Mới đây, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp một phụ nữ hơn 40 tuổi (Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, sợ nước, sợ gió.
Qua khai thác từ người nhà bệnh nhân được biết, người phụ nữ này làm nghề kinh doanh, buôn bán thịt chó.
Cách đây hơn 1 tháng, trong khi đang bắt chó ở lồng để làm thịt, chị bất ngờ bị một con chó khác cắn vào chân.
Khoảng 40 ngày sau, người phụ nữ này lên cơn dại. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 4/3. Tuy nhiên, tối cùng ngày bệnh nhân đã lên cơn dại và tử vong.
Theo BS.Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2018 đến nay, phía Bệnh viện đã tiếp nhận thêm 2 trường hợp nữa bị chó dại cắn nhưng đều chủ quan không tiêm phòng.
Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân 60 tuổi ở Nghệ An. Bệnh nhân này sau khi bị chó dại cắn khoảng hơn 1 tháng thì lên cơn dại và phải nhập viện. Trước đó sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chủ quan nghĩ chó ốm nên không tiêm phòng dù 6 ngày sau khi bị chó cắn, con chó đã chết.
5 ngày sau khi chuyển tới bệnh viện, dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân lên cơn dại, hấp hối nên gia đình đã xin về.
Thêm trường hợp nữa là nam bệnh nhân 44 tuổi ở Tuyên Quang bị chó dại cắn vào tay, khoảng 2 tháng sau phát bệnh.
Cũng giống như những trường hợp trên, bệnh nhân cũng chủ quan, không theo dõi con chó đã cắn mình nên cũng không đi tiêm phòng. Bệnh nhân cũng đã không qua khỏi sau khi lên cơn dại.
“Ngay sau khi bị chó cắn, nên nhanh chóng cách ly con chó đã cắn người ra một khu vực khác và nhốt lại để theo dõi. Không nên đánh đập và tìm cách bắt giữ nó ngay lúc đó vì có thể nó sẽ cắn thêm nhiều người nữa trong lúc bị đuổi bắt. Trong trường hợp bị chó cắn, cần theo dõi con chó trong vòng 10 ngày. Nếu qua thời gian này con chó chết và có biểu hiện bất thường như trên cần phải tiêm phòng vắc - xin dại ngay”, BS.Cấp khuyến cáo.
Đồng thời, BS.Cấp cũng trao đổi thêm, với những người thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo (giết mổ chó mèo, nhân viên thú y...) nên tiêm phòng vắc-xin dại để dự phòng các nguy cơ.
Nguyễn Huệ