Người chồng tâm lý của nữ bác sĩ điều trị ung thư mắt trẻ em

Người chồng tâm lý của nữ bác sĩ điều trị ung thư mắt trẻ em

Thứ 4, 01/03/2017 16:24

Với bác sĩ Minh Châu, khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương, gia đình thực sự là nền tảng vững chắc giúp chị yên tâm hoàn thành công việc khám chữa bệnh của mình, đặc biệt là chồng chị.

"Cảm ơn chồng đã luôn thông cảm cho mình"

Công việc của một người làm nghề y khá bận rộn. Với bác sĩ Minh Châu, khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương, gia đình thực sự là nền tảng vững chắc giúp chị yên tâm hoàn thành công việc khám chữa bệnh của mình, đặc biệt là chồng chị.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, bác sĩ Minh Châu cho hay: "Chồng mình sinh năm 1975, hiện đang làm kiến trúc. Vợ chồng mình quen nhau từ khi học đại học, lúc ấy mình đang học năm thứ 6 của trường Đại học y Hà Nội. Đến nay, cả hai đã về chung một nhà được 10 năm và có hai con trai, lần lượt sinh năm 2007, 2013”.

Không giấu nổi nụ cười, bác sĩ Minh Châu nói tiếp: “Ngày trước yêu nhau, cả hai ít khi giận hờn nhưng bước vào đời sống vợ chồng, đôi khi cũng có cãi vã vì bất đồng quan điểm. Đôi lần, chồng mình bảo vợ, chỉ lo cho bệnh nhân, ít dành thời gian cho gia đình. Nhưng rồi thấy vợ vất vả do công việc ở viện bận rộn. Anh lại thông cảm và động viên, chia sẻ mọi nỗi niềm cùng mình”.

Chị Châu cũng cho hay, khi các bé còn nhỏ, anh chị sống cùng bố mẹ. Ông bà giúp anh chị chăm sóc các con, yên tâm đi làm. Bây giờ khi đã ra ở riêng, hàng ngày chồng chị là người phụ trách việc đưa đón các con đến trường. Anh cũng không ngại việc vào bếp nấu ăn cho gia đình, tắm rửa cho các con trong những ngày chị về muộn.

Chị thường rời khỏi nhà từ lúc 6h30 sáng để đến bệnh viện và chỉ trở về khi công việc trong khoa đã xong. Có hôm 7h tối khi các nhà đều đã lên đèn từ lâu, nhiều nhà đã ăn tối xong, chị mới từ cơ quan về nhà. Các con chị đều quấn mẹ nhưng chúng thích chơi với bố hơn bởi lẽ anh có nhiều thời gian cho các con hơn chị.

“Trong lúc mình dạy con trai lớn học bài, chồng sẽ cho con trai út ra ngoài đi dạo, hai bố con đi chơi cùng, kể chuyện cho nhau nghe. Công việc yêu cầu mình luôn cần học tập, trau dồi kiến thức nên hàng ngày mình vẫn sắp xếp thời gian để đọc tài liệu, nghiên cứu các phương pháp điều trị mới của bệnh u nguyên bào võng mạc trên thế giới.

Mình muốn gửi lời cảm ơn ông xã, tuy là người ngoài ngành nhưng anh đã luôn thông cảm cho công việc của vợ để mình yên tâm chăm sóc bệnh nhân. Anh cũng luôn động viên mình cố gắng giúp đỡ những bệnh nhi có hoàn cảnh thương tâm. Nhiều lúc mình cảm thấy đã dành thời gian cho bệnh nhân nhiều hơn thời gian dành cho gia đình, chồng con”, bác sĩ Minh Châu tâm sự.

Chị Châu luôn tâm niệm, con mình được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, nhưng có không ít hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo cần sự hỗ trợ, giúp đỡ về kinh tế. Các bé còn cả một tương lai rộng mở phía trước, nên chị luôn tự nhủ bản thân nỗ lực, cố gắng làm tốt những gì mình có thể. 

Gia đình - Người chồng tâm lý của nữ bác sĩ điều trị ung thư mắt trẻ em

 Bác sĩ Minh Châu khám mắt cho bệnh nhi.

Luôn tìm cách giúp bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt

Cho đến nay, bác sĩ Phạm Thị Minh Châu đã về công tác tại khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương thấm thoát được 10 năm.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Minh Châu tiếp tục học cao học chuyên ngành mắt. Lúc đó chị thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về viêm mủ nội nhãn. Hiện nay, khi làm đề tài nghiên cứu luận văn tiến sĩ, chị lại tìm hiểu về việc điều trị bảo tồn u nguyên bào võng mạc ở trẻ em.

Mỗi ca bệnh nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bác sĩ Minh Châu đều cố gắng tìm cách giúp đỡ để các em có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, tiếp tục được đến trường.

Chị không quên trường hợp của bệnh nhi tên Phong, người dân tộc thiểu số, ở Lạng Sơn. Em được chẩn đoán mắc u nguyên bào võng mạc, mắt lồi to, sau đó được chỉ định truyền hóa chất. Phong đã sống thêm 2 năm nữa.

