Mới ngày nào cô bé còn theo chân cha quanh quẩn nơi nghĩa địa ớn lạnh, rồi những buổi đêm đông buốt giá, bên những nấm mồ được đào bới dở chờ cải táng. Vậy mà hôm nay chị Bình đã gần 40 tuổi, chị cho hay: “Đời tôi đã gắn trọn bên những nấm mồ, hài cốt rồi”.
Chị là Phạm Thị Bình sinh năm 1973 ở thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Người dân vẫn thường gán chị với cái tên là “Bình hài cốt” hay “Người đàn bà ăn cơm dương gian, làm việc cho địa phủ”. Gần 20 năm qua chị đã bốc cho không biết bao nhiêu ngôi mộ.
Tiếp xúc với cõi âm nhiều tương đương với cõi dương và có lẽ vì làm cái nghề này nên chị cũng chưa có một tấm chồng để bấu víu. Chị thều thào kể: “Xin đứa con để nuôi thôi chứ mình làm cái nghề này quanh năm suốt tháng thì hay ho gì mà họ yêu mình”.
Năm vừa tròn 15 tuổi cô bé Bình đã theo cha làm công việc “tắm” cho hài cốt. Chị chia sẻ: “Những lần đầu tiên đi cùng cha rồi nhặt hài cốt rửa sạch khiến tôi về nhà thôn thốc nôn tháo và ốm liệt cả tuần bởi mùi tử khí nồng nặc bốc lên nhưng dần thành quen nên không còn sợ nữa mà cảm giác yêu công việc này hơn”.
Hơn 20 năm qua, chị Bình đã bốc hàng nghìn nấm mộ và cứu vớt hàng trăm người trên sông
Chị kể: “Nghề của tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên. Có lần đi bốc mộ mặc dù đã được chôn cất hơn 6 năm nhưng người trong quan tài vẫn còn nguyên da thịt như lúc mới mất. Người nhà nài nỉ xin làm giúp, bởi sợ đụng chạm đến vong linh người đã khuất nhiều lần khiến tôi phải nhắm mắt róc từng thớ thịt, nhặt từng khúc xương…”.
Hay: “Có những lần xác chưa phân hủy hết, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khiến người nhà cũng phải chạy ra xa nhưng có mình mình đứng trong làn nước thối rữa, nhặt từng đoạn xương rửa cẩn thận vì mình không làm thì ai giúp được họ”. Chị Bình chia sẻ.
Theo chị mỗi lần bốc mộ chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ là xong tất cả các công đoạn. Còn nếu như gặp phải mộ “kết” hay người uống nhiều thuốc kháng sinh khó phân hủy thì phải mất vài tiếng. Tất cả mọi việc bốc mộ đều tiến hành lúc 1, 2 giờ sáng và phải xong trước khi trời rạng sáng.
Mọi công đoạn nhặt xương rồi rửa sạch bằng nước thơm đều được làm bằng tay trần bởi nhiều khi trong mộ có nước nếu đeo bao tay sẽ không lượm hết thì rất có lỗi với vong linh người đã khuất.
Vào mùa bốc mộ có ngày chị làm tới 6,7 ca nhưng tất cả mọi việc được chị làm rất cẩn thận và nhiệt tình. Bao năm qua chị đã bốc cho hàng nghìn hài cốt nhưng chị chưa hề đòi hỏi công cán gì mà là tùy tâm của mọi người. Có gia đình khó khăn quá chị chỉ xin tấm bánh, vài cái kẹo để lấy lộc bởi chị làm cái nghề này xuất phát từ cái tâm chứ không vụ lợi gì.
Biết chị làm cẩn thận, sạch sẽ lại nhiệt tình nên người ở khắp các nơi trong khu vực và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nội … về tận nhà mời chị đến sang cát giúp.
Ngoài việc bốc mộ “Bình hài cốt” còn “kiêm” vớt xác trên sông và khâm liệm cho những số phận không may chết bởi tai nạn giao thông, đường sắt.
Chị nhớ có lần một người đàn ông bị tàu hỏa tông vào người khiến thân thể không còn nguyên vẹn, chính tay chị nhặt từng bộ phận sau đó khâm liệm rồi cầu cho vong linh được siêu thoát.
Rồi biết bao vụ chết đuối thương tâm dưới sông Đáy, sông Hồng, sông Nhuệ đều được chị cứu vớt. Có trường hợp lâu ngày khiến nạn nhân chương phồng, thối rữa nhưng chị vẫn cố đưa nạn nhân vào tận bờ để người nhà mai táng.
Cứ thế đã hơn 20 năm trong nghề bốc mộ và vớt xác đến giờ đã có hàng nghìn ngôi mộ do chính tay chị bốc, hàng trăm vụ chết đuối, tai nạn giao thông được chị cứu vớt, khâm liệm. Công việc của chị người ngoài nghe đã cảm giác ghê sợ và không phải ai cũng dám làm nhưng chị vẫn thầm lặng ngày qua ngày làm những công việc ấy mà không một chút vụ lợi cá nhân.
“Mình làm cái nghề này chỉ mong tích đức về sau thôi chứ có ai giàu sang được cái nghề đi đêm về hôm này. Tiếp xúc với không khí độc hại khiến sức khỏe cũng yếu đi nhiều, nhưng giờ cái nghề này nó đã ngấm vào máu thịt, không làm thấy “ngứa nghề” lắm. Ngày nào còn sức khỏe là ngày ấy tôi còn làm công việc này”, chị Bình cười nói thêm.
Văn Định