Theo đó người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Trước đây khi nguyên tắc này chưa được ghi nhận trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, có nhiều trường hợp người có thẩm quyền xử phạt lại bắt người vi phạm chứng minh rằng mình không vi phạm để không bị phạt. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của hệ thống pháp luật công.
Nhưng theo quy định mới từ ngày 1/7/2013 người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được hành vi của một người là vi phạm hành chính, nếu không chứng minh được thì không được xử phạt. Nguyên tắc này đảm bảo trong quá trình xử phạt người có thẩm quyền không làm khó người dân, không lạm quyền và áp đặt ý chí chủ quan của người xử lý vi phạm.
Người có thẩm quyền có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính
(Ảnh minh họa)
Chẳng hạn, trường hợp quy định về xử phạt “xe chưa sang tên”, người tham gia giao thông không có nghĩa vụ phải chứng minh xe mình đang đi là xe của ai mà khi bị dừng xe chỉ cần xuất trình đủ đăng ký xe, bằng lái, bảo hiểm… Cảnh sát giao thông không có quyền được hỏi người điều khiển xe về việc “sang tên đổi chủ” bởi vì người tham gia giao thông không có nghĩa vụ chứng minh về việc này.
Việc chứng minh xe chưa sang tên, đổi chủ là trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền thông qua công tác đăng ký sang tên; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; trường hợp vi phạm đến mức bị tạm giữ xe… Qua điều tra nghiệp vụ, nếu cơ quan chức năng xác định được chiếc xe đã mua bán quá hạn 30 ngày mà không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định mới được xử phạt người đang sử dụng xe.
Ngoài nguyên tắc tiến bộ này, Luật xử lý vi phạm hành chính còn quy định không được xử phạt hành chính trong các trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; phòng vệ chính đáng; sự kiện bất ngờ; sự kiện bất khả kháng; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính hoặc chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Nếu người vi phạm hành chính gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Giang Quyết