Người cựu chiến binh chạy xe ôm đi tìm kỷ vật chiến tranh tặng bảo tàng

Người cựu chiến binh chạy xe ôm đi tìm kỷ vật chiến tranh tặng bảo tàng

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 6, 27/07/2018 11:36

Đã dành một phần cuộc đời mình cho chặng đường kháng chiến nhiều gian khổ, khi trở về cuộc sống hòa bình, cựu chiến binh Mai Văn Đề vẫn ngày ngày sưu tầm kỷ vật thời chiến, tặng cho bảo tàng.

image

Những năm tháng không thể nào quên

Năm 1972, khi chiến tranh đang khốc liệt, chàng trai Mai Văn Đề (Đình Thôn, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi đó vừa tròn 18 tuổi. Theo tiếng gọi Tổ quốc, ông Đề nộp đơn xin nhập ngũ và đóng quân tại Quân khu 3. Sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc, ông được điều chuyển tới Sư đoàn bộ binh số 9 vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ.

Tại chiến trường miền Nam, ông Đề cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Ngày 8/6/1973 ông tham gia trận đánh đầu tiên tại Quốc lộ 13 và tính đến tháng 5/1974 ông tham gia 16 trận đánh lớn nhỏ. Ông kể, sau Hiệp định Paris, Mỹ rút quân nhưng giao tranh vẫn vô cùng khốc liệt.

Chính trị - Người cựu chiến binh chạy xe ôm đi tìm kỷ vật chiến tranh tặng bảo tàng

Trở về sau kháng chiến, ông Đề vừa làm xe ôm vừa đi tìm kỷ vật kháng chiến tặng lại bảo tàng.

“Trong trận đánh ngày 24/5/1974, tôi bị thương, sau 2 tháng nằm viện rồi được chuyển về chế độ điều dưỡng. Đầu năm 1975 khi nghe tin ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi quyết tham gia góp sức. Không được cầm súng thì ở hậu cần, kiểu gì cũng phải góp chút sức cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, ông Đề bồi hồi nhớ lại.

Đến nay, điều còn hằn in trong tâm trí ông không phải vết thương mà là tình cảm gắn kết giữa những người lính. “Đồng đội thấy tôi bị thương nên cũng không cho làm việc nặng. Lúc rảnh, tôi tìm nơm bắt cá, xin ná (súng cao su -PV) bắn chim để cải thiện bữa ăn cho anh em”, ông Đề kể lại. 

Tháng 4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất. Đến năm 1992, ông Đề xuất ngũ trở về quê hương, tham gia vào những hoạt động của địa phương, xây dựng gia đình và bươn chải với cuộc sống mưu sinh thường nhật. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian sưu tầm những kỷ vật thời kháng chiến để dành tặng bảo tàng.

Vừa làm xe ôm, vừa tìm ký ức

Trợ cấp xã hội không đủ sống, ông Đề làm nghề xe ôm phụ giúp gia đình. Cuộc sống còn thiếu thốn nhưng ông luôn đau đáu làm sao để tìm lại những kỷ vật thời chiến có ý nghĩa. Từ suy nghĩ biến thành hành động, mỗi lần chở khách, ông đều hỏi han, liên hệ với những người còn lưu giữ kỷ vật thời chiến rồi thuyết phục họ hiến tặng cho bảo tàng. Cứ thế, ông Đề đã chuyển hơn 70 kỷ vật ý nghĩa cho bảo tàng Hậu cần Quân sự (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).

Cầm chiếc bình tông trên tay, người cựu chiến binh tâm sự: “Nhiều người không biết cứ nghĩ tôi phải tốn tiền mua những kỷ vật này, nhưng kỳ thực không phải. Đây đều là những kỷ vật kháng chiến gắn liền với chủ nhân của nó, tiền bạc không thể mua nổi”. Ông Đề tiếp lời: “Trưng bày ở bảo tàng để thế hệ mai sau biết đến”.

Clip: Chuyện người cựu binh làm xe ôm tìm kỷ vật cho bảo tàng

 

Trong cuộc hành trình đó, ông Đề gặp phải không ít khó khăn, thậm chí có người còn hoài nghi về lòng tốt của ông, hoặc nghĩ ông đang lừa họ để trục lợi cho bản thân. Thế nhưng, gạt bỏ tất cả người cựu chiến binh ấy vẫn kiên trì, thầm lặng thuyết phục mọi người.

Cách đây khoảng 3 năm, ông Đề chở một vị khách về Thạch Thất (Hà Nội). Như thường lệ, ông bắt chuyện và được biết đó cũng là một cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ. Vị khách kể rằng mình còn giữ một số kỷ vật kháng chiến, trong đó tâm đắc nhất là chiếc dao cạo râu thu được từ một lính Mỹ trong chiến dịch Khe Sanh.

“Ngay lập tức trong đầu tôi đặt mục tiêu phải xin về để tặng lại cho bảo tàng. Nhưng tới nơi tôi có phần chùn bước, bởi chiếc dao cạo râu nhỏ bé được đặt trang trọng và chụp kính trong chiếc tủ ở chính giữa phòng khách. Tôi hiểu kỷ vật này có ý nghĩa như thế nào đối với người cựu chiến binh ấy”, ông Đề bộc bạch.

Đúng như dự đoán, người cựu chiến binh thể hiện chất “rắn” của bộ đội dù tiếp đón, mời cơm ông vô cùng chu đáo, lại trả thêm tiền xe nhưng còn kỷ vật kia, ông Đề chưa kịp mở lời đã bị gạt phắt.

“Một hôm ở bảo tàng Hậu cần có buổi tham quan của các cháu học sinh tiểu học, tôi đi qua và nảy ra ý tưởng quay lại cảnh các cháu được nghe giới thiệu về những kỷ vật đó. Bằng những hình ảnh ghi lại đầy chân thật, tôi cho vị khách kia xem và lần này, ông ấy đã bị tôi thuyết phục”, ông Đề vui vẻ nhớ lại.

Nói về một “ca” khó, ông Đề cho biết: “Hiện một cựu chiến binh ở Hòa Bình còn giữ 3 kỷ vật rất có ý nghĩa từ thời kháng chiến chống Pháp. Cách đây một năm tôi có chở khách về và biết được. Tôi đã dành cả buổi sáng thuyết phục ông ấy tặng lại mà không được. Tháng trước tôi lại ghé qua, lần này ông ấy có vẻ mủi lòng nhưng vẫn chưa đồng ý”.

Những kỷ vật biết nói

Đằng sau mỗi chiếc bình tông, thắt lưng, chiếc đèn pin... là một câu chuyện về thời chiến. Tất cả đều được vị cựu chiến binh nâng niu, lau chùi cẩn thận trước khi tặng lại cho bảo tàng. “Không tin mình còn sống mà trở về, giờ đây tôi chỉ biết tiếp tục sống và cống hiến sức lực của mình góp phần gìn giữ những hiện vật lịch sử cho thế hệ mai sau”, ông Đề cười và nói.

Ông Đề bảo, những kỷ vật thời chiến dù nhỏ bé, nhưng nó chứa đựng biết bao ký ức của những người lính một thời chiến đấu vì đất nước thống nhất. Bao nhiêu tiền họ cũng sẽ không bán, chỉ có tấm lòng, tấm lòng chân thành mới thuyết phục được chủ nhân của những kỷ vật đó mở lòng.

Chính trị - Người cựu chiến binh chạy xe ôm đi tìm kỷ vật chiến tranh tặng bảo tàng (Hình 2).

Cựu chiến binh Mai Văn Đề cho biết, mỗi kỷ vật nhỏ bé chứa đựng sau đó là những câu chuyện vĩ đại.

“Giờ đây mỗi khi nhìn thấy, được nghe những câu chuyện đằng sau mỗi kỷ vật mà mình sưu tầm được, tôi lại tự nhủ bản thân phải cố mang về thật nhiều kỷ vật hơn nữa, để nhiều người được biết đến”, ông Đề nói giọng đầy quả quyết.

Chia tay người cựu chiến binh, trong lòng tôi còn nhớ mãi câu nói khẳng khái của người lính bộ đội Cụ Hồ: “Năm nay tôi 65 tuổi, người thân khuyên không nên đi xa tìm kỷ vật nữa.  Nhưng tôi sẽ tiếp tục làm công việc này đến ít nhất 70 tuổi”.

Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, Chi hội trưởng hội Cựu chiến binh phố Đình Thôn, Nguyễn Mạnh Linh cho biết: “Cựu chiến binh Mai Văn Đề là người nhiệt tình và hăng hái tham gia đóng góp ủng hộ hỗ trợ những cựu chiến binh, thương bệnh binh khó khăn trên địa bàn. Những kỷ vật mà ông Đề tìm được và tặng cho bảo tàng đối với chúng tôi đó là kỷ vật vô giá”.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.