Nhưng suốt gần 20 năm qua, ngoài việc chăm sