Sẽ khắt khe hơn nhiều?
Vào ngày 26/10, bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Thủ đô. Hầu hết các ý kiến thẩm định, báo cáo, đều ủng hộ cho việc tiến tới thông qua, ban hành Luật Thủ đô. Với nội dung về các quy định, thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú được Dự thảo Luật Thủ đô đã đưa ra những quy định khá cụ thể tại Điều 19.
Tuy nhiên, về phương án thực hiện vẫn để 2 phương án. Tên của điều luật này là Quản lý dân cư. Đối với việc đăng ký hộ khẩu thường trú tại khu vực ngoại thành Hà Nội, điều 19 quy định được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú. Đối với việc đăng ký hộ khẩu thường trú tại khu vực nội thành Hà Nội đang được tách ra theo hai phương án. Theo phương án thứ nhất: Công dân thuộc các trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con người được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp ở nội thành; người trước đây đã đăng ký thường trú ở nội thành, nay trở về sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình, được đăng ký theo quy định của pháp luật về cư trú.
Nếu không nằm trong diện này thì công dân muốn làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú phải đáp ứng được đăng ký thường trú ở nội thành, nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Trên thực tế, quy định theo phương án 1 này đã có phần khắt khe hơn nhiều so với các quy định hiện hành.
Người dân sẽ ào ạt đăng ký hộ khẩu thường trú từ bây giờ?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, một số luật gia, luật sư cho rằng: Riêng một điểm người thuê nhà phải tạm trú liên tục một nơi trong 3 năm cũng là một điều kiện khá khó để thực hiện liên tục. Mặt khác, một điều kiện khác là tổ chức cá nhân cho thuê nhà phải có đăng ký kinh doanh. Thực tế hiện nay chưa ai thống kê được chính xác có bao nhiêu cá nhân đang cho thuê nhà mà không hề có đăng ký kinh doanh. Điều này, phản ánh thực tế, có người đủ điều kiện làm thủ tục nhưng do yếu tố khách quan ở chủ nhà, nên không thể thực hiện quyền của mình một cách minh bạch. Đối với phương án 2 cũng bao gồm các điều kiện gần tương tự song quy định thêm, nếu công dân thuê nhà thì phải đáp ứng tối thiểu 5m2/người thì mới đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký thường trú. Và cũng phải tạm trú liên tục, tại chỗ 3 năm liền.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cũng nêu ra những điểm rất đáng quan tâm. Ông Lý phát biểu: Về cơ bản Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thấy sự cần thiết của việc ban hành Luật Thủ đô. Tại khoản 4 Điều 19 của dự thảo Luật quy định điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội chặt hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật cư trú và có quy định hai phương án về vấn đề này.
Bên cạnh đó, đối với quy định của Điều 19 về Quản lý dân cư, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm.
Việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với một số đối tượng tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành. Do đó, nhiều ý kiến thành viên ủy ban pháp luật tán thành với Phương án 1 quy định về điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) của công dân ở nội thành Hà Nội như quy định tại khoản 4 Điều 19 của dự thảo Luật. Có một số thành viên ủy ban pháp luật tán thành với Phương án 2, vì cho rằng Phương án này cụ thể, chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác đặt ra là, liệu với những quy định có phần khắt khe này, người dân có ào ạt lo chạy thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú về các quận nội thành trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Làm khó lao động nghèo ngoại tỉnh
Đặt vấn đề này đối với một số chuyên gia pháp lý, nhiều người cho rằng, việc thuê nhà mà đòi hỏi chủ nhà cũng phải có đăng ký kinh doanh là quá khó. Người thuê nhà không thể tự đảm bảo điều này khi đi thuê nhà. Bởi người thuê nhà chỉ biết thuê nhà, còn vấn đề có đăng ký kinh doanh hay không là việc của chủ nhà.
Với người dân có ý thức tuân thủ pháp luật, mong muốn được đăng ký hộ khẩu thường trú kể từ khi đi thuê nhà thì lại phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế khách quan. Do đó, sẽ dẫn đến trường hợp thuê nhà đủ 3 năm liên tiếp nhưng chủ nhà không đăng ký kinh doanh thì cũng không đủ điều kiện. Như vậy lại đặt ra vấn đề, ai sẽ quản lý việc phải đăng ký kinh doanh cho thuê nhà của các cá nhân có nhà cho thuê?
Anh Nguyễn Quang Long đăng ký hộ khẩu thường trú ở phường Trung Thành, Thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi vừa đọc thông tin này trên báo mạng, cá nhân tôi rất băn khoăn. Bản thân tôi cũng đi thuê nhà, có làm thủ tục đăng ký tạm trú với công an phường sở tại và được cấp sổ đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chủ nhà không có đăng ký kinh doanh,mà chỉ làm hợp đồng thuê nhà cho hai bên ký kết. Vậy khi Luật có hiệu lực, tạm trú đủ 3 năm, tôi có làm được thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú?".
Cần điều kiện, thời gian mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý nêu rõ: "Về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này". |
Q.Trung H.Lan