Người cả đời gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa

Người cả đời gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ 2, 11/02/2013 08:35

Trong suốt 40 năm qua, ông không nhớ chính xác mình đã tiếp xúc và gặp gỡ với bao nhiêu con người, tiếp cận với bao nhiêu hiện vật liên quan đến việc chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ông được nhiều người biết đến là một nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam với công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.

Khóc cùng các bô lão

Năm 1966, các thế hệ sinh viên yêu nước ở Sài Gòn có nhiều hoạt động bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ. Theo cách riêng của mình, chàng thanh niên 27 tuổi Nguyễn Nhã có cách riêng để bày tỏ lòng yêu nước của những người học và nghiên cứu lịch sử. Năm đó, Sài Gòn chứng kiến sự ra đời của Tập San Sử Địa mà người chủ trương là một chàng thanh niên vừa tốt nghiệp hai trường đại học: Sư phạm và Văn khoa. Chín năm sau (20/1/1975), cũng chính người thanh niên ấy tổ chức một triển lãm tại Thư viện Quốc gia, kỷ niệm một năm ngày "biến cố Hoàng Sa", trưng bày tất cả tài liệu, hình ảnh thể hiện chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.

TS. Nguyễn Nhã chia sẻ, lần đầu tiên đi vào con đường học thuật ông đang làm chủ tịch nhóm Sử Địa đại học Sư phạm Sài Gòn, có tổ chức các buổi diễn thuyết về Sử Địa. Trong một lần diễn thuyết, nhóm có mời GS. Nguyễn Đăng Thục nói chuyện về ý thức dân tộc. Chính dịp đó, ông đã gặp ông giám đốc Nhà sách Khai Trí. Ông Nguyễn Hùng Trương thấy cuốn nội san Tin Sử Địa do nhóm sinh viên Sử Địa chủ trương, khen hay nên đưa ra gợi ý  về việc hỗ trợ  in, xuất bản tờ tạp san nghiên cứu về sử địa. Chính những cuộc gặp đó đã thôi thúc ông và các cộng sự cho ra đời Tập San Sử Địa vào năm 1966.

Xã hội - Người cả đời gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa

TS. Nguyễn Nhã kể lại: "Mùng 3 Tết năm 1974, khi tôi đi chúc Tết GS. Nguễn Đăng Thục, người từng giúp tôi tổ chức buổi diễn thuyết tại hội trường Trường Quốc gia Âm nhạc, tôi được nghe tin trên các phương tiện truyền thanh là Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa. Sau buổi đó, tôi họp ban biên tập lại. Có nhiều anh em ý kiến Tập San Sử Địa là tờ nghiên cứu học thuật có uy tín nếu làm về vấn đề mang tính thời sự chính trị trên thì sẽ làm mất tính chuyên môn học thuật của mình mà lại làm không ra gì thì ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo nghiên cứu". Sau nhiều ý kiến, Chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Nhã càng quyết tâm làm chuyên đề về Hoàng Sa. Ông Nhã đã thảo thư mời cộng tác, đến các giáo sư, nhà nghiên cứu uy tín để mời viết bài cho số đặc biệt của tập san này. Khá bất ngờ, ngay sau ba tháng gửi thư mời, hàng loạt các bài viết chất lượng đã được chuyển về nhóm biên tập. Đặc biệt, có nhiều bài viết của GS. Hoàng Xuân Hãn gửi từ Paris, các bài viết của Lãng Hồ - Nguyễn Khắc Kham từ Nhật Bản, Quốc Tuấn từ Ấn Độ gửi về với các cơ sở, cứ liệu lịch sử khoa học và thuyết phục.

Ngày 20/1/1975, Tập san Sử Địa do ông chủ trương đã ra mắt số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tổ chức cuộc triển lãm "Sử liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa" tại Sài Gòn. TS. Nguyễn Nhã  kể: "Chúng tôi thực sự xúc động vì thấy rất nhiều học giả cũng đang bức xúc với vấn đề này. Chỉ sau ba tháng, chúng tôi đã có đủ bài vở rồi. Chúng tôi đã thành lập nhóm thư tịch để phân tích tất cả các bài viết từ trước đến giờ. Mọi người đều làm việc một cách thận trọng với từng bài viết đi tìm sự thật".

Cuốn đặc khảo được in với 350 trang, phát hành 5.000 cuốn, giá 980 đồng, giá cao kỷ lục của tạp chí hồi đó. Các công sở mua phải trả giá gấp đôi vì họ trả chậm. Nhà sách Khai Trí mua đứt 1.000 cuốn, hai nhà phát hành khác là Nam Cường và Đồng Nai mua tổng cộng 2.000 cuốn trả chậm, còn lại là các đại lý nhận mua. Nguyễn Nhã là người chủ biên đặc san Sử Địa, mặc dù đặc san ba tháng ra một số nhưng ít khi ông trực tiếp viết bài. Riêng số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, một mình Nguyễn Nhã đã chấp bút viết tới 4 bài, là điều chưa từng xảy ra. Nguyễn Nhã khi ấy mới 36 tuổi.

