Từ cơ duyên võ học
14 tuổi ông đã được theo học một danh sư xuất thân từ Thiếu Lâm Bắc phái tại Việt Nam. Nói về người thầy đầu tiên của mình, võ sư Nguyễn Hồng Vạn cho biết: "Xưa kia, những bậc cao nhân võ thuật không mấy khi xuất đầu lộ diện, có khi giáp mặt mà ta chẳng biết là ai. Tôi cũng vậy, từ nhỏ tôi đã nghe và biết võ sư Võ Duyên Sơn, chưởng môn phái Hắc Long. Môn phái này vốn xuất thân từ hệ phái thuộc Thiếu Lâm Bắc phái tại Việt Nam.
Được biết, cậu bé Hồng Vạn theo danh sư Duyên Sơn rèn giũa võ nghệ hơn 6 năm. Khi 20 tuổi, nhận thấy võ học vô biên, Hồng Vạn từ giã sư phụ Duyên Sơn và theo học võ sư Võ Minh Thế, chưởng môn phái Võ Trận Bình Định.
"Tôi muốn tìm một cái gì đó là tinh túy của dân tộc, đậm chất dân tộc. Môn phái này trước đây có tên là Triệt quyền phái, sau đổi là Võ Trận Bình Định, dựa trên nền tảng là những chiêu thức đánh cận chiến trong trận pháp do vua Quang Trung sáng tạo, do vậy nó rất hữu hiệu trong chiến đấu, vì đòn thế hiểm độc, ra chiêu là hạ đối thủ ngay, nhanh gọn, không hoa mĩ", ông nói.
Màn công phá gạch của thầy trò võ sư Nguyễn Hồng Vạn
Sau 3 năm khổ luyện, Hồng Vạn lại có dịp gặp một cao nhân với nội công thâm hậu. Người đó chính là võ sư Hàn Hải, đệ tử chân truyền của Huyền sư lý gia võ học quốc tế đại lực sĩ Hàn Thanh.
Nói về sư phụ Hàn Hải, không thể không nhắc tới võ sư Hàn Thanh. Theo lời ông, Hàn Thanh vốn là một võ sư nức tiếng Sài Gòn trước năm 1975. Ông từng vào võ đường của võ sư đoàn Tâm ảnh, chưởng môn phái Côn Luân, để cùng trao đổi võ thuật và được các bậc tiền bối có tên tuổi nhận định là người giỏi toàn diện về võ thuật, từ công phu nội công đến quyền thuật.
Tuy nhiên, mặc dù vốn là cao đồ của danh sư Hàn Thanh nhưng sư phụ Hàn Hải lại không muốn xuất đầu lộ diện dù mang nặng trên vai di nguyện của sư phụ là phải truyền thụ lại những tuyệt kỹ võ thuật của bổn phái và không để thất truyền.
Sau lần gặp mặt người thanh niên Nguyễn Hồng Vạn, Hàn Hải nhanh chóng nhận ra tố chất và ngọn lửa đam mê võ thuật ngùn ngụt cháy trong người anh. Và Hàn Hải quyết định đem hết tâm huyết, những tuyệt kỹ võ học do sự phụ Hàn Thanh một đời khổ luyện mà thành truyền lại cho Hồng Vạn.
Vào tháng 9/2006, từ chương trình Chuyện lạ Việt Nam, giới võ học bắt đầu biết nhiều hơn về một Nguyễn Hồng Vạn với những dị công đầy bất ngờ, khó tin. Theo đó, trong lần lên sóng trên, trước ống kính và hàng ngàn khán giả, người xem chứng kiến ông ngồi xếp bằng nhờ các đệ tử xếp những chồng gạch lên đầu rồi dùng búa tạ nện xuống khiến những viên gạch nát vụn.
Hơn thế, như những chương trình biểu diễn khắp Nam Bắc trước đó của mình, ông lại nằm ngửa cho xe chiếc xe du lịch 16 chỗ ngồi cán ngang qua bụng mà không cần đệm gạch tạo độ bám cho bánh xe. Ngỡ ngàng và khó tin hơn, nếu như thế giới võ học đã từng biểu diễn tuyệt kỹ thi triển khinh không đi trên mặt nước, Nguyễn Hồng Vạn khiến người xem sững sờ và thót tim bằng màn đi chân không trên than hồng đang cháy đỏ rực.
