Ngăn thảm họa 20 năm trước tái diễn
Không thể ngờ, chỉ 20 năm sau thảm họa bão Linda “trăm năm có một”, cuối tháng 12 vừa rồi, người dân Cà Mau lại phải đối mặt với cơn bão Tembin được cảnh báo đứng trước một thiên tai không kém.
Những ngày này, chúng tôi có dịp trở lại cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), nơi dễ tổn thương nhất nếu gặp bão vì ở đây còn rất nhiều nhà ở tạm bợ. Đây chính là địa điểm 20 năm trước bị bão Linda quét qua, gây thiệt hại nặng nề cả người lẫn tài sản.
Chủ tịch thị trấn Rạch Gốc, ông Huỳnh Thanh Đảm, cho biết: “Dưới sự hướng dẫn của chính quyền các cấp, chúng tôi bố trí lực lượng sẵn sàng túc trực ứng cứu nhà dân bị sập trong bão. Ngoài ra, công tác an ninh cũng được triển khai từ sớm và đã sơ tán khẩn cấp 4.000 dân đến nơi an toàn tại các điểm trường, trụ sở chính quyền, nhà dân kiên cố...”. Để ứng phó với cơn bão dữ, nhân dân truyền đạt thông tin cho nhau cách chằng chống nhà cửa bằng mọi hình thức. Qua đây, mới thấy hết sự linh hoạt, sáng tạo của người dân khi tìm các giải pháp tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Trong khi nhiều nơi, người dân hối hả chằng néo nhà, dùng bao cát chắn mái hiên, tháo gỡ các bảng quảng cáo... Đặc biệt, gia đình bà Hồ Kiều Diễm (52 tuổi) ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã chế tạo ra “hầm” trú bão ngay cạnh nhà.
Bà Diễm cho biết, gia đình bà đào một rãnh bên hông nhà rộng khoảng 3m, dài 5m, cao 1m. Sau đó, bà dùng những cây gỗ to bằng bắp chân làm trụ giữa rồi dùng nhiều cây khác giằng, buộc lại thành hầm. Phía trên mái, bà lợp thêm hai lớp gỗ và tôn dày. Sau đó, bà chèn thêm tấm bạt và đè thêm cả chục bao cát.
Cùng lối chống bão “táo bạo” như gia đình bà Diễm, gia đình anh Nguyễn Thanh Nhàn (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) đã xây bức tường cao cả mét, tạo thành một “lô cốt” bịt kín hết lối ra để phòng nước biển dâng, bảo vệ tài sản. Anh Nhàn chia sẻ: “Trước mắt là làm sao để bảo vệ tài sản an toàn. Mình không còn cách nào khác là phải xây bít hết, qua bão lại đập bỏ”.
Cũng theo anh, vì từng trải qua trận bão Linda kinh hoàng 20 năm trước nên anh và người dân ở đây tuyệt nhiên không chủ quan. “Từ chiều hôm qua, các tiệm bán bạt cao su, bao bì, dây kẽm là đắt hàng nhất. Có tiệm một buổi bán trên trăm triệu đồng. Bao nhiêu đó đủ thấy người dân ở đây sợ bão đến mức nào rồi”, anh Nhàn nói.
Trong khi đó, chị Lê Thị Thảo, chủ tiệm bán hàng tại chợ phường 7 (TP.Cà Mau) cho biết, từ khi có thông tin báo bão sẽ đổ bộ vào đất liền, các quầy chuyên bán vật liệu xây dựng, bạt, nilon của gia đình chị luôn đông đúc khách hàng.
“Giá bạt sọc là 18.000 đồng/m², kẽm 20.000 đồng/kg. Hôm qua, người dân mua ít, sáng hôm nay lượng mua tăng cao. Các cửa hàng chuyên bán loại mặt hàng này tại chợ đều đông đúc, người dân phải xếp hàng đợi đến lượt mua”, chị Thảo cho biết.
Dù sức mua tăng mạnh nhưng chị Thảo vẫn bán đúng giá để phục vụ người dân. “Khi nghe tin bão giá bạt nhập vào có tăng nhẹ nhưng tôi vẫn bán đúng giá như trước cho người dân. Mình buôn bán cả đời không thể vì mưa gió, thiên tai mà lợi dụng bán giá cao hơn cho người dân được”, chị Thảo nói.
