Người cuối cùng “giữ lửa” cho phố Lò Rèn

Người cuối cùng “giữ lửa” cho phố Lò Rèn

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

"Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn /Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi /Suốt tám giờ chân than, mặt bụi", có lẽ cũng chính vì thế mà phố Lò Rèn của Hà Nội giờ đã thưa vắng tiếng đe, lạnh ngắt lò than hồng. Ông Nguyễn Thế Lai, một trong những người hiếm hoi còn giữ lại nghề bùi ngùi nuối tiếc những ngày xa xưa.

Vang bóng một thời

Phố Lò Rèn chỉ dài chừng vài chục mét, số lẻ thì từ số 1 đến 27, số chẵn từ 8 đến 42. Cho đến bây giờ, người ta vẫn còn kể cho nhau nghe về thời vàng son của phố. Ngày ấy, nhà nào cũng đỏ bếp, không ngớt tiếng quai búa. Nhưng thời cuộc và do nguồn thu của nghề rèn không đáng là bao nên cả phố Lò Rèn giờ đây chỉ còn lại duy nhất hai gia đình bám trụ với nghề. Tất cả đều chuyển sang buôn bán quần áo, inox, cắt tóc, gội đầu, karaoke, chẳng ai còn thiết tha giữ nghề cho đúng với tên con phố họ đang sống.

Giữa cơn mưa xuân lất phất và cái rét như cứa vào da thịt của tiết trời Hà Nội ngày giáp tết, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thế Lai ở số nhà 30, một người có ba đời làm nghề thợ rèn và là người hiếm hoi còn yêu và thổi bếp cho đến ngày hôm nay.

Khi chúng tôi đến, ông đang tán một con dao rựa bên bếp than cháy rực lửa. Ông chỉ mặc mỗi một chiếc áo cộc mỏng để lộ những bắp thịt nâu bóng rắn chắc hiếm thấy ở một người đàn ông đã bước qua tuổi lục tuần. Vừa quệt những giọt mồ hôi đang bốc hơi trên khuôn mặt dính vài vết nhọ, ông mời chúng tôi ngồi chờ ông để ông làm nốt việc.

Vài phút sau, ông lau bàn tay đỏ ửng với những ngón vuông vức cẩn thận. Sau khi xong việc, ông cho biết, đây là công việc cuối cùng của ngày hôm nay, vì giờ không còn nhiều khách đặt hàng nữa, chỉ làm nửa buổi, còn nửa buổi ngồi chơi uống trà chờ việc.

Sự kiện - Người cuối cùng “giữ lửa” cho phố Lò Rèn

Ông Nguyễn Thế Lai - Người đang “giữ lửa” cho nghề rèn.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp cho xây dựng nhiều nhà cửa, làm đường xe lửa và các cầu sắt. Họ đưa vật liệu từ Pháp sang, thế nhưng có những thứ vẫn phải đặt làm tại chỗ như bu lông, bản lề, cửa sắt. Dân ta khéo tay, làm những vật dụng đòi hỏi cần kỹ thuật cao như ban công, cửa sắt, vì thế người Pháp khá tín nhiệm. Cũng chính vì làm những vật dụng mới cho Pháp mà phố Lò Rèn xưa được người dân gọi là hàng Tây để phân biệt với hàng ta cổ truyền. Tiếp đến, người thợ rèn làm hai thứ đó là đinh ốc và các thanh sắt để phục vụ cho xây dựng đường xe lửa.

Một thời gian sau người trong phố chuyển sang rèn cày bừa cho nông dân Hà thành và những vùng lân cận. Từ ấy phố có tên Hàng Bừa. Cày bừa, cuốc xẻng sản xuất ra rất được người dân yêu thích vì các vật dụng đều rất sắc, chất liệu gang tốt. Sau này, do nhu cầu của cuộc sống, họ chuyển dần sang rèn những vật dụng như cuốc, liềm, dao, kéo. Cái tên phố Lò Rèn được chính thức có từ năm 1945.

Gia đình ông Nguyễn Thế Lai có ba đời đều làm nghề thợ rèn và đời nào cũng nức tiếng. Cụ Nguyễn Thế Canh - tức cha của ông Nguyễn Thế Lai - là một trong những người có danh trong đất Hà thành. Vào những năm 1948 -1949, chính cụ Canh là người sáng chế ra chiếc xích lô đầu tiên của Hà thành. Đó cũng chính là thời gian nghề rèn của gia đình ông hưng thịnh nhất. Ngày ấy, hàng làm đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Nhà ông còn phải mướn thêm người ở vùng khác về làm. Bình quân một ngày thu nhập của gia đình có khi được đến vài lạng vàng.