Võ sư Nguyễn Hồng Vạn
Truyền nhân của Thất thập nhị huyền công huyền thoại
Võ sư Nguyễn Hồng Vạn cho biết: "Sau khi được sư phụ Hàn Hải thu nhận và chấp thuận truyền dạy nội công, tôi không lúc nào ngừng nghỉ tập luyện. Cuối cùng sau hơn 10 năm luyện tập đằng đẵng, tôi đã lĩnh ngộ được Thất thập nhị huyền công vốn là tinh túy của sư phụ".
Giải thích về loại võ công trên, võ sư Hồng Vạn cho biết: "Thất thập nhị huyền công, chính là 72 chiêu thức võ công nội công của bổn phái. Nguyên lý nền tảng võ công của nó gồm 7 chương là: Vận hành khí lực, Hỗn nguyên khí lực, Ngũ hành chưởng lực, Thiên cơ phúc, Bích hổ du tường, Cách không đảo nguyệt, Không không minh. Mỗi chương có 7-8 hoặc nhiều chiêu thức khác nhau. Vận hành khí lực luyện trong 2 tháng.
Nó gồm nhiều chiêu thức giúp cơ thể biết luồng gió, hơi thở của mình đạt được tới đâu. Chương này có những chiêu như: Mãnh long độc chưởng, Âm dương chưởng pháp, Ngũ long bộ Hỗn nguyên khí lực là hít hơi, chuyển hơi thở đưa hơi khí vào nơi mình muốn. Chương này học mất khoảng 6 tháng. Khi hoàn thành hết hai giai đoạn trên thì chuyển qua luyện Ngũ hành chưởng lực, tức dùng tay công phá những vật cứng như đá, gạch... Thiên cơ phúc là cho xe cán qua người…
"Cứ như vậy, chăm chỉ luyện tập, sau 10 năm, tôi đã thành thục và nằm lòng những tuyệt kỹ trên. Tuy nhiên, thời gian dài chưa phải là thách thức lớn nhất của một người luyện võ chân chính, ông khẳng định. Theo đó, để có thể đạt đến đỉnh cao võ học hay còn gọi là cảnh giới võ học, người luyện còn phải đối mặt với hàng ngàn thách thức".
Chia sẻ về những khó khăn trên ông cho biết: "Để đối phó với thời gian người luyện phải quên ngày thành tài bằng sự kiên trì, bền chí hơn rất nhiều người thường. Phải tuyệt đối tuân thủ một cách nghiêm ngặt những hướng dẫn của người dạy, phải biết vượt qua những đau đớn về thể xác. Về tác động bên ngoài, phải luyện lúc trời mát, không khí trong lành, tinh khiết. Lúc không khí ô nhiễm không thể luyện khí được. Nếu luyện sẽ gây tác hại. Do vậy, phải luyện vào sáng sớm hoặc buổi tối. Hàng ngày, bản thân tôi thường luyện từ 23h đến 4h sáng hôm sau".
Chia sẻ với chúng tôi về những tuyệt kỹ mà ông đã thi triển trong các chương trình biểu diễn cũng như đã được xác lập kỷ lục Việt Nam, võ sư Hồng Vạn khẳng định: "Tôi thực hiện được những tuyệt kỹ đó, đặc biệt là tuyệt kỹ đi chân không trên than hồng là do tôi đã đạt đến trình độ Không không minh".
Giải thích về thuật ngữ trên, ông cho biết: "Không không minh, nghĩa là không biết, không thấy, là đạt cảnh giới thượng thừa của bổn phái và võ học, người tập có thể có nhiều khả năng võ công kỳ dị, trong đó có khả năng đi trên than hồng mà chân không hề bị làm sao".
Cũng theo lời võ sư Hồng Vạn, để có thể biểu diễn như tiết mục trên, người học nội công cần phải đạt đến độ Không không minh. Khi ấy, con người dường như thoát xác, mọi tác động bên ngoài gần như không ảnh hưởng đến cơ thể hay đúng hơn, cơ thể được bảo vệ bằng một lớp khí lực dồi dào mà người luyện môn này phải dày công rèn luyện với nhũng khoảng thời gian dài nhất định.
Đến nay, sau khi đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường võ học, võ sư Nguyễn Hồng Vạn vẫn trăn trở phát dương quang đại nền võ học nước nhà. Được biết, hiện ông đang cố tích góp để mở võ đường để truyền dạy Thất thập nhị huyền công và thuốc nam cổ truyền như một phương cách níu giữ, phát huy những tinh túy của võ học Việt Nam.
Hà Nguyễn