Thế nhưng đêm giao thừa năm 1975 Nguyễn Trọng Cư vác ba lô trở về nhà trong sự vui mừng khôn xiết của người thân và anh em xóm làng. Sự trở về của anh là cả một câu chuyện dài. Trong khoảng thời gian làm... liệt sĩ ấy, tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của anh nhiều phen làm cho kẻ thù phải run sợ...
Ông Nguyễn Trọng Cư
Không chịu lùi bước
Năm 1965, chàng trai 17 tuổi Nguyễn Trọng Cư đang học lớp 9 tình nguyện viết đơn xung phong lên đường đi đánh Mỹ. Vào chiến trường, Nguyễn Trọng Cư nổi lên là một chiến sĩ chiến đấu dũng cảm và lập nhiều chiến công. Đầu năm 1966 ông được kết nạp Đảng và được đề bạt làm cán bộ đại đội phó thuộc C4 D5E812 (trung đoàn 812 sư 324t) chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên Huế.
Với nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 21/5/1967 Nguyễn Trọng Cư được phong tặng tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, được đi báo cáo mặt trận tiền phương Quân khu. Chiến trường Trị Thiên Huế vào những năm tháng này vô cùng ác liệt...
Ông Cư kể: Ngày 19/5/1968 tôi chỉ huy đơn vị đánh lính đi càn ở Triệu Sơn - Triệu Phong - Quảng Trị. Đánh suốt 7 giờ đêm cho tới sáng thì đẩy lui được bọn chúng. Lúc đó chúng tôi lại được lệnh hành quân cấp tốc về Hải Lăng để đánh trận càn thứ hai của bọn thủy quân lục chiến Mỹ. Bọn chúng có cả pháo, xe tăng, máy bay yểm trợ. Trận đó hai bên quần nhau suốt hai ngày, giao tranh vô cùng ác liệt. Tôi trúng đạn phóng lựu bị thương ngất đi không biết gì diễn ra xung quanh nữa. Khi tỉnh dậy mới biết mình bị địch bắt.
Sau khi bị bắt, chúng đưa ông về phòng nhì Hoàng Cầm - Đà Nẵng để hỏi cung. Mặc dù bị địch đánh đập, khảo tra bán sống, bán chết, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của một người chiến sĩ cách mạng. Chính vì thế chúng kết án và đày anh ra Côn Đảo. Thời gian bị giam cầm ngoài Côn Đảo xa xôi, ông đã cùng các bạn tù chính trị tích cực đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ cho tù nhân trên đảo.
Chúng luôn thay đổi chỗ giam anh, từ chuồng cọp, chuồng bò rồi đưa đến các phòng biệt giam. Tại chốn địa ngục trần gian này Nguyễn Trọng Cư (lấy tên là Lê Thu số tù 3266) đã lắp ráp được với tổ chức Đảng. Ông được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Phó bí thư Chi bộ nhà lao. Qua nhiều đợt đấu tranh phá được thế o ép của địch, đầu năm 1971 anh em đã tổ chức đào hầm vượt ngục.
Khi đường hầm bí mật đào được khoảng 70 m thì một tên nội gián báo cho địch biết. Đường hầm bị lộ và chúng tra tấn anh em rất dã man. Để bảo vệ tổ chức, Lê Thu đã đứng ra chịu trách nhiệm. Bọn chúng đưa ông vào phòng cực hình tra tấn như dùng điện dí vào dương vật, đóng đinh vào đầu, đốt phản xạ vào nhiều chỗ trên cơ thể nhưng trước sau ông vẫn khai do một mình ông chỉ đạo.
Tháng 6/1972 chúng chuyển ông về đất liền xử tại tòa án quân sự tỉnh Cần Thơ. ông bị chúng kết án 25 năm tù. Khi kết thúc phiên tòa, Thẩm phán bảo. Tội làm cộng sản thì tù mọt gông, râu anh dài đến chân cũng chưa được ra. Nguyễn Trọng Cư đã trả lời một câu bất hủ: Chính phủ các ông sẽ không còn để nhìn thấy tôi dài râu! Chúng đưa ông đi lò bát quái khám Chí Hòa giam 10 ngày rồi tiếp tục chuyển ra đảo.
"Ra đảo đợt này tôi bị đưa vào trại 7 khu chuồng bò (biệt giam dưới hầm), cùng hầm với tôi có giáo sư Lê Quang Vịnh người Huế. Chúng cùm cả hai tay, hai chân chúng tôi. Đến giờ, nắm cơm thiu chúng vứt vào lẫn cả với phân nhưng vẫn phải ăn để sống mà chiến đấu..."
"Thật không có bút nào tả nổi về sự đọa đày của nhà tù Mỹ Ngụy đối với tù nhân. Chúng tôi đã đấu tranh bằng nhiều hình thức, đối thoại, tuyệt thực... để phản đối chế độ nhà tù và gặt được một số thắng lợi! Sau Hiệp định Paris, chúng tôi hàng ngày, hàng giờ đấu tranh quyết liệt đòi Chính quyền Sài Gòn phải tiến hành trao trả tù chính trị Côn Đảo cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Paris".
"Lúc đầu chúng tôi tuyệt thực trên toàn trại, sau đó chuyển hình thức cao hơn đó là tự mổ bụng" - ông Cư kể. Người chiến sĩ ấy đã xung phong nhận trách nhiệm viết cáo trạng tố cáo tội ác của chế độ nhà tù Mỹ Ngụy và tự mổ bụng.
Ông Cư nhớ lại: "Khi đó dao làm gì có, tôi tự chế và mài từ chiếc cà mèn. Khi chúng tập trung toàn trại tôi đã đứng lên đọc cáo trạng rồi rạch bụng mình, tôi đâm nhát thứ nhất xong, tôi rút ra dùng hết sức đâm phát thứ hai rồi rạch mạnh, máu phun xối xả. Khi đó bọn chúng xông vào tôi nhưng anh em đồng đội đã xông lên cướp tôi từ tay bọn chúng".
Trước tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, trước sức ép của dư luận quốc tế và tình hình chiến sự ở miền Nam, vào những năm 1973, 1974, chính quyền Sài Gòn đành phải đưa nhiều anh em tù chính trị Côn Đảo vào đất liền để trao trả tù chính trị tại sân bay Lộc Ninh.
Nguyễn Anh Tuấn - Tiến Dũng
Kỳ 2: Liệt sĩ về trong đêm giao thừa