Đến mua bạt, anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ phường 8, TP.Cà Mau) cho biết, hai ngày nay, thông tin về bão rất nhiều nên gia đình anh rất lo lắng. Tranh thủ buổi sáng, anh ra chợ mua 10m² bạt để về che chắn nhà bếp, tránh trời mưa to.
“Nhìn vậy chứ ai cũng lo lắng, thà chịu khó đi mua về che nhà, buộc dây cho chắc chắn chứ không bão vào gió quật ngã, tốc mái thì cũng phải tốn tiền mua lại. Dù nhà đã chắn cát trên mái nhưng tôi vẫn đi mua thêm dây để chằng néo cho chắc chắn hơn”, anh Thắng chia sẻ.
Cuộc “tổng duyệt” di dân sơ tán
Trước khi bão Tembin đổ bộ vào đất liền, hàng ngàn người dân ở khu vực ven biển Cà Mau đã bắt xe lên đường đi trốn bão, di dời đến nơi kiên cố hơn. Vì thế, trên các chuyến xe từ vùng được cho là bão sẽ đổ bộ mạnh nhất lúc nào cũng trong tình trạng kẹt cứng người. Số người trên xe gấp 3 số ghế cho phép.
“Giờ không chen nổi nữa, chứ chen được vẫn cho mọi người lên. Bão vào là ghê lắm, chúng tôi cũng mong muốn đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết, nên xe chạy liên tục, đưa bà con xa biển càng sớm càng tốt”, tài xế xe buýt cho biết.
Theo ghi nhận của PV, tại các khu vực ven biển, trên các chuyến xe đều kẹt cứng người. Nhận thấy tình thế bão nguy hiểm, tất cả mọi người đều nhường nhau. “Nép vô, nép vô, cho người ta chen lên, chịu khó đứng cũng được”, tiếng già trẻ văng vẳng trên xe.
Đang trú bão tại trụ sở UBND huyện Ngọc Hiển, ông Nguyễn Văn Thông (ngụ khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ: “Bão vào người dân ai cũng lo lắng, không biết nhà cửa sẽ ra sao. Ở đây đa số đi làm thuê chỉ đủ ăn, nghe tin bão vào đất liền ai cũng buồn và lo lắng. Bởi, sợ bão đi qua gây thiệt hại lớn, tất cả mọi người đều di chuyển đến nơi tránh bão, vì tính mạng là hơn hết”.
Tương tự, ông Tiết Văn Chiến (ngụ ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết, ông cùng với 4 người trong gia đình và một cháu nhỏ đã sơ tán vào đây từ lúc sáng sớm, khi chính quyền địa phương có thông báo, vận động di dời.
“Tại đây, gia đình tôi được anh em công an, dân quân và lực lượng thanh niên tình nguyện của trường giúp đỡ rất nhiệt tình về nhu yếu phẩm như: Mì gói, sữa tươi, điện, nước sinh hoạt, thuốc men,... Gia đình tôi cảm thấy rất an tâm và cảm ơn chính quyền địa phương quan tâm chăm lo”, ông Chiến nói.
Lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng, dân quân, bảo vệ dân phố, dân phòng, thanh niên xung kích phường, xã, thị trấn trở thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần và niềm tin cho người dân trong việc sơ tán, bảo vệ tài sản và phòng chống bão. Chưa bao giờ có một sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý và hoàn toàn thuận lợi từ thành phố đến quận, phường, đến cả người dân như việc chuẩn bị phòng chống bão số 16 vừa qua.
Bão số 16 suy yếu, vẫn rất nguy hiểm Khi nghe tin bão số 16 tạm thời suy yếu, nhiều người dân không khỏi mừng vui. Tuy nhiên, người dân cho rằng, không vì thế mà chủ quan, lơ là. “Mà lúc này buộc trong mỗi người chúng ta cần luôn cảnh giác cao độ trước sự biến đổi khó lường của thiên nhiên. Và trên hết, mỗi người, mỗi gia đình cần chung tay góp sức gìn giữ môi trường để thế hệ con cháu của chúng ta có thể chung sống hòa cùng thiên nhiên, giữ lấy an toàn cho sự sống hôm nay và tất cả về sau”, một người dân cho biết. |