Ông là kỷ lục gia Hồ Đại Phước, người chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam.
Hai mươi năm với tình yêu chợ Việt
Nhiều người ngay lúc này đã bắt đầu nuối tiếc cái hồn chợ quê Việt đang dần không còn nữa. Dù chợ quê ở nước ta đến giờ dẫu đếm cả ngày có khi vẫn chưa hết. Nhưng có một người, hai mươi năm trước đã ý thức được rằng, mình phải làm gì đó để lưu giữ lại hình ảnh những ngôi chợ.
Ý tưởng ấy đến trong một lần cùng gia đình dạo qua chợ Bến Thành năm 1993, ông Hồ Đại Phước chợt có ý muốn chụp lại hình ảnh ngôi chợ là biểu tượng của thành phố này. Tác phẩm đầu tay này, đã gieo vào lòng ông một tình yêu say mê các ngôi chợ. Tình yêu ấy giúp ông nảy ra sáng kiến, hay đã thôi thúc ông ước muốn chụp hình các ngôi chợ của TP.HCM.
Bắt đầu từ đó, ông tự học chụp ảnh, rồi rong ruổi khắp TP.HCM, từ nội ô ra ngoại thành để chụp ảnh chợ. Một tài liệu thống kê lại rằng ở TP.HCM có 210 ngôi chợ, thì ông đã chụp được 205 chợ. Còn 5 chợ ông đã cất công tìm kiếm lâu nay mà vẫn chưa tìm thấy.
Kỷ lục gia Hồ Đại Phước với 5 hình ngôi chợ tiêu biểu cho 5 vùng miền đất nước
Hết TP.HCM, ông tìm đến chợ ở các tỉnh lân cận, rồi ra đến miền Trung, miền Bắc. Những năm gần đây, cuộc sống khá giả hơn, ông sắm cho mình một chiếc xe ô tô hiệu Matiz. Một mình một xe, ông rong ruổi dọc mảnh đất hình chữ S bằng những chuyến đi xuyên Việt. Đi đến đâu ông cũng tìm chụp ảnh các ngôi chợ tại địa phương đó. Mang tấm bản đồ Việt Nam ra, ông chỉ cho tôi những tuyến đường mà ông đã đi, từ đất mũi Cà Mau cho tới Lũng Cú – Hà Giang, địa đầu của tổ quốc. Rồi ông cho biết ông mới có thêm một chuyến đi nữa trong tháng 7 vừa qua.
Chuyến đi này ông ra Phan Thiết rồi lên một số tỉnh cao nguyên. Con đường ông đi từ Phan Thiết qua Lâm Đồng, rồi qua Đăk Lăk không phải là đường quốc lộ mọi phương tiện thường đi. Mà ông chọn cho mình một tuyến đường khác, ít thông dụng hơn. Ông lý giải rằng như vậy mới có thể khám phá ra những ngôi chợ mới mà ông chưa bao giờ đi tới.
Ông Hồ Đại Phước cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã chụp được 1.875 ngôi chợ trên khắp đất nước Việt Nam”. Ông cũng tự hào chia sẻ với tôi rằng, ông đã chụp được 5 ngôi chợ, tiêu biểu cho 5 vùng miền của đất nước. Đó là: chợ Đất Mũi (Cà Mau), chợ Bến Thành (TP.HCM), chợ Đông Ba (Huế), chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và chợ Lũng Cú (Hà Giang).
Tôi hỏi ông vì sao ông lại có ý định chụp hình các ngôi chợ. Ông đáp: “Vì mỗi người đi đến đâu thì cũng muốn lưu lại những kỷ niệm về nơi mình đã đến. Mà chợ thì thường sẽ mang tên của địa phương đó nên tôi muốn chụp lại các ngôi chợ mà tôi đã tới. Theo thời gian, đi nhiều thì thấy những nét đẹp của các ngôi chợ, sự phong phú, đa dạng và khác biệt của chợ ở các vùng miền khác nhau. Từ đó các ngôi chợ có sức hấp dẫn lôi cuốn mình. Nhất là những chợ phiên và chợ vùng núi cao, chợ của dân tộc. Ở đấy còn lưu giữ nhiều nét văn hóa rất độc đáo. Và còn bởi vì, tuổi thơ của tôi lớn lên ở khu vực chợ Nancy (Q.1). Nên đó cũng là nơi kỷ niệm mà tôi còn lưu giữ lại”.
Mỗi chuyến đi về, ông Phước đều tự mình sắp xếp các album ảnh chợ theo thứ tự thời gian, thứ tự tỉnh thành mình từng đặt chân tới. Không chỉ có thế, ông còn kỳ công sắp xếp tên các ngôi chợ theo ký tự A, B, C... Nhờ vậy, ông phát hiện ra một vài điều lý thú về chợ như: có những chợ trùng tên nhau dù ở khác tỉnh, khác vùng miền. Ví dụ như chợ An Hòa có 5 cái ở Huế, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ. Chợ Hòa Bình có 4 cái ở TP.HCM, Hải Phòng, Tây Ninh, Bạc Liêu, ...
Ông Hồ Đại Phước trên tấm lịch của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam
Những kỷ niệm khó quên trong đời chụp ảnh chợ
Hai mươi năm rong ruổi khắp đất nước tìm đến những ngôi chợ, ông Phước chia sẻ ông đã gặp không biết bao nhiêu người, giữ lại không biết bao nhiêu kỷ niệm trong những hành trình ấy. Cho đến giờ, những chuyến đi với ông cũng chỉ như những cuộc dạo chơi cho một tình yêu, một niềm say mê trong cuộc đời. Nhưng từ đó, ông khám phá ra nhiều điều thú vị về mảnh đất hình chữ S này. Trong đó, điều thú vị nhất là những cuộc gặp gỡ, mối quan hệ giữa người với người. Có những người ông chỉ vô tình gặp một lần mà nên quen, mà trở thành thân thiết.
Ông tâm sự rằng chính ông cũng không sao lý giải được. Chỉ biết rằng đó là một niềm hạnh phúc, một cơ hội được kết tình bằng hữu khắp mọi nơi của ông. Ông có một thói quen, gặp bất kỳ ai ông đều chụp hình của họ rồi cẩn thận ghi lại địa chỉ. Khi về thành phố, ông rửa ảnh rồi tự đi chuyển bưu điện cho họ những tấm ảnh đó. Như món quà kỷ niệm của một khách phương xa đã có lần dừng chân ghé lại. Cho dù người đó chỉ là một anh người dân tộc làm nghề dẫn voi thuê cho khách du lịch ở một điểm du lịch trên Đăk Lăk.
Cũng có khi đang lái xe bon bon trên đường Bắc – Nam ông bị cảnh sát giao thông vẫy lại vì lỡ đi quá tốc độ cho phép. Nhưng khi hỏi ra biết ông đang rong ruổi đi chụp ảnh chợ khắp mọi nơi thì anh cảnh sát lại thông cảm mà để cho ông đi tiếp.
Có lần ông mải mê chụp hình về ngôi chợ có tên rất lạ. Mải mê xem hình, ông bỏ quên luôn chân máy ở đó. Đi được mấy chục cây số thì sực nhớ ra, ông vội vàng quay lại tới ngay chỗ quán nước vừa chụp lúc trước. Thấy ông, người chủ quán tốt bụng tươi cười trao lại chân máy. Lại có những ngôi chợ ở vùng giáp biên giới hoặc khu quân sự, ban quản lý chợ không cho phép ông chụp ảnh. Ông phải vào ban quản lý chợ, hoặc đồn biên phòng trình bày cho họ biết, ông là kỉ lục gia chụp ảnh về chợ, nên rất cần có một bức ảnh về ngôi chợ của địa phương mình để hoàn thiện bộ sưu tầm. Nghe ông trình bày, họ vui vẻ đồng ý.
Có khi ông đi về miền Tây, qua những cây cầu treo không đủ sức cho ô tô qua nhưng lại không để biển báo hiệu. Vượt qua rồi người dân mới nói cho biết. Những lúc đó chỉ còn biết thở phào vì đã may mắn không xảy ra sự cố gì. Hoặc trong hành trình đi lên những vùng miền núi cao, có nhiều đoạn xe ô tô không đi được. Mà chỉ có thể để xe ở dưới, cuốc bộ vượt núi mà đi lên.
Hai mươi năm nay, không chỉ đi khắp nơi chụp ảnh chợ. Năm nào cũng đúng ngày 13/9 là ông và gia đình gửi tiền cho quỹ tôn tạo Lăng Bác và dâng hoa lên tượng đài Bác Hồ. Ông Phước chia sẻ: “Những năm tháng chiến tranh cuộc sống của gia đình tôi rất khổ cực. Ba tôi là người hoạt động cách mạng trong nội thành nên bị Mỹ - Ngụy bắt một vài lần. Em trai thứ hai Hồ Đại Đức đi du kích, hy sinh tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) năm 1966. Bản thân tôi cũng bị bắt một vài lần vì trốn lính. Đất nước hòa bình, nhờ có cách mạng, có Bác Hồ tôi mới được như ngày này. Có thể thảnh thơi đi khắp nơi chụp ảnh chợ. Tôi biết ơn Bác Hồ nhiều lắm. Nên hàng năm đều nhắc nhở con cháu cùng dâng hoa lên tượng đài Bác để tưởng nhớ công ơn của Người”
Hương Lam