Người cho vay lãi suất "cắt cổ" qua app bị phát hiện, nạn nhân có phải trả lại tiền?

Người cho vay lãi suất "cắt cổ" qua app bị phát hiện, nạn nhân có phải trả lại tiền?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 08/07/2020 16:56

Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp bóng hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ” khiến nhiều người điêu đứng.

Tiêu dùng & Dư luận - Người cho vay lãi suất 'cắt cổ' qua app bị phát hiện, nạn nhân có phải trả lại tiền?

Ảnh minh họa.

Hiện nay, tình trạng vay tiền qua app trên mạng diễn ra rất phổ biến. Các tổ chức, cá nhân cho vay tiền đã lợi dụng tính nhanh, gọn của Internet để lừa người dân vay tiền lúc khó khăn với lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1000%. Trước thực trạng này, lực lượng Công an đã vào cuộc quyết liệt, phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi qua app.

Tuy nhiên, về phía người vay tiền, làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ trở thành nạn nhân của các app cho vay lãi suất "cắt cổ"? Và nếu vay, người vay tiền có phải trả số tiền đã vay qua app hay không? Nếu phải trả thì trả như thế nào, lãi suất được tính ra sao?... là những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm lớn từ người dân.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ Công an cho biết, ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.

Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh (smart phone).

Việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân.

Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Theo Bộ Công an, khi vay tiền qua app, để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.

"Về nội dung câu hỏi liên quan đến người vay có phải trả tiền đã vay qua app không, trả như thế nào, lãi suất ra sao? Số tiền vay là vật chứng của vụ án, người vay phải trả lại số tiền đã vay của app vào tài khoản cho vay với lãi suất không vượt quá 20% lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quá trình giải quyết vụ án, căn cứ trên kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Tòa án sẽ xét xử theo luật định", Bộ Công an cho biết.

 

Cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý như sau:

Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng (1 tỷ đồng) hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tại Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

 

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.