Cay đắng và gian nan
Dáng người nhỏ nhắn, nói năng nhỏ nhẹ và lối ăn mặc giản dị toát lên từ người thầy, người cha của những đứa trẻ khuyết tật, bất hạnh và bụi đời đường phố mà bất cứ ai gặp ông Trần Duyên Hải (SN 1938) đều cảm nhận như vậy. Ít ai biết rằng, để thành lập được trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật Việt Nam (tại số nhà 25 ngách 48 ngõ Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) khang trang như ngày nay, ông Trần Duyên Hải đã trải qua biết bao cay đắng và gian khổ. Dù đã bước sang tuổi 76 nhưng ông vẫn miệt mài đến trung tâm chỉ bảo, dạy dỗ các em đến nơi đến chốn.
Ông vốn sinh ra trong một gia đình giàu có gần chợ Gò (xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Bố mẹ ông nổi tiếng buôn bán giỏi và giàu có, nhưng không vì thế mà ông kinh miệt người nghèo. Từ những năm 1945, ông không bao giờ quên hình ảnh những người đói ăn vật vờ khắp các ngả đường, xó chợ.
Ông Hải kể: "Năm ấy, ở Thái Bình rất nhiều người chết đói, họ kéo nhau sang ăn xin rất đông, bởi quê tôi có chợ Gò, người dân buôn bán rất tấp nập. Dân làng thấy vậy, nhà nào cũng đóng cổng, đóng cửa thật chặt. Họ đói quá, gõ cửa xin ăn, nhưng ít nhà cho, bố mẹ đi vắng, tôi ở trong nhà thò tay qua cái lỗ nhỏ ở cổng cho họ nắm cơm, bát gạo. Một vài lần, tôi lấy tiền của bố mẹ chia cho họ. Điều không ngờ, khoảng hai chục năm sau, có một gia đình ở Thái Bình, tìm đến đúng địa chỉ nhà tôi để cảm ơn mấy đồng bạc tôi cho đã cứu sống gia đình họ. Lúc đấy, bố mẹ tôi mới biết".
Ông Hải luôn động viên và gần gũi các em như một người cha
Nhiều người khi thấy ông cưu mang và tạo công ăn việc làm cho trẻ em lang thang bụi đời, ăn xin, ăn cắp, những thành phần bất hảo đã khuyên ông nên tránh xa, nếu không muốn gặp rắc rối. Có nhiều người còn bảo ông dở hơi, việc nhà không lo, lo việc đẩu đâu. Không lâu sau, ông bị công an quận gọi lên chất vấn về việc tụ tập trẻ em bụi đời, hư hỏng, ông còn bị nghi là phản động, cầm đầu băng đảng xã hội đen. Lý lịch trong sạch, làm cơ quan Nhà nước nên ông chỉ bị nhắc nhở và buộc phải giải tán nhóm trẻ em bụi đời: "Tôi phải chấp hành và để các em tự bươn chải kiếm ăn. Dù bản thân muốn các em có một việc làm để tự nuôi sống bản thân mình thay bằng việc đi ăn xin, cướp giật nhưng không còn cách nào khác".
Số trẻ em khuyết tật, lang thang, bụi đời về thành phố ngày càng tăng, hơn ai hết, ông hiểu bản chất của chúng không xấu mà do hoàn cảnh xô đẩy, đói thì phải làm liều. Ông có thể ngồi hàng giờ để hỏi han và mua bánh cho một cậu bé lang thang, bụi đời không quen biết. "Tôi vẫn nhớ có một em bị liệt hai chân tên thường gọi là "Ngọc sương gió" quê ở xã Minh Quang, (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), mẹ mất, bố bỏ vào Nam. Ngọc theo bạn bè đi bụi đời, xin ăn ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Một hôm, có một du khách nước ngoài đi qua, Ngọc xin tiền không được liền ôm chặt chân như kiểu ăn vạ, người này nhất định không cho vì chiếc quần sạch bị Ngọc làm bẩn. Họ hất và đá ra nhưng không được. Tôi đi qua, thấy vậy đứng lại gỡ tay em ra. Em chỉ khóc vì xin từ hôm qua không được gì, đói quá nên làm liều".
Bỏ công chức về dạy nghề
Đầu năm 1983, ông Hải xin nghỉ theo chế độ lao động mất sức. Cảm thương trước những mảnh đời nhỏ bé bất hạnh, bản thân ông Hải nghĩ phải trang bị cho chúng cái "cần câu cơm" bởi "ruộng bề bề không bằng nghề trong tay". Nhận thấy nhu cầu mặt hàng may mặc ngày càng lớn, đặc biệt là các vùng nông thôn, ông vay mượn, gom góp tiền mua được ba cái máy khâu. Ông tập hợp ba em khuyết tật, trong đó có "Ngọc sương gió" về thuê một căn phòng nhỏ làm chỗ dạy nghề và ăn ở. Ông trực tiếp dạy nghề may cho các em. Dần dần, số học viên tìm đến lớp học may của ông tăng lên 10 đến 20 người. Em nào học nghề xong ông lại xin việc làm cho tại một số xưởng may nhỏ trên phố Khâm Thiên và đồng thời nhận may gia công lấy tiền trang trải cuộc sống cho các em hàng ngày.
Tại mảnh đất mới mua ông dựng tạm chỗ ở cho các em và làm nơi sản xuất. Tại đây, ông lại nhiều lần được mời lên chất vấn về việc tụ tập trẻ lang thang, bụi đời. Không ít lần ông bị lập biên bản và yêu cầu giải tán, nhưng bằng tình thương giữa con người với con người ông quyết bảo vệ các em đến cùng. Cũng bởi 40 con người lúc đó sẽ đi đâu về đâu hay lại để chúng lang thang, bụi đời, cướp giật càng làm cho ông thêm động lực, quyết tâm giúp các em. Năm 2000, chủ tịch hội cứu trợ trẻ em Việt Nam, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu đến thăm đã rất xúc động và khóc vì không tin câu chuyện của ông là có thật. Năm sau đó, trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật Việt Nam đầu tiên được thành lập. Ông được phân công làm giám đốc trung tâm kể từ đó đến nay.
Không chỉ đón nhận những em khuyết tật tìm đến trung tâm, mà ông Hải còn lặn lội hàng nghìn km để đón về trung tâm nuôi dạy và tạo công ăn việc làm như ba bố con người dân tộc thiểu số Sùng A Páo (Mông Ân, Bảo Lâm, Cao Bằng). Nghe tin ba mẹ con chị Tâm (Lục Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) sống trong hang đá, ông lại tức tốc lên đường và đề nghị được giúp đỡ hay như cháu Hào Anh (Cà Mau) bị bạo hành ông gửi công văn và xin được đón cháu về nuôi dạy. Ngoài ra, trung tâm của ông cũng là một địa chỉ tin cậy cho những người già cô đơn, phận đời bất hạnh được ăn và đón tết. Bên cạnh đó, mùa thi ông cũng dành khoảng 50 suất ở trọ miễn phí cho các sĩ tử về "lai kinh ứng thí".
Thiên Vũ