Người đam mê với búp bê 54 dân tộc

ctv ban tk

ctv ban tk

Thứ 5, 31/08/2023 08:00

Với khối óc sáng tạo và đôi bàn khéo léo, họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh (Hà Nội) đã tái hiện trang phục của 54 dân tộc Việt Nam trên những mẫu búp bê xinh xắn.

Chạnh lòng vì búp bê Viêt Nam bị ngó lơ

Vốn sinh ra ở Làng cổ Đường Lâm, nhưng tuổi thơ của họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh lại gắn liền với phố cổ Hà Nội – nơi chắp cánh cho những giấc mơ trên con đường nghệ thuật của anh sau này. Ngay từ nhỏ, anh đã được tiếp xúc với nhiều đoàn khách du lịch, được nghe họ giới thiệu về những sản phẩm lưu niệm truyền thống. Tuy nhiên điều khiến anh trăn trở nhất là búp bê làm quà lưu niệm vẫn chưa được ưa chuộng.

Hàng ngày, thấy những hình ảnh những cô búp bê bằng giấy, bằng len được bày bán trong các quầy lưu niệm, nhưng không có khách hỏi mua khiến anh chạnh lòng. Thế nên, chàng trai trẻ luôn ấp ủ mong muốn phát triển quà lưu niệm từ những cô búp bê sao cho đẹp nhất, tinh xảo nhất và mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Và trong quá trình đi ký họa, anh Hoàng Anh đã nảy ra ý tưởng mang văn hóa người dân vùng cao khoác lên mình những cô búp bê. “Tôi thấy những phục trang mà mình gặp được trong quá trình đi ký họa luôn nổi bật trên nền khung cảnh mây trời miền núi và đẹp hơn tất cả những bức tranh mình từng vẽ. Từ đó tôi chợt nghĩ ra, nếu như vẽ vẫn chưa đủ thì tại sao không tạo nên một cái gì đó mà mọi người có thể cầm lên để ngắm nghía được. Đó là lý do thúc đẩy tôi làm phục trang đồng bào”, anh chia sẻ. Tuy nhiên, công việc thu nhỏ trang phục dân tộc cho búp bê không hề dễ dàng.

Xã hội - Người đam mê với búp bê 54 dân tộc

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh trong một chuyến thực tế tại cộng đồng dân tộc Dao.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh chỉ nhận mình là tín đồ yêu cái đẹp, muốn đưa hơi thở, tiếng nói của đồng bào đến gần hơn với mọi người. Để có thể làm được điều đó, anh đã dành ra 2 năm để đi thực tế tại các bản làng của người Việt, một phần thu thập chất liệu sáng tác, một phần hòa nhập vào cuộc sống của bà con dân tộc để lấy cảm hứng thực hiện nhuần nhuyễn trên từng sản phẩm búp bê.

Khi trở về, họa sĩ Hoàng Anh bắt tay vào thực hiện, vừa làm vừa cố gắng hồi tưởng lại những câu chuyện mà bản thân đã được trải nghiệm cùng với bà con vùng cao để lấy chất liệu sáng tác. Bước đầu tiên trong việc chế tạo búp bê là tìm tòi cách thể hiện mới, thật có hồn cho những cô búp bê xinh xắn. Trước tiên, anh sẽ tiến hành tạo phôi bằng chất liệu composte. Loại chất liệu này vừa bền đẹp lại vừa dễ tạo dáng giống với người thật nhất.

Sau khi đã có được phôi búp bê phù hợp, họa sĩ Hoàng Anh tiến hành tạo hình và vẽ nét mặt cho giống với đặc trưng của mỗi dân tộc. Theo anh, nét chung nhất trong dáng hình và khuôn mặt của phụ nữ các dân tộc là gương mặt tròn trịa vừa hồn hậu vừa mộc mạc, vóc dáng khoẻ khoắn mà cân đối.

Tuy nhiên, trang phục của họ mới thực sự khiến anh dành nhiều tâm sức để thể hiện. Theo chàng trai trẻ mỗi dân tộc có một trang phục riêng với những hoa văn độc đáo, từ màu sắc, hình dáng, quần áo, khăn, vòng cổ, các họa tiết… đều phải đúng với nguyên bản trang phục mỗi dân tộc. “Cái khó nhất của công việc này là người họa sĩ buộc phải biết chắt lọc các họa tiết để trang phục có thể ra được cái tiếng nói của dân tộc mà mình muốn miêu tả”, anh Hoàng Anh bộc bạch.

Theo đó, những bộ váy dân tộc khoác lên mình những cô búp bê được anh Hoàng Anh chú trọng, chọn lựa kỹ lưỡng từ chất liệu vải, hoạ tiết trên miếng vải cho đến những phụ kiện đi kèm. Hình ảnh búp bê của dân tộc Kinh sẽ khác với hình ảnh búp bê người Dao. Người Kinh thông thường sẽ có hoạ tiết rồng phượng thì miếng vải phải được chọn sao cho hình ảnh rồng bay lên và vừa vặn với kích thước của búp bê.

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết, chỉ cộng tác để làm phôi búp bê, còn tất cả các khâu họa mặt, chọn vải, thiết kế… đều tự tay làm. Nguyên liệu để may trang phục cho búp bê chính từ chất liệu truyền thống như thổ cẩm, lụa của dân tộc Việt. Mỗi mảnh vải, màu sắc đều do anh tự tay lựa chọn tỉ mỉ từ vùng cao đem về. Nhờ những nỗ lực đó mà mỗi tạo hình búp bê của họa sĩ Hoàng Anh chỉ cao từ 25-35cm nhưng lại có thể chuyển tải trên đó là ngôn ngữ của sắc màu, của tình cảm, phong thái, rất gần, rất thực với đời.

Từ niềm đam mê của mình với văn hóa dân tộc Việt, họa sĩ Hoàng Anh đã tạo nên bộ sưu tập búp bê đa dạng, độc, lạ, để giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp ấy đến với không chỉ người yêu búp bê Việt mà cả bạn bè năm châu.

Xã hội - Người đam mê với búp bê 54 dân tộc (Hình 2).

Các nghệ nhân dân tộc Tày tới thăm nhà họa sĩ Hoàng Anh.

Niềm vui không chỉ là tiền bạc…

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết, làm búp bê dân tộc chỉ là nghề tay trái, không phải lựa chọn ban đầu, mà hội họa mới là thế mạnh của anh. Thế nhưng, với tình yêu của khách hàng dành cho những cô búp bê do anh làm ra, nhiều khi anh phải chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Đặc biệt, có rất nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài tìm đến anh và đặt mua búp bê. Họa sĩ Hoàng Anh nhớ lại, một cô gái người Việt sinh sống tại nước ngoài đã đặt mua búp bê của anh. Khi nhận gói hàng, cô gái reo lên với anh rằng “em không ngờ nó đẹp hơn trong hình nhiều lần”.

Hay như một khách hàng khác sống ở nước Anh, mua cả tranh và búp bê dân tộc để trưng bày trong không gian sống. Những cô búp bê đằng trước, phía sau có bức tranh phong cảnh Việt Nam làm phông nền. Búp bê và tranh như hòa quyện, một thoáng quê hương sưởi ấm tâm hồn những người con xa quê.

Xã hội - Người đam mê với búp bê 54 dân tộc (Hình 3).

Búp bê của họa sĩ Hoàng Anh được khách hàng trưng bày tại Vương Quốc Anh.

Trong số rất nhiều khách hàng đặt mua búp bê, có một người mà họa sĩ Hoàng Anh rất ấn tượng - đó là cô giáo dạy môn Ngữ văn tại một trường THCS ở Hà Nội. Một ngày nọ, cô giáo tìm đến anh và cho biết, cô chuẩn bị giảng dạy cho học sinh bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Do đó, cô giáo muốn có một cô búp bê mô phỏng theo hình ảnh người mẹ dân tộc Tà Ôi địu con trên lưng để làm dụng cụ trợ giảng.

“Đề bài” mà cô giáo đưa ra có phần lạ lẫm với họa sĩ Hoàng Anh đôi chút, bởi lần này không chỉ làm một cô búp bê đơn thuần như anh vẫn làm nữa, mà còn thêm một em bé đằng sau lưng. Với khối óc sáng tạo và bàn tay tài hoa, từ những chất liệu có sẵn, nghệ nhân Hoàng Anh đã biến tấu ra một “người mẹ” búp bê dân tộc Tà Ôi đang địu đứa con đằng sau lưng. Họa sĩ Hoàng Anh rất vui mừng khi cô giáo hài lòng với sản phẩm của mình.

“Nhiều khi hạnh phúc hơn không phải bởi tiền bạc. Chính những câu phản hồi của khách hàng làm mình thấy mình có giá trị trong cuộc sống, công việc của mình nó hữu ích. Nó giá trị hơn tiền bạc mang lại”, ánh mắt họa sĩ Hoàng Anh lấp lánh niềm vui sướng. Đối với họa sĩ Hoàng Anh, những phản hồi từ khách hàng là động lực để anh chỉn chu hơn trong từng sản phẩm, sao cho xứng đáng với tình cảm khách hàng dành cho mình.

Để có được ngày hôm nay, anh Hoàng Anh cho biết đã từng phải bỏ đi rất nhiều sản phẩm trong giai đoạn mới bắt đầu. Với tính cách cầu toàn và chỉn chu, chàng họa sĩ trẻ không cho phép mình cẩu thả, dễ dàng chấp nhận những sản phẩm không mang đúng tinh thần theo yêu cầu đặt ra.

Đặc biệt, câu chuyện về một chàng shipper trẻ thấy được trang phục của chính dân tộc mình thông qua búp bê của Hoàng Anh khiến chàng họa sĩ rất cảm động và càng có động lực thực hiện đam mê. Đó là một chàng trai người dân tộc Sán Dìu, thường xuyên giao hàng cho anh. Biết trong nhà anh Hoàng Anh có “kho tàng” búp bê dân tộc vùng cao, anh shipper xin phép được lên chiêm ngưỡng.

Xã hội - Người đam mê với búp bê 54 dân tộc (Hình 4).

Nhiều khách hàng nước ngoài yêu thích các sản phẩm đậm chất Việt Nam của họa sĩ Hoàng Anh.

Đứng tần ngần trước hàng chục cô búp bê hồi lâu, anh chàng quay sang hỏi họa sĩ Hoàng Anh đâu là cô búp bê mang trang phục dân tộc Sán Dìu và cho biết anh cũng là người dân tộc, nhưng tìm mãi vẫn không thấy trang phục dân tộc mình đâu. Sau khi họa sĩ Hoàng Anh chỉ chỗ cô búp bê người dân tộc Sán Dìu, chàng shipper lục lại những bức ảnh về người bà thân thương của mình mặc đúng bộ trang phục có họa tiết như trang phục trên búp bê. Anh shipper mừng rỡ xác nhận trang phục búp bê mặc đúng là của dân tộc Sán Dìu. Thì ra ký ức về trang phục dân tộc chỉ còn lưu giữ trong trí nhớ của chàng shipper qua hình ảnh người bà, bởi lẽ những đồng bào dân tộc sinh sống xung quanh anh bây giờ hầu hết đều mặc trang phục hiện đại.

Cho đến nay, anh Hoàng Anh đã có bộ sưu tập búp bê của 46 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc rất ít người, như trang phục của dân tộc Si La (chỉ hơn 900 người). Hoàng Anh đã đến tận bản Seo Hay, Sì Thâu Chải thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi người Si La tập trung sinh sống, để tìm hiểu về đời sống, trang phục của họ.

Chia sẻ về dự định sắp tới, họa sĩ Hoàng Anh cho biết, trong hành trình tìm kiếm những điều mới mẻ, đến một ngày nào đó anh sẽ hoàn thành đủ trang phục 54 dân tộc. Ngoài ra, anh Hoàng anh còn đang ấp ủ ý tưởng sẽ làm thêm búp bê nam mặc trang phụ dân tộc để ghép đôi với búp nữ, thích hợp làm quà tặng đám cưới.

PHƯƠNG UYÊN – ÁNH NGỌC

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.