Trải qua 3 đợt bùng phát dịch Covid-19, với sự kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, phân khúc bất động sản bán lẻ tại TP.HCM tiếp tục có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực thể hiện qua tỉ lệ lấp đầy. Nguồn cung mới hay nhiều hãng bán lẻ quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, những thương hiệu bán lẻ hoạt động trong các lĩnh vực ăn uống, cửa hàng tiện lợi, các ngành thiết yếu vẫn có kế hoạch mở rộng với những tín hiệu lạc quan. Giá thuê dần phục hồi, nhất là các mặt bằng ở vị trí trung tâm.
Tuy nhiên, đối diện với làn sóng thứ 4 của Covid-19 vào tháng 5/2021, tình trạng mặt bằng nhà phố bỏ trống, không có khách thuê diễn ra ngày càng trầm trọng.
Các căn nhà mặt tiền ở những tuyến phố mua sắm sầm uất tại quận 1 tiếp tục cảnh đóng cửa và dán chằng chịt những tấm biển thông báo cho thuê.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Hai Bà Trưng (quận 3), đường Song Hành (TP.Thủ Đức)… hàng loạt tấm bảng hiệu cho thuê mặt bằng được dán. Bảng nhiều mà người quan tâm rất ít.
Con đường Trần Hưng Đạo - một trong những con đường kinh doanh các nhà hàng ăn uống, điện tử, làm đẹp có vị trí đẹp nhất thành phố có dấu hiệu xuống cấp do lâu ngày không có người thuê.
Trong khi đó, ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai giao với Đinh Tiên Hoàng (quận 1) mặt bằng từng được một chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thuê - cũng bị bỏ trống hơn 1 năm trở lại đây.
Căn nhà phố hai mặt tiền này được rao thuê với giá 150 triệu đồng/tháng. Có vị trí đắc địa nhưng giá thuê cao khiến không nhiều đơn vị kinh doanh cân nhắc vào thời điểm khó khăn này.
Tương tự, những con đường vốn là nơi buôn bán sôi động của các tiểu thương sát Chợ Bến Thành cũng chứng kiến cảnh đìu hiu chưa từng thấy do hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và mặt bằng bỏ trống.
Chia sẻ với PV, Anh Tâm, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cho biết, nếu tình hình như hiện nay còn kéo dài thì các cơ sở ăn uống sẽ khó có thể trụ được lâu.
Theo anh, tiền mặt bằng ở trung tâm quận 1 rất cao, cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Giờ đây nguồn thu tại quán ít, nhân viên cũng đã tạm thời phải nghỉ việc thì việc gồng gánh chi phí là bất khả thi.
"Mấy đợt dịch lần trước tôi cũng ráng gồng nhưng có lẽ đợt này chắc tôi phải trả lại mặt bằng chứ kham không nổi", anh Tâm nói.
Có thể thấy rằng, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như tạm ngưng hoạt động nhà hàng, quán cà phê, cơ sở cắt tóc, làm đẹp và người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là những biện pháp cấp bách để phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nó cũng khiến khiến nhiều cơ sở kinh doanh và cả chủ cho thuê điêu đứng.
Theo một chuyên gia về bất động sản, để ứng phó với tình hình trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh và chủ mặt bằng cho thuê buộc phải tìm phương án khác. Tốt nhất, vẫn là chủ nhà và khách thuê cùng ngồi lại, tìm giải pháp hỗ trợ lẫn nhau để hai bên tiếp tục đồng hành vượt khó.