Băn khoăn nhất là thị trường thuốc
Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày 31/10. Việc người dân phải mua thuốc ngoài khi cơ sở y tế hết thuốc, thông tuyến bảo hiểm, bổ sung thanh toán cho người bệnh trong các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế… cũng nhận được sự quan tâm của các ĐBQH khi góp ý vào dự thảo luật này.
Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, từ thực tiễn khám chữa bệnh BHYT của người dân thời gian qua, một số cơ quan chuyên môn đã tham gia ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
"Điều chúng tôi băn khoăn nhất là thị trường thuốc, thuốc có thể không thiếu nhưng thuốc trong danh mục BHYT khi người bệnh đến khám đôi khi vài trường hợp lại không có để điều trị theo đúng đơn thuốc, đúng theo phác đồ điều trị", bà Sửu nêu.
Trong trường hợp theo thẻ BHYT, kể cả cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc cho bệnh nhân nhưng buộc bệnh nhân cần phải có thuốc để điều trị thì cần phải tạo điều kiện cho bệnh nhân tìm nguồn thuốc, mua thuốc điều trị trên cơ sở kê đơn, chỉ định của bác sĩ.
Nhưng điều bà Sửu lo lắng đó là "mua thuốc ở đâu?". Bởi, người bệnh vẫn sẽ có nguy cơ mua phải thuốc không đảm bảo chất lượng và bà đặt câu hỏi "ai sẽ chịu trách nhiệm?".
Bà Sửu cũng tiếp tục nêu thắc mắc: "Những danh mục thuốc được kê theo đơn cho bệnh nhân thì ở ngoài thị trường vẫn có thuốc, nhưng tại sao trong cơ sở khám chữa bệnh lại thiếu?".
Do đó, bà Sửu cho rằng, trong trường hợp này cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước, Chính phủ và cần có sự giám sát của cơ quan chuyên môn là ngành y tế.
Kịp thời tham mưu, hướng dẫn cho các cơ sở y tế ở các địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh để điều chuyển những nguồn thuốc, để người bệnh được kê đơn, cấp thuốc đúng theo tình trạng bệnh lý mà người bệnh mắc phải nằm trong danh mục được hưởng chế độ BHYT.
Thêm nữa, quá trình đấu thầu thuốc cũng cần lượng trước những danh mục thuốc cần thiết cho nhóm bệnh ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để chủ động cung ứng.
Ngoài ra, bà Sửu cho rằng, trong Luật BHYT sửa đổi, quy định thông tuyến là phù hợp. Quan điểm người dân đóng BHYT và hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh cần được đối xử như nhau.
Nữ đại biểu cho rằng đã có thẻ BHYT thì không tính đến việc phân cấp khám chữa bệnh nữa mà cần liên thông toàn quốc, linh hoạt đối với những trường hợp người dân không kịp quay về nơi đăng ký ban đầu để sử dụng thẻ BHYT.
Tiêu chí cấp thẻ BHYT sử dụng cho mục đích chăm sóc sức khỏe người dân ở nhiều tuyến khác nhau phải phù hợp với điều kiện công tác, di chuyển và tình trạng sức khỏe, thì giá trị của thẻ BHYT mới phát huy được.
Bà Sửu cũng cho rằng, quy định về sử dụng thẻ BHYT là phải khám ngay tại nơi đăng ký, địa phương mình sinh sống gây cản trở nhiều chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người bệnh.
Người dân tham gia BHYT đăng ký địa điểm khám, chữa bệnh theo nhu cầu. Thậm chí, địa phương cần phân nhiều khu vực để đăng ký, có sự phân luồng trách nhiệm với các cơ sở y tế.
Giảm tải cho tuyến chuyên sâu
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, trước đây, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong xin giấy chuyển viện, chuyển tuyến. Trong dự thảo Luật lần này, vấn đề này đã được tháo gỡ; đưa ra những điểm phù hợp.
Trong dự thảo Luật cũng quy định mức được hưởng của người có thẻ BHYT khi chuyển cấp khám chữa bệnh, kế thừa quy định chuyển tuyến khám chữa bệnh trước đây với chuyển bệnh nhân giữa các cấp khám chữa bệnh mới hiện nay.
"Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh nhưng cũng cần cân nhắc phát triển hệ thống khám chữa bệnh cơ bản", bà Hà chia sẻ.
Như với các cấp ban đầu, nơi khám chữa bệnh cơ bản cần phải nâng cao và củng cố đội ngũ nhân lực, trang thiết bị.
Ở cấp cơ bản, cấp ban đầu, điều trị bệnh phù hợp với trình độ chuyên môn… để người bệnh được tạo điều kiện tốt nhất giảm tải cho tuyến chuyên sâu.
Vì vậy, cần phát triển tuyến ban đầu. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu và có hiệu lực từ 1/1/2024, Luật đã được thảo luận và sửa đổi trên cơ sở thực tiễn, giải quyết những vấn đề đấu thầu, mua sắm thuốc tại cơ sở công lập.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22 về thanh toán trong trường hợp thiếu thuốc, đó là thanh toán thuốc hiếm và có hiệu lực từ 1/1/2025. Các điều kiện này cơ bản giải quyết căn cơ, đảm bảo đủ thuốc vật tư tiêu hao tại cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, Chính phủ giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn có giải pháp, phương án đảm bảo đủ thuốc, vật tư tiêu hao khi tới khám chữa bệnh tại cơ sở.
Bên cạnh đó, địa phương cần ban hành cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn tiễn để khi triển khai mua sắm có hiệu quả.
Đồng thời, các đơn vị cần xây dựng quy trình mua sắm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận trong quá trình mua sắm đó.
Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT
Trước đó, tham gia ý kiến tại nghị trường, ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết, trong tình hình hiện tại, tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự mua, ảnh hưởng tới quyền lợi, tài chính cá nhân của người bệnh.
Đại biểu đề xuất bổ sung Điều 43 của Luật Bảo hiểm y tế quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế cần thiết cho người bệnh bảo hiểm y tế. Nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện. Quy định này giúp đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ngay tại cơ sở y tế, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý chi phí.