Không chỉ là người chủ biên cho ra đời cuốn đặc khảo về Hoàng Sa, ông còn là người tổ chức buổi triển lãm trưng bày sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời phát hành luôn tập san số 29 đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa. Buổi triển lãm diễn ra tại thư viện Tổng hợp (TP. HCM), với vai trò trưởng ban tổ chức, TS. Nguyễn Nhã đã mời 5 vị bô lão từ 80 đến 90 tuổi. Trong đó, có Á Nam Trần Tuấn Khải, cụ Ba Liệu... "Trong tâm trí tôi, hình ảnh các bô lão khăn the áo xếp, hương án trịnh trọng trong buổi triển lãm và những lời phát biểu đầy giục giã của các vị bô lão về chủ quyền dân tộc đã khiến tôi bật khóc", TS. Nhã kể lại.

Xã hội - Người cả đời gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa (Hình 2).

Hình ảnh các bô lão trong buổi triển lãm

Quyết đi đến cùng của sự thật

Không chỉ là một trong những người tiên phong nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa những năm 1970, đến 18/1/2003, tức là 29 năm ngày "biến cố Hoàng Sa", chàng thanh niên ngày xưa trình trước hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường đại học KHXH&NV  TP. HCM đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Lý luận của TS. Nhã trong luận án của mình chặt chẽ đến mức TS. Trần Đức Cường trong bài nhận xét của mình đã viết: "Tác giả đã sử dụng thành công phương pháp lịch sử và logic để nêu lên các luận điểm, luận cứ nhằm chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cách lập luận của tác giả rất có sức thuyết phục. Việc sử dụng nhiều tài liệu của Trung Quốc để nêu rõ về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, chứ không phải của Trung Quốc tỏ ra có hiệu quả...".

Những lập luận logic đó của ông được đúc kết bằng rất nhiều chuyến đi thực tế…, những ngày lọ mọ trong các thư viện với những cuốn sách, tài liệu xuất bản đã hàng trăm năm. Đặc biệt, ông nhớ nhất những lần đi điền dã đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gặp tộc họ Phạm Văn, gặp những hậu duệ của suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người năm xưa dẫn đầu hải đội Hoàng Sa của nhà Nguyễn ra cắm mốc, đo đạc thủy trình. Số lần ông đến đây và được tiếp xúc với hậu duệ của các dòng họ có tổ tiên tham gia vào đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải ở phía Nam (Trường Sa) hoặc hậu duệ của những chỉ huy thủy quân triều Nguyễn sau này gốc Lý Sơn như suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, khiến cho ông được mọi người coi như một công dân của huyện đảo Lý Sơn.

Ông Nhã nhấn mạnh: "Lịch sử rất công minh và nghiêm khắc đối với bất cứ ai, kể cả người viết sử. Người viết sử mà viết sai thì hậu thế sẽ phê phán. Phương pháp của tôi là phê khảo tài liệu. Đây là một bước quan trọng. Phải áp dụng một số phương pháp nghiên cứu sử học để phê khảo tài liệu. Ngay cả những tài liệu của chính sử cũng phải tìm tài liệu cấp I. Người nghiên cứu phải khách quan, không thiên lệch".

Không chỉ khảo cứu các tài liệu, trực tiếp điền dã để thu thập các chứng cứ lịch sử, ông còn miệt mài đi đến bất cứ đâu để nói chuyện về Hoàng Sa của Việt Nam. Ông tâm sự: "Trong chuyến đi Mỹ vào giữa năm 2012, tại trường đại học Harvard, tôi đã giới thiệu với các bạn nhiều tài liệu về vấn đề biển Đông. Khi được hỏi về cảm xúc của tôi khi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông bị xâm phạm, một lần nữa, tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi nói với các vị đại biểu, các nhà khoa học quốc tế rằng, câu hỏi  của  một vị nữ giáo sư ở trường đại học Harvard về biến cố năm 1974  là xoáy vào nỗi đau của tôi. Là công dân của một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể bàn cãi về Hoàng Sa và Trường Sa". TS. Nguyễn Nhã tin tưởng cho rằng: "Sự thật và chân lý luôn là sức mạnh. Dư luận luôn đứng về phía chính nghĩa". Ông bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ và quan tâm của bạn bè quốc tế trước cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi, đó là sự thật không thể chối cãi.          

 TS. Nguyễn Nhã cho biết: "Trong sách "Hội Điển" (Sách ghi lại những pháp luật, lễ nghi của triều đình phong kiến - PV) có ghi về sự kiện Phạm Hữu Nhật dẫn đầu đoàn thủy quân ra cắm mốc chủ quyền (1836) đã trở thành lệ hàng năm. Không chỉ đóng góp vào lực lượng kể cả chỉ huy thủy quân triều Nguyễn mà trước đó thời Chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX , hàng năm từ ngày 19 rạng ngày 20 tháng 2 (âm lịch), người dân  Lý Sơn lại tổ chức một ngày lễ Khoa lề thế lính Hoàng Sa, trở thành lệ hàng năm ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đặc biệt, dưới góc độ chuyên môn của các nhà nghiên cứu, các châu bản, hội điển, luật lệ ở triều đình, các văn bản như tờ lệnh ở địa phương thể hiện tính Nhà nước về sự chiếm hữu thật sự của Việt Nam trước năm 1909, khi chính quyền Quảng Đông cho Hoàng Sa là đất vô chủ để có hành động tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Đó là một trong những cơ sở quan trọng nhất chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa". 

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.