Tình yêu với quân hàm xanh
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã miền núi Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), từ nhỏ, Phạm Đình Tân được nghe những câu chuyện về chiến tranh, chiến đấu oanh liệt ở chiến trường của người cha kể lại. Lớn lên, với niềm đam mê, yêu thích hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, niềm mơ ước, khao khát được khoác trên đôi vai quân hàm màu xanh luôn cháy bỏng trong con người Tân.
Các chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng đang trục vớt tàu Phú Hải Long (Ảnh do Thượng uý Phạm Đình Tân cung cấp)
Từ những ngày còn học cấp một, anh cùng những người bạn học trong xóm lấy lá cây màu xanh, vẽ trên mặt lá những ngôi sao, nét gạch và gắn lên cầu vai chiếc áo lính đã cũ bạc của người cha và khoác lên mình, thể hiện mơ ước sau này lớn lên sẽ được đứng trong hàng ngũ bộ đội cụ Hồ. Có lẽ, với câu nói của người cha "Sau này con muốn vào bộ đội, con không những phải học tốt mà còn phải rèn luyện thân thể mới có sức khỏe bảo vệ Tổ quốc được", anh càng quyết tâm hơn. Năm 19 tuổi, đang ở cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", anh được tuyển chọn vào làm nhiệm vụ tại Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng.
Những ngày tháng đầu phục vụ trong quân ngũ luôn là thử thách lớn đối với mỗi quân nhân. Với tâm huyết, khát khao được cống hiến của người chiến sĩ luôn dành tình yêu với màu xanh áo lính, anh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ cấp trên giao phó. Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, ứng xử được trong mọi tình huống khi tham gia huấn luyện, anh được cử đi học lớp chỉ huy lái tàu biển của học viện Hàng hải. Tình yêu biển của anh cũng gắn liền với mỗi lần tuần tra, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nửa đêm vượt sóng tàu của doanh nghiệp
Đến nay, thượng úy Phạm Đình Tân đã có hơn 18 năm phục vụ trong quân ngũ, từng nhiều năm là thuyền trưởng chiến đấu bảo vệ anh ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Anh có rất nhiều kỷ niệm về những chuyến hành quân vây bắt các đối tượng buôn lậu thương mại trên biển, cũng như những lần cứu hộ, trục vớt tàu của ngư dân. Nhưng với anh, hình ảnh cứu ba con tàu của công ty Phú Hải Long cho đến nay vẫn là kỷ niệm ấn tượng nhất.
Trong câu chuyện với chúng tôi, vẫn nước da ngăm đen như những ngư dân vùng biển, thượng úy Phạm Đình Tân chia sẻ: Khi đó, khoảng 19h ngày 1/1/2013, đang ngồi xem chương trình thời sự của đài Truyền hình Việt Nam, anh nhận được thông báo từ bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Ngoài khơi vùng biển Quảng Trị, cách cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) hơn 60 hải lý có ba con tàu của công ty Phú Hải Long đang gặp nạn.
Hôm đó, trời mưa to, gió lớn cấp 6 -7, sau khi nhận được lệnh và lên phương án cứu nạn, Thượng úy Tân đã trực tiếp chỉ huy, cùng các chiến sĩ tổ chức hai kíp tàu BP 08.12.02 và BP 08.04.04 lên đường làm nhiệm vụ. Tàu rời cảng Tiên Sa lúc 20h, tuy nhiên xuất phát được hơn một tiếng đồng hồ thì trời mỗi ngày mỗi xấu, mưa ngày càng to, gió càng lớn hơn. Con tàu ngả ngiêng, chao đảo giữa mênh mông biển trời. Có thời điểm, trong hơn một tiếng, tàu chỉ di chuyển được 2-3 hải lý. Tưởng chừng như không thể tiếp tục hành trình được, nhưng với ý chí quyết tâm, chỉ đạo sát sao của người chỉ huy trưởng, sau hơn 10 tiếng đồng đánh lộn với mưa to, gió lớn, hai con tàu của Hải đội 2 đã tiếp cận được mục tiêu.
Thượng úy Phạm Đình Tân - Hải đội phó Hải đội 2
Khi tàu đã tiếp cận được với mục tiêu thì trời đã mờ sáng, thời tiết ngày càng xấu thêm, nhưng với kinh nghiệm của người chỉ huy trưởng, sau hơn hai tiếng thực hiện các phương án cứu hộ khác nhau, công việc quăng dây neo, cột tàu cũng thành công. Khi đưa thành công 18 ngư dân sang tàu an toàn, tinh thần anh em chiến sĩ của Hải đội như được nhân đôi…
Không giấu được niềm vui, anh Tân tâm sự: "Trời không phụ những gian khó vượt khổ của anh em chiến sĩ Hải đội chúng tôi, trong suốt hơn 30 tiếng đồng hồ vật lộn với thời tiết khắc nghiệt, cơm không thể nấu, chỉ chia nhau gói mỳ tôm nhai sống để qua đêm. Tuy vất vả khó khăn nhưng hành trình mang theo cả một niềm tin chiến thắng. Khi đưa tàu về đến bến, được chứng kiến những cảnh nước mắt, tiếng cười đoàn tụ của gia đình các ngư dân, anh em như càng được tiếp thêm sức mạnh, để hoàn thành sứ mệnh của người chiến sĩ biên phòng".
Vật lộn với sóng lớn cứu thủy thủ nước ngoài
Nhớ lại ký ức trong công việc tìm kiếm cứu nạn trên biển của Hải đội 2, hình ảnh con tàu Lucky Dragon (quốc tịch Campuchia) cùng 12 thủy thủ vận chuyển 2.300 tấn sắt thép khi đi qua đoạn mũi Nghê vùng biển Đà Nẵng, bất ngờ bị cháy máy rồi chìm dần khiến bản thân Thượng úy Phạm Đình Tân và anh em trong Hải đội 2 thấy đau đớn. Nhận được tin báo của Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng, các chiến sĩ lên phương án việc triển khai, tổ chức ứng cứu tàu Lucky Dragon an toàn nhất.
Khi ấy, vào khoảng 2h sáng 3/9/2009, thời tiết biển lúc đó gió to giật mạnh, sóng cao tầm 5-6m, không thể tiếp cận được mục tiêu trong khi con tàu ngày càng chìm dần, biển ngày càng dữ dội, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao cùng quyết tâm cứu bằng được các thủy thủ, Ban chỉ huy Hải đội 2 đã cắt cử đội bơi thiện chiến, tinh nhuệ tiếp cận con tàu. Sau thời gian một tiếng đồng hồ đánh lộn với sóng gió, đội bơi thiện chiến trong hải đội đã cứu thành công được 12 thuyền viên trên tàu vào bờ…
Lê Hữu Tiến