thông báo đã tìm được người đàn ông tin cậy và đang mở quán ăn sáng tại nhà. Cuộc sống của họ dù vất vả, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.
Dù đã lên chức tổ trưởng nhưng thu nhập của chị chưa đến 2 triệu đồng.
Hàng đêm khi phố xá lên đèn, chị Trà My và đồng nghiệp lại lầm lũi xuống phố, đi đến những tụ điểm nhạy cảm để gặp gỡ gái mại dâm. Rất nhiều lần chị và những người bạn bị hiểu nhầm là gái làng chơi. "Có hôm đang đi ở vườn cây Tam giác quỷ, một gã chạy xe máy đến hỏi hai trăm, tàu nhanh không em, anh mở hàng... Lúc đó mình ngượng đến chín mặt...", chị Trà My nhớ lại.
Nhiều lần chị Trà My bị cảnh sát đưa về đồn trong những chiến dịch truy quét gái mại dâm. Lần khác, chị bị các Tú Ông, Tú Bà và những tay chăn gái dọa đánh vì "dám cướp mối làm ăn" của họ. Một số trường hợp chị gọi được cảnh sát, còn lại chị được chính những cô gái mại dâm giải cứu.
Bên cạnh những gái bán dâm, chị Trà My và đồng nghiệp còn có nhiệm vụ tiếp xúc với người đã nhiễm HIV và nhóm người có nguy cơ cao để tuyên truyền cho họ cách phòng tránh lây nhiễm, các địa điểm xét nghiệm, phác đồ điều trị ARV... Hầu hết người nhiễm HIV bị cộng đồng kỳ thị và luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti với số phận, nhiều người muốn tìm đến cái chết vì họ nghĩ "sống cũng chẳng để làm gì, chỉ làm khổ người thân", số khác lại có tâm lý chán nản, sẵn sàng trả thù đời...
Năm 2010, tại con ngõ nhỏ ở TP Vinh, nhiều người bàn tán về một cặp vợ chồng nhiễm HIV. Cô vợ ngày ngày đi chợ, vẫn nghe nhiều người nói bóng gió nhưng không hiểu chuyện gì. Đến khi chồng mình đổ bệnh và qua đời vì HIV, cô vợ mới ngỡ ngàng vì lâu nay bà con đang bàn tán mình. Trong đau đớn, cô định tìm đến cái chết vì nghĩ rằng cả hai mẹ con đều bị lây bệnh từ chồng và trước sau gì cũng chết. Nghe được câu chuyện này, chị Trà My tìm đến động viên và khuyên hai mẹ con đi xét nghiệm.
Không quá bất ngờ vì kết quả dương tính của mình, nhưng khi biết con trai không nhiễm bệnh, người mẹ tội nghiệp ôm chầm lấy con và quyết tâm chữa bệnh, điều trị ARV theo tư vấn của chị Trà My để sống nốt những ngày cuối cuộc đời thật ý nghĩa.
Sau hơn 5 năm gắn bó với người bị nhiễm HIV và những cô gái mại dâm, hiện chị Trà My được cân nhắc làm tổ trưởng tổ 3. Hàng tuần, tổ của chị phải tiếp xúc 10-12 "khách hàng" là người có nguy cơ cao để tuyên truyền, vận động họ đến xét nghiệm. Đồng thời, các chị còn phải thường xuyên gặp gỡ, nắm tâm tư nguyện vọng của những người có kết quả dương tính sau khi xét nghiệm để giúp họ có được phác đồ điều trị hiệu quả, tránh lây nhiễm cộng đồng.
Dù là tổ trưởng nhưng mức lương của chị Trà My hiện chưa đến 2 triệu đồng. Nhiều tháng số tiền ấy chưa đủ xăng xe để đưa "khách hàng" đi xét nghiệm và thăm hỏi người mình đang theo dõi bị ốm đau. Nhiều người thân khuyên chị bỏ nghề tư vấn viên nhưng vì sự đam mê, chị vẫn tiếp tục.
"Mỗi lần gặp gỡ, tư vấn cho một ai đó trong nhóm người có nguy cơ cao, chúng tôi thấy được ánh mắt hy vọng và tin tưởng ở họ nên không ai nỡ bỏ dở. Điều quan trọng nhất của những người làm nghề như chúng tôi không phải là mức thu nhập mà là hiệu quả công việc. Nghĩ đến những cô gái mại dâm được mình tư vấn đã thay đổi thái độ với cuộc sống, từ bỏ nghề, nghĩ đến người nhiễm HIV đã tự tin hơn trước cuộc sống, không còn tự ti, chúng tôi lại không dám nhảy việc...", chị Trà My tâm sự.
Theo VNE