Chỉ là lời đồn thổi?
Sau gần một tuần tìm mua loại thuốc Profital, ông Phạm Văn C., (54 tuổi, ngụ quận Tân Bình, tìm mua thuốc chữa bệnh cho con bị nhiễm HIV), cho hay: “Nghe người thân nhắn tin bảo loại thuốc Profital có bán tại Việt Nam, tôi liền chạy đi tìm mua ngay. Tuy nhiên, tìm kiếm cả tuần nay nhưng vẫn không có. Bây giờ, tôi đặt hoài nghi về loại thuốc này, chắc hẳn những lời đồn thổi thời gian qua chỉ là giả tạo của những những kẻ có ý đồ xấu”.
Một bệnh nhân nhiễm HIV đang chờ người thân mua thuốc để chữa bệnh.
Chị Lê Thị Thùy Trang, thành viên tổ chức chống nhiễm HIV TP.HCM, cho biết: “Chỉ những loại thuốc được công bố chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới có giá trị, còn tất cả các công bố kiểu này chỉ mang tính tham khảo. Mọi người đang tìm mua loại thuốc này cần hết sức chú ý, bởi những thông tin trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng Việt Nam xác nhận có lưu hành”.
Anh Trần V.T., sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay: Thời quan qua đã có những lúc mà nhiều người rầm rộ truyền tai nhau trường hợp người đầu tiên chữa khỏi HIV bằng thuốc, đó là thông tin không chính xác. Bởi nhiều người cho biết đã dò hỏi nhiều bác sĩ, chuyên gia về thuốc tây nhưng không ai khẳng định thông tin trên là chính xác và đưa ra lời khuyên không nên bỏ tiền bạc, công thuốc tìm kiếm loại thuốc trên để chữa bệnh HIV.
Theo bà Phạm Chi, Hội bảo vệ người nhiễm HIV TP.HCM, những thông tin lạc quan về loại thuốc chữa dứt điểm bệnh HIV/AIDS khi được đưa kịp thời đến người dân đều rất tốt và mang lại niềm lạc quan hy vọng cho những người có H nhưng phải rất cẩn trọng. Với những người trong lĩnh vực nguyên cứu thì đều biết nhiều thông tin về các nhà khoa học nghiên cứu về thuốc phòng chống, thuốc chữa, điều trị HIV và có nhiều đề tài nghiên cứu thành công với một số nhóm nhỏ người tình nguyện. Nhưng không thể mang ra công bố cho số đông được. Kể cả trong trường hợp đã tìm được thuốc chữa thực sự thì phải hiểu rằng nếu nguyên cứu thành công ở nước ngoài thì cũng cần thời gian dài mới mang về Việt Nam được. Không phải cứ nước ngoài chữa được là Việt Nam sẽ chữa được ngay. Hy vọng người dân phải hoàn toàn tỉnh táo trước những thông tin được người dân đồn thổi thế này…
Gia tăng cán bộ, viên chức nhiễm HIV
Cơ quan chức năng rất khó tiếp cận nhóm người nhiễm HIV là cán bộ, viên chức vì họ “ngại” lộ diện và đây chính là nguồn lây nhiễm lớn ra cộng đồng. Ông Chu Quốc Ân, phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế cho biết, sau 20 năm đương đầu với HIV/AIDS, cho dù Việt Nam đã đạt được “3 giảm” (giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do AIDS) nhưng dịch HIV vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta và chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ bùng nổ dịch ở một số địa phương.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tính đến 31/3/2012, cả nước ghi nhận 201.134 trường hợp nhiễm HIV hiện đang còn sống, trong đó 57.733 bệnh nhân AIDS và từ năm 1990 đến nay, Việt Nam đã có 61.579 người tử vong do AIDS. So sánh với cùng kỳ năm 2011, số trường hợp được xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và được báo cáo trong quý I/2012 giảm hơn 1.000 trường hợp, số bệnh nhân AIDS giảm 760 trường hợp và số người tử vong do AIDS giảm hơn 200 trường hợp.
Đứng đầu trong “top 10” tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất cả nước là TP.Hồ Chí Minh (48.917), tiếp đó lần lượt là: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La, Nghệ An, Đồng Nai, Điện Biên, Thanh Hóa và An Giang. Về địa bàn phân bố dịch: Toàn quốc đã phát hiện được số người nhiễm HIV ở 78% xã/phường, gần 90% quận/huyện và 63/63 tỉnh/thành.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ người nhiễm HIV có độ tuổi từ 30 – 39 đang có xu hướng gia tăng, tỷ lệ nữ nhiễm HIV ngày một nhiều hơn so với trước đây và số người lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn ngày càng chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với các “con đường” khác.
Đặc biệt, tỷ lệ người nhiễm HIV là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước đang gia tăng đáng kể, tuy nhiên, nhóm người này rất khó tiếp cận và không muốn “lộ diện”.
Thắng Lợi - Khánh Nguyên