Không chỉ sản xuất, làm giàu, cụ Canh còn tham gia phục vụ kháng chiến. Cụ cùng với hai người bác bí mật rèn súng kíp, giáo, mác cho tự vệ để cướp chính quyền. Đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Một trong những thành viên tiêu biểu nhất có cụ Canh và những người thân trong gia đình.

Nỗi buồn không người kế tục

Giờ đây, thời cuộc thay đổi, người ta không còn muốn gắn bó với cái nghề ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi này nữa. Công việc vất vả lại thu nhập không cao so với mở quán karaoke, mở shop thời trang, cũng vì thế nghề này bị mai một dần. Nhiều người trẻ không còn biết vì sao phố có tên Lò Rèn. Cuộc đời của ông Lai trải qua 65 năm và cũng chừng ấy năm gắn liền với nghề cực nhọc này.

Ông nói: "Khổ lắm, làm cái nghề này phải chấp nhận, vậy mà giờ đây thu nhập chẳng đáng là bao, một ngày nhiều lắm thì một đôi trăm. Trong khi đó để làm được việc thì không hề dễ. Làm nghề này phải cẩn thận từng chi tiết, từng milimet, bởi nếu chỉ cần lệch một chút sẽ không ra sản phẩm như ý muốn. Khi rèn bắt buộc phải có hai người thợ, phó cả và phó hai. Phó cả phải biết nhìn lửa để xem đã đủ nhiệt hay chưa, chỗ nào cần quai búa. Thợ cả và thợ phó phải ăn nhập hết sức hài hòa. Thợ phó phải hiểu được những hiệu lệnh của thợ cả. Đôi khi hiệu lệnh là tiếng búa phụ, hiệu lệnh bằng tay, bằng mắt".

Sau cái thời kiếm ngày vài chỉ vàng, nhà ông Lai chuyển sang sản xuất những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Mỗi thời mỗi khác, vài năm về trước nhà ông sản xuất khá nhiều máy ép nước mía. Nhưng rồi, cũng chẳng được bao lâu, nhiều cơ sở đại trà khác cũng cạnh tranh và liên tiếp tung ra những chiếc máy có kiểu dáng đẹp và giá thành rẻ hơn. Khách đến với nhà số 30 cũng thưa dần. Ông Lai lại sản xuất những dụng cụ đời thường, các dụng cụ cho thợ xây, thợ khoan cắt hay những chi tiết máy móc nào đó.

Sự kiện - Người cuối cùng “giữ lửa” cho phố Lò Rèn (Hình 2).

Xuân này, ông Lai bước sang tuổi 66, tuy dáng người còn khá rắn chắc nhưng bệnh tật bắt đầu tìm đến. Ông tâm sự, nhiều hôm khi đang rèn mà mặt mày cứ xây xẩm, mọi vật xoay như chong chóng. Ông còn bị bệnh về đường hô hấp do suốt ngày phải hít bụi than. Bụi rất nhiều nên ngày nào rèn xong, mũi đều có một cục đen sì bụi bẩn tích tụ. Vì thế, nếu không có tình yêu nghề thì không thể duy trì được suốt mấy chục năm qua.

Đến đời ông, nghề quai búa, thổi bếp than đã được ba đời. Con trai duy nhất của ông, anh Nguyễn Tiến Thành học xong trung cấp điện, chẳng hiểu duyên nợ thế nào lại quyết định nối nghiệp cha. Tuy nhiên, ông Lai không lấy điều đó làm vui. Bởi lẽ gần chục năm vào nghề, nhưng ông Lai nhận thấy ở anh Thành không có niềm đam mê, không có sự yêu nghề.

Ông chia sẻ: "Không yêu nghề thì làm sao mà làm tốt được, tôi biết điều đó qua những quai búa của con". Rồi ông cũng tự an ủi mình: "Thôi thì nghề này vất vả, nếu tìm được nghề nào thu nhập khá hơn thì cũng đành để chúng nó theo nghề đó. Có lẽ vài năm nữa, cô qua đây không còn nhìn thấy cảnh cha con tôi ngồi tay đe tay búa như thế này đâu. Chẳng biết rồi đây, tên phố có còn giữ được không".

Theo một số tài liệu ghi chép, người dân phố Lò Rèn là người gốc làng Hòa Thị (làng Canh huyện Từ Liêm) có nghề cổ truyền đặt bể rèn các đồ dân dụng bằng sắt. Người làng Canh gánh lò bễ đi khắp các nơi, chợ búa, thành thị và nông thôn, rèn thuê. Họ rèn những nông cụ (cuốc, mai, thuổng, răng bừa, lưỡi cày, liềm hái), những đồ dùng gia đình (dao, kéo), đồ dùng của thợ cạo, thợ mộc, thợ may cùng những vũ khí nhỏ (dao ba, dao bảy, mã tấu, mác, sỉa).

Thành Huế


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.