Một trường hợp bệnh nhi khác ở Yên Bái, cũng là người dân tộc được phát hiện mắc u nguyên bào võng mạc, phải bỏ một mắt. Chị cùng các bác sĩ khác đã yêu cầu người thân của bệnh nhi đến khám sàng lọc, phát hiện chị gái của bệnh nhi cũng bị u nguyên bào võng mạc một bên mắt. Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp laze và giữ được mắt cho bệnh nhi, thị lực mắt vẫn là 10/10.

Bác sĩ Minh Châu tâm sự: “Những ca này đều bị bệnh nặng, người dân tộc thiểu số và hoàn ảnh hết sức khó khăn. Nếu không có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, gia đình các em khó có thể cho con mình tham gia đầy đủ các đợt trị liệu. Đối với người bình thường, khoản tiền 500 nghìn đồng hay 1 triệu đồng để đi lại, ăn ở không đáng bao nhiêu nhưng với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đó thực sự là cả một vấn đề với họ”.

Theo bác sĩ Minh Châu: “Trung bình mỗi tuần có 1 bệnh nhi mới được phát hiện mắc u nguyên bào võng mạc. Hiện nay, căn bệnh này đã được tầm soát tốt và có thể chữa khỏi nếu điều trị tốt. Nhưng hành trình chữa bệnh rất gian nan bởi bệnh nhân cần phải trải qua nhiều đợt hóa trị, các bác sĩ sẽ chỉ bỏ một mắt, một mắt cố gắng giữ lại, tiến tới là giữ lại thị lực cho bệnh nhân. Bệnh ung thư này có tính chất di truyền, nếu tầm soát tốt những người trong họ hàng, anh chị em ruột của bệnh nhân, sẽ hạn chế rủi ro của bệnh cho thế hệ sau”.

Gia đình - Người chồng tâm lý của nữ bác sĩ điều trị ung thư mắt trẻ em (Hình 2).

Bé Bùi Phương Thảo và bố tại bệnh viện mắt Trung ương, mắt trái của Thảo khi đó lồi to và tiết dịch.

Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Minh Châu được lãnh đạo khoa, viện và đồng nghiệp tín nhiệm giao phụ trách công đoàn. Bác sĩ Nguyễn Văn Cường, một trong những đồng nghiệp của chị cho biết: “Bác sĩ Minh Châu rất gần gũi với bệnh nhân và đồng nghiệp. Những trường hợp bệnh nhân đặc biệt khó khăn, cần sự giúp đỡ, bác sĩ Minh Châu đều tìm cách giúp họ, để bệnh nhân được chữa trị kịp thời.”

Với gia đình bé Bùi Phương Thảo (3 tuổi) dân tộc Mường ở xóm Trẹo Ngoài Hai, xã Nam Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Minh Châu là người đã thắp lên ngọn lửa hy vọng và niềm tin cho họ.

Bố bé Thảo là anh Bùi Văn Phú (SN 1986) cho hay, lúc bé được 2 tháng tuổi, thấy Thảo có dấu hiệu bất thường về mắt (xuất hiện vết trắng ở trong mắt, ban đêm mắt Thảo sáng quắc như mắt mèo) nên anh chị đưa con đi khám. Đến bệnh viện Mắt Trung Ương, Thảo được chẩn đoán mắc u nguyên bào võng mạc hai mắt. Thảo đã được các bác sĩ phẫu thuật bỏ mắt phải lúc đó và mắt trái cũng đang bị hỏng.

Thảo được chỉ định chuyển sang bệnh viện K để điều trị mắt trái nhưng do gia đình khó khăn, không lo được các khoản chi phí khi cho Thảo chữa bệnh nên anh chị đưa con về nhà. Cách đây 4 tháng, mắt Thảo bị lồi ra, tiết dịch và chảy máu. Lúc đấy vợ chồng anh đã vay mượn tiền anh em họ hàng đưa Thảo đi khám. Chính bác sĩ Minh Châu đã tìm cách giúp đỡ, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm để giúp Thảo và gia đình anh có tiền đi lại, sinh hoạt, an tâm cho con điều trị bệnh.

Giờ đây bác sĩ Minh Châu vẫn luôn trăn trở về trường hợp bệnh nhi 5 tuổi, tên là Lanh. Mẹ em có tiền sử mắc bệnh tâm thần, bản thân em được chẩn đoán mắc thủy tinh thể. Bố em khi biết tin con mình mắc bệnh đã đột ngột qua đời, mẹ lang thang không có khả năng lao động và chăm sóc các con. 3 chị em Lanh chưa được đến trường. Lanh chỉ hỏng một mắt, một mắt vẫn có thể nhìn được. Chị rất mong Lanh và các chị em nhận được sự giúp đỡ của nhà hảo tâm để các em có thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Xem thêm:

>> Trải lòng của người vợ trẻ có chồng là bác sĩ

>> Rời chồng con lên thành phố làm ô sin, cô gái nhận cái kết đắng

Lan Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.