Đặt chỉ tiêu ngầm với sinh viên gốc Á
Cuối tháng này, học sinh cuối cấp sẽ nộp đơn vào các trường đại học, cao đẳng và bắt đầu chờ đợi để nghe ngóng về nơi mà họ sẽ dành 4 năm tiếp theo để học tập. Hơn những gì mà họ có thể nhận ra, kết quả sẽ phụ thuộc vào chủng tộc. Nếu bạn là người châu Á, cơ hội được nhận vào những trường uy tín nhất chắc chắn sẽ thấp hơn nếu bạn là người da trắng.
Người Mỹ gốc Á chiếm 5,6% dân số Mỹ nhưng lại chiếm 12 tới 18% số lượng sinh viên ở các trường thuộc khối Ivy League. Người châu Á chiếm từ 40 tới 70% số học sinh các trường phổ thông công lập như Stuyvesant và Bronx Science ở New York, Lowell ở San Francisco và Thomas Jefferson ở Alexandria, Virginia – những nơi mà điều kiện xét tuyển chủ yếu dựa vào xếp loại và các kỳ thi.
ĐH California ở Berkeley là trường có nhiều sinh viên gốc Á
Trong một nghiên cứu vào năm 2009 ở hơn 9.000 học sinh nộp đơn vào các trường đại học xuất sắc, 2 nhà xã hội học Thomas J. Espenshade và Alexandria Walton Radford nhận thấy sinh viên da trắng có khả năng được nhận gấp 3 lần sinh viên châu Á có cùng thành tích học tập.
Vào những năm 1920, khi người Do Thái (thường đạt thành tích cao) bắt đầu cạnh tranh với người da trắng Anglo-Saxon, các trường thuộc khối Ivy League bắt đầu hỏi các ứng viên về nền tảng gia đình và tìm kiếm ở họ những phẩm chất mơ hồ như “chí khí”, “mạnh mẽ”, “nam tính”, “có tư chất lãnh đạo” để đánh bại hồ sơ của người Do Thái.
Những năm 1920, người ta thường đặt câu hỏi: Harvard có còn là Harvard nữa không khi có quá nhiều người Do Thái? Bây giờ chúng ta đặt câu hỏi: Harvard có còn là Harvard nữa không khi có quá nhiều người châu Á? Sinh viên ĐH Yale có 58% là người da trắng và 18% là người châu Á. Liệu sẽ là một tai họa nếu con số này bị đảo ngược?
Một số phụ huynh da trắng đang tránh xa những trường công xuất sắc – nơi đang có quá nhiều người châu Á vì lo sợ rằng con cái họ sẽ bị qua mặt. Nhiều người da trắng đủ khả năng tài chính cho con học trường tư – những nơi ủng hộ triết lý giáo dục “tiên tiến”, “học không phải để thi” và đưa ra những giáo trình âm nhạc, nghệ thuật (không phải nhạc cụ châu Á) như piano, violin. Ở một số trường tư tốp đầu, trẻ châu Á rất khó để vào được.
Ở các trường uy tín, chỉ tiêu người châu Á ngấm ngầm được đặt ra. Ở ĐH Northwestern, sinh viên Mỹ gốc Á nói với tôi rằng họ cảm thấy xấu hổ về nguồn gốc của mình, rằng họ cảm thấy mình bị xem như là những kẻ nhàm chán, không cá tính. Khi họ thành công, bạn bè châm biếm “đúng là người châu Á”. Họ quá thông minh và chăm chỉ vì lợi ích riêng của mình.
Không đưa thông điệp sai lầm
Kể từ khi cải tổ luật di trú năm 1965, Mỹ đã thu hút hàng triệu người nhập cư học vấn cao và tham vọng từ Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ. Chúng ta chào đón những người nhập cư này là chính xác vì họ xuất sắc và vượt trội. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đang kỳ thị con cái họ vì đã chúng thừa hưởng những phẩm chất từ bố mẹ trong một nền giáo dục tốt. Chúng ta đã tự thủ tiêu mình!
Tôi không tán thành cách giáo dục cứng nhắc và nguy hiểm của “Mẹ Hổ” - giảng viên Luật Amy Chua – một phương pháp ngăn cản sự phát triển của trẻ châu Á bằng cách đưa trẻ đến thành công bằng những kỳ vọng thái quá của cha mẹ chứ không phải nhờ những nỗ lực cá nhân.
Chúng ta muốn thu nhận những sinh viên xuất sắc và có tài năng toàn diện, chứ không phải chỉ là những thí sinh xuất sắc. Nhưng điều làm tôi lo lắng là những tiêu chí tuyển sinh mang tính chủ quan và không công bằng như “cá nhân”, “khác biệt” sẽ là một thiệt thòi cho người châu Á, giống như điều đã xảy ra với các ứng viên Do Thái trong quá khứ.
Cái cách mà chúng ta ứng xử với những đứa trẻ này sẽ ảnh hưởng tới nước Mỹ mà chúng ta đang xây dựng. Nếu như những trường xuất sắc nhất ngầm đặt ra chỉ tiêu số người châu Á được nhận vào, nghĩa là chúng ta đang gửi đi một thông điệp với tất cả học sinh, sinh viên rằng làm việc chăm chỉ và điểm tốt chỉ là mục tiêu phấn đấu của những kẻ ngốc.
Carolyn Chen là phó giáo sư xã hội học kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại ĐH Northwestern.