Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và
d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Như vậy, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn thì vẫn có thể đăng ký kết hôn theo quy định được trích dẫn ở trên.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 17, Bộ luật dân sự năm 2005). Nếu năng lực pháp luật dân sự là tiền đề, là quyền dân sự của mỗi chủ thể thì năng lực hành vi dân sự là khả năng hành động của chính chủ thể để thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao hàm cả năng lực tự chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự là hai thuộc tính tạo thành tư cách chủ thể độc lập của cá nhân trong các quan hệ dân sự.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân không giống nhau mà phụ thuộc vào lứa tuổi, thể chất của mỗi cá nhân vì những cá nhân khác nhau, có nhận thức khác nhau về hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về năng lực hành vi dân sự của người thành niên và năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên như sau:
Đối với người thành niên:
Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Theo quy định của pháp luật dân sự: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Mất năng lực hành vi dân sự là trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, nếu có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.
Hạn chế năng lực hành vi dân sự là trường hợp người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì có thể bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan.
Đối với người chưa thành niên:
Người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự.
Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Minh Hoa (t/h)