Công việc mới của anh bộ đội Cụ Hồ
Những ngày này, ai có dịp ghé thăm Phủ thờ Bác tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau sẽ bắt gặp hình ảnh lão ông là bộ đội Cụ Hồ đã hơn 60 tuổi, thân hình nhỏ nhắn đang cuốc đất, làm cỏ, quét dọn lá cây, chăm sóc hoa kiểng,... Tên ông là Bùi Văn Phấn nhưng mọi người vẫn thường gọi ông với cái tên thân mật Út Phấn - Người “canh đền”!
Phủ thờ cách TP.Cà Mau 50km. Nơi đây có khuôn viên rộng 5.600m2, bao gồm các công trình: Nhà tưởng niệm, nơi trưng bày những hình ảnh hoạt động của Bác. Trước sân trồng nhiều cây cảnh, vườn hoa, ao cá... giúp cho nơi đây vừa trang nghiêm vừa tạo cảnh quan khoáng đạt để du khách và nhân dân địa phương có thể đến viếng Bác và tham quan, giải trí.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Út Phấn cho biết, tại xã Trí Lực, để có được một Phủ thờ Bác trang nghiêm như hiện nay là cả một khoảng thời gian khó khăn vất vả của quân, dân địa phương. Song ai cũng hiểu được rằng, tham gia xây dựng Phủ thờ Bác là một niềm hạnh phúc, thể hiện tấm lòng kính yêu đối với Bác.
Ông Út Phấn kể: “Ngày 2/9/1969, Bác ra đi khi chưa được vào thăm miền Nam, thăm mảnh đất thân yêu luôn trong trái tim của Người. Nhân dân nơi đây vô cùng thương tiếc vị Cha già kính yêu. Xuất phát từ tình cảm đó, năm 1973 đồng chí Huỳnh Đảm (Bí thư Huyện đoàn Thới Bình) đề xuất và được sự nhất trí cao của Huyện ủy, giao cho Đoàn Thanh niên Lao động huyện tổ chức vận động nhân dân xây dựng Phủ thờ Bác tại ấp 6, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Minh Hải (nay là ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)”.
Theo ông Phấn, ngày 20/4/1973 Âm lịch, công trình chính thức khởi công. Nền phủ thờ được đắp trên một địa hình khá phức tạp, là một cái lung (phần đất trống, không trồng trọt được, chỉ có cỏ mọc-PV) rộng và sâu ven Kinh 7, lau sậy mọc dày. Tuy nhiên, qua bàn tay chăm sóc của người lính Cụ Hồ Bùi Văn Phấn, lau sậy nay đã nhường chỗ cho những vườn hoa khoe sắc, cây trái trĩu quả. Đặc biệt hơn, nơi đây có hàng cây vú sữa xanh tươi, có hồ cá tạo nên khung cảnh giản dị, gần gũi với thiên nhiên.
Ngoài ra, ông Út Phấn kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên. Khi hỏi về nghiệp vụ hướng dẫn viên, ông Út Phấn cười hiền: “Mọi người tự đặt cho tôi cái biệt danh “hướng dẫn viên” thôi chứ tôi có học qua trường lớp gì đâu. Các đoàn khách đến đây để tìm hiểu về Phủ thờ, về Bác và câu chuyện về cây vú sữa miền Nam... Tôi biết gì thì nói đó, nói bằng cả tấm lòng người miền Nam yêu Bác”.
Khi hỏi về công việc thầm lặng, đầy ý nghĩa này, ông Út Phấn trải lòng: “Được bảo quản, chăm sóc Phủ thờ Bác là niềm vinh hạnh lớn nhất của cuộc đời tôi. Thật hãnh diện khi ngay trên mảnh đất Trí Lực này có Phủ thờ Bác Hồ. Không có dịp ra Hà Nội, bà con đến đây thắp hương cứ tưởng như Bác vẫn đang ở đây, vui với bà con mình”.
Báu vật của người dân
Trong khuôn viên Phủ thờ Bác Hồ có một cây vú sữa được người dân nơi đây chăm sóc, giữ gìn và xem như báu vật. Cây vú sữa này được người dân gọi với cái tên thân quen là “Cây vú sữa Bác Hồ”. Thông tin về nguồn gốc cây vú sữa quý, ông Út Phấn cho biết: “Cây này chiết cành từ cây vú sữa miền Nam của bà Lê Thị Sảnh (hay còn gọi là má Tư), một người dân huyện Thới Bình gửi theo đoàn tàu tập kết ra Bắc dâng tặng Bác Hồ hồi năm 1954.
Trước khi mất, Bác có căn dặn, một khi đất nước độc lập mà Bác chưa vào được miền Nam thì bảo tàng Việt Nam phải chăm sóc, bảo quản thật tốt cây vú sữa của nhân dân miền Nam tặng Bác. Sau đó, nhân giống cây vú sữa ấy và gửi tặng lại đồng bào miền Nam.
Thực hiện ý nguyện này của Người, cây vú sữa ở vườn Bác được nhân ra 4 cây con để chuyển vào Nam. Năm 1990, vào dịp hoàn thành trùng tu Phủ thờ Bác, các cán bộ khu lưu niệm Nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội đã chiết cành từ cây vú sữa miền Nam trong vườn Bác để gửi tặng người dân Thới Bình, đưa cây vú sữa Bác Hồ trở về đất mẹ. Năm đó cũng là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Hay tin các cây vú sữa đã về tới tỉnh Bạc Liêu, cán bộ, nhân dân tỉnh Cà Mau lên Bạc Liêu đón nhận trọng thị lắm”.
Sau gần 30 năm được nâng niu chăm sóc, nhánh vú sữa ngày nào đã thành cây trưởng thành với cành lá sum suê. Mỗi năm, cây lại trổ hoa và cho ra những mùa quả ngọt để dâng Bác. Việc chăm sóc cây vú sữa cũng là cách người dân bày tỏ lòng tôn kính dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Dù Bác đã ra đi nhưng hình ảnh của Bác, lời dạy của Bác vẫn còn mãi trong tim mỗi người dân. Cây là một “chứng nhân lịch sử” của tấm lòng Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt nói chung và của nhân dân Cà Mau nói riêng. Đối với người dân Thới Bình, cây vú sữa là báu vật vô giá, là niềm tự hào của người dân địa phương.