Triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" đang diễn ra tại TP.HCM đang gây nên tranh cãi khi trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật, (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người) đã được nhựa hóa bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người.
GS.TS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng viện Tim mạch Quốc gia, cũng đưa ra quan điểm của mình liên quan tới triển lãm này. Theo Giáo sư, đây là cuộc triển lãm không có đạo đức, rất dã man và thô thiển.
“Không chỉ là cánh tay và mô, xương, mạch máu… trong cuộc triển lãm này còn có cả những trẻ sơ sinh. Đó đều là những cơ thể thật, nội tạng thật nhưng đã được nhựa hóa bởi công nghệ Plastination.
Đứng về mặt nghệ thuật thì tốt nhưng về mặt đạo đức là âm tính chứ không phải chỉ là con số”, GS.TS Phạm Gia Khải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị Giáo sư này cũng cho rằng, chúng ta không nên làm cuộc triển lãm này. Bởi lẽ, nó không phù hợp với văn hóa người Việt Nam, kể cả văn hóa châu Âu, châu Mỹ cũng không phù hợp.
Theo thông tin PV được biết, vé vào xem triển lãm là 200.000 đồng/người (sinh viên trường y được vào xem miễn phí). Trước thông tin này, GS.TS Phạm Gia Khải cho hay: “Tôi phản đối cuộc triển lãm này từ A đến Z, những người đã chết rồi mà họ còn mang ra để kiếm tiền. Nhiều người chạy theo lợi nhuận quá và đồng tiền đã len lỏi vào tất cả mọi nơi.
Người ta có thể làm mô hình giống người nhưng không phải người thật vì chúng tôi dạy học cũng chỉ bằng mô hình. Tôi không hiểu tại sao triển lãm này lại được mở tại môi trường ở nước ta? Mở để nhằm mục đích gì?
Có những người coi chuyện đó là thường nhưng thực ra rất nguy hiểm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên cho dừng cuộc triển lãm này”.
Cũng theo GS.Khải, những gì được trưng bày ở cuộc triển lãm trên không thể được xem là sự thích thú, không được mang ra để thỏa mãn trí tò mò.
Theo luật sư Xuân Cường - Trưởng ban Hình sự, công ty Luật Trương Anh Tú thì, việc tiến hành đem những bộ phận cơ thể, xác người đã chết vào một cuộc triển lãm, bán vé thu tiền (mục đích thương mại) là hành vi trái luân thường, đạo lý, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Bởi lẽ, trong văn hóa Á Đông nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng, khi một người đã chết thì phần xác của họ cần phải chôn cất theo đúng phong tục tập quán với ý niệm là để người chết được yên nghỉ ở nơi vĩnh hằng.
Khi được pháp luật cho phép, trước khi chết những người hiến tặng bộ phận cơ thể, hiến xác được hiến tặng bộ phận cơ thể của mình cho những mục đích mà pháp luật quy định rất hạn chế, đó là mục đích chữa bệnh, mục đích nghiên cứu khoa học. Đó là những ý nguyện vô cùng cao đẹp của người hiến tặng.
Do vậy, khi đã nhận được bộ phận cơ thể, xác của người hiến tặng thì cá nhân, tổ chức cần sử dụng vào đúng mục đích pháp luật cho phép và theo ý nguyện của người hiến tặng. Thực hiện đúng điều này mới thể hiện được hết hành động nhân văn và cũng là tôn trọng ý nguyện của người đã khuất.
“Việc đơn vị tổ chức cuộc triển lãm lại đem bộ phận cơ thể dùng vào việc trưng bày, bán vé thu tiền với mục đích thương mại thì rõ ràng đã làm trái với ý nguyện của người đã khuất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và rất đáng bị lên án”, luật sư Xuân Cường trao đổi.
Nguyễn Huệ