Những ngày qua, sự việc trao nhầm con của gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị Hương ở Ba Vì thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Hiện tại, hai bé bị trao nhầm 6 năm trước vẫn chưa được trở về đúng với gia đình thật sự của mình.
Được biết, điều mong mỏi nhất của gia đình anh Sơn cũng như chị Hương hiện tại là làm sao cho hai đứa trẻ được nhanh chóng đoàn tụ với nhau.
Tuy nhiên, việc làm thế nào để hai đứa trẻ không bị tổn thương tâm lý khi về với gia đình mới cũng là câu hỏi nhiều người quan tâm. PV cũng đã lắng nghe những tâm sự của chị Lê Thanh Hiền (Thanh Trì, Hà Nội), người con bị trao nhầm trong câu chuyện trao nhầm con 29 năm ở Hà Nội.
Theo đó, khi theo dõi sự việc trao nhầm con ở Ba Vì, chị Hiền đã khóc vì bản thân chị thấy hình ảnh của mình trong đó, chị thấy thương hai đứa trẻ.
“Phải là người trong cuộc mới hiểu hết được nỗi đau mà họ đang phải trải qua. Tôi phải mất 5 năm mới dần nguôi ngoai và chấp nhận sự thật. Tôi thương hai đứa trẻ và thấy hình ảnh của mình trong đó. Tôi không biết chúng sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để chấp nhận gia đình mới, chấp nhận người xa lạ trở thành bố mẹ mình”, chị Thanh Hiền bộc bạch.
Bên cạnh đó, trước những lời trách chị Hương không muốn trả con, chị Thanh Hiền cho rằng không nên trách chị Hương vì tình mẫu tử là thiêng liêng. Người mẹ này không đành lòng trao con bởi đó vừa là tình thương vì mình đã nuôi dạy con 6 năm qua. “Tôi nghĩ rằng nên để chị Hương có thời gian tĩnh tâm”, chị Thanh Hiền nói.
Bên cạnh đó, đưa ra lời khuyên để hai bên có cách giải quyết sự việc ổn thỏa, hợp tình, hợp lý nhất. Chị Thanh Hiền cho rằng hai bên gia đình nên ngồi lại với nhau.
Chị Thanh Hiền cho biết thêm: “Cả hai gia đình nên ngồi lại, nói chuyện cởi mở để tìm ra phương án hợp tình, hợp lý tránh làm đường đột, gây ảnh hưởng đến tâm lý của hai đứa trẻ. Nên cho hai bé đi lại, làm quen từng bước với gia đình mới. Đồng thời, bố mẹ cũng nên giải thích cho các con hiểu chứ không nên ép buộc trẻ”.
Xem thêm video: Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi trao con!