Những lần hiếm hoi diện áo dài
Chưa từng được gặp mặt chị, một người phụ nữ mà chúng tôi được nhiều vị cán bộ làm việc tại Trung ương hội Khuyến học kể cho nghe những ngày trước đại hội. Khi tôi trình bày nguyện vọng được gặp người phụ nữ đặc biệt này với một bác trong đoàn khuyến học TP.Hồ Chí Minh, vị này rất niềm nở và giúp tôi gặp chị "Hồng xe ôm". Đó là cách các vị ủy viên trong hội Khuyến học gọi chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, một trong những đại diện của đoàn TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội tham dự đại hội Thi đua có một không hai này.
Khuôn mặt phúc hậu, vóc dáng đậm đà, da rám nắng, dịu dàng trong bộ áo dài màu xanh, chị Hồng đem đến cho người đối diện cái nhìn thiện cảm của một người mẹ vượt qua nỗi đau mất chồng, vất vả vì con. Có lẽ, đây là một trong số ít dịp chị có cơ hội rời bỏ chiếc khẩu trang và mũ bảo hiểm để được mặc áo dài truyền thống. Bởi hàng ngày, người phụ nữ này phải rong ruổi cùng chiếc xe máy, làm nghề xe ôm để nuôi 4 đứa con khôn lớn. Vị ủy viên hội Khuyến học TP.Hồ Chí Minh nhắn nhủ với tôi rằng, chị "Hồng xe ôm" là một trong những gương mặt tiêu biểu của hội Khuyến học thành phố đợt này.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng là một trong các gia đình hiếu học được tuyên dương.
Vất vả, khó khăn là vậy nhưng khi chúng tôi hỏi về các con của chị, đôi mắt chị Hồng ánh lên, sáng ngời, vui vẻ lạ thường. Chị kể: "Tôi có 4 đứa con. Đứa lớn là Phạm Lộc Hồng Minh, sinh năm 1989, hiện đang học năm cuối, trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn. Đứa thứ hai là Phạm Lộc Hồng Vân, sinh năm 1991, sinh viên năm cuối, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Đứa thứ ba là Phạm Lộc Hồng Oanh, sinh năm 1993, đang học năm thứ hai, trường ĐH Tôn Đức Thắng và cậu con trai út là Phạm Lộc Tòng Bá, sinh năm 1996, đang học trường THPT Nguyễn Trãi và năm tới sẽ thi đại học".
Câu chuyện với chúng tôi đột nhiên chùng xuống khi chị nhắc đến duyên cớ mà chị "thân cò", 15 năm qua nuôi các con khôn lớn. Năm 1998, tai họa ấp xuống ngôi nhà khi chồng chị Hồng ốm và đi kiểm tra phát hiện bị bệnh gan, phải nhập viện. Lúc đó, chị phải bỏ nghề buôn bán tạp hóa để vào bệnh viện chăm chồng. Với chiếc xe Honda cà tàng, mỗi ngày sau khi chăm sóc chồng, chị tranh thủ ra trước bệnh viện An Bình, dựng xe đón khách. Một năm sau, chồng chị qua đời và chị cũng gắn luôn với nghề xe ôm từ đó.
Chị Hồng nghẹn ngào nhớ lại: "Lúc chồng tôi mất, đứa con lớn mới 10 tuổi và con út mới 2 tuổi. Muốn quay lại nghề buôn bán tạp hóa nhưng tôi không còn vốn. Bao tiền có được, tôi chạy chữa, thuốc thang cho chồng hết. Chạy xe ôm thì có tiền ngay, dễ trang trải cuộc sống hằng ngày và cũng dễ đưa đón con đi học". Kể từ đó, trong căn nhà 20m2, chị và các con yêu thương, chăm sóc nhau sống, làm việc và học tập. Một tay chị chăm sóc, nuôi nấng 4 đứa con ăn học. Chị phải làm đủ thứ việc để kiếm tiền, vừa phải chăm lo cho các con thơ với vài trò cả mẹ lẫn cha. Cái nghề chạy xe đến với chị như một duyên nghiệp vì thuận tiện cho chị đưa đón con đi học. Từ ngày chồng mất, mỗi ngày của chị bắt đầu lúc 3h sáng bằng việc chạy xe qua chợ Tân Quy (quận 7, TP.HCM) đón khách đi lấy hàng ở chợ đầu mối nông sản Bình Điền (quận 8). Hôm nào không chở khách đi lấy hàng, chị cũng dắt xe ra khỏi nhà lúc 5h sáng để chạy qua chợ Tân Quy đón khách. Cứ thế, 15 năm qua, nhịp sống của 5 mẹ con tuần tự như vậy.
"Chạy xe ôm cả đời để con được học tôi cũng chịu"
Những chuyến xe ôm của chị không chỉ loanh quanh trong thành phố mà khi nào khách có nhu cầu đi xe về tận miền Tây, chị cũng sẵn sàng chở. Chuyến xe vào một chiều 30 Tết khiến chị không bao giờ quên. Do vị khách quen của chị quê ở Cần Thơ không bắt được xe đò về nên nhờ chị chở về quê ăn Tết. "Tôi chạy đến Cần Thơ thì trời đã tối mịt. Đường vào nhà vị khách không có đèn mà hai bên là kênh rạch. Đúng lúc đó, đèn pha lại bị cháy. Tôi và khách đều lo lắng, không biết bằng cách nào về được nhà trong đêm 30. Lúc đó, tôi chợt nghĩ ra cách bật đèn xi nhan để những người đi đường nhìn thấy mà không tông xe vào, đồng thời có chút ánh sáng, tránh bị rơi xuống kênh. Bữa đó, dù có được thêm chút tiền nhưng tôi lại không được đón năm mới cùng các con", chị Hồng tâm sự.
Hằng ngày, cuộc sống của 5 mẹ con phụ thuộc vào thu nhập khoảng 200.000 đồng tiền chạy xe ôm từ 3h sáng đến tận chiều muộn của chị. Tằn tiện chi tiêu, nhiều lúc, chị cũng không khỏi rơm rớm nước mắt vì thương các con phải thiếu thốn giống mình. Chị thương cô con gái phải đi học xa mỗi ngày nhưng cũng chỉ cho con 20.000 đồng. Chị Hồng chia sẻ: "Thấy tôi quá vất vả, các con từng đòi nghỉ học đi làm. Nhưng tôi nhất định không cho nghỉ. Tôi cực mấy cũng được nhưng các con phải tiếp tục tới trường!".
Lúc vất vả nhất trong năm của chị chẳng phải tháng 3 ngày 8 mà là vào đầu năm học hay đầu học kỳ hai. Lúc đó, tiền học phí cho 4 đứa con khiến chị phải căng mình toan tính chi tiêu, kiếm tiền đóng học phí cho con. Vay mượn, thậm chí phải cầm cố cả xe máy để lấy tiền, chị cũng đã từng trải qua. Chị Hồng tâm sự rằng, đời chị chỉ học được đến lớp 10 nên mong các con có kiến thức để có cuộc sống tốt đẹp hơn bố mẹ đã từng trải qua. "Có chạy xe ôm suốt đời để cho các con học lên cao nữa tôi cũng chịu", chị Hồng khẳng định.
15 năm vừa làm mẹ, vừa làm cha
Vừa làm mẹ, vừa làm cha của 4 con, trong suốt 15 năm, với chị Hồng đã trở thành điều rất đỗi bình thường như việc phải thở, phải ăn mỗi ngày. Chị còn lạc quan khi thấy mình biết làm nhiều công việc của đàn ông như sửa ống nước, thay bóng đèn hỏng, biết sửa chữa xe máy mỗi khi nó "giở chứng". Không có người đàn ông trong ngôi nhà khiến chị Hồng trở nên mạnh mẽ lạ thường, chị tự học sữa chữa đồ dùng trong gia đình, chạy xe ôm bị cạnh tranh, chị cũng cứng cỏi vượt qua. Các con chị dường như cũng bị "lây" tính mạnh mẽ của mẹ nên thường đi làm thêm mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.
Không những nuôi dạy 4 người con khôn lớn, học tập đầy đủ, chị Hồng còn được người dân ở khu phố 4, phường Bến Thành nhắc đến với nhiều cương vị xã hội khác như tổ trưởng tổ phụ nữ, tổ trưởng hội Người cao tuổi, thành viên hội Chữ thập đỏ khu phố, hội viên hội Khuyến học. Hiện nay, ngoài thời gian chạy xe ôm, chị còn tham gia vào vận động bà con trong tổ nuôi heo đất để động viên, giúp đỡ các gia đình khó khăn, cho con em tiếp tục đến trường.
Chị Hồng vui vẻ chia sẻ: "Tôi vất vả nhưng bù lại các con đều chăm ngoan, chịu khó học tập và làm thêm phụ giúp mẹ. Bốn đứa con giờ là tài sản lớn nhất mà người chồng ra đi để lại cho tôi". Hiện tại, Hồng Minh và Hồng Vân sắp tốt nghiệp và đi làm. Ngoài giờ học, 4 người con của cô Hồng còn bán trà chanh, phô mai que trước nhà để kiếm tiền thêm. Riêng Hồng Oanh còn làm đồ hand-made, buôn bán mỹ phẩm qua mạng. Nhiều năm liền, gia đình chị Hồng được phường Bến Thành và UBND quận 1 tuyên dương là gia đình hiếu học.
Lắng nghe tâm sự của con như một người bạn "Tôi muốn, chính tôi là người cổ vũ ý chí và tiếp thêm nghị lực cho các con. Nhiều đêm, tôi chạy xe về sớm, 5 mẹ con ngồi cùng trò chuyện lắng nghe các con kể chuyện về các bạn trong lớp, thầy cô dạy học, xem bài vở học tập của các con có tốt không để động viên. Đôi khi câu chuyện giữa 5 mẹ con chỉ là những mẩu chuyện vui của các cháu ở trường, ở lớp với bạn bè xung quanh, khiến ngôi nhà dù nhỏ nhưng tràn ngập tiếng cười, lúc ấy không còn phân biệt mẹ hay con. Các con tôi lớn lên dù kinh tế khó khăn và nhiều vất vả nhưng sự tin yêu không bao giờ thiếu", chị Hồng tâm sự.. |
Đỗ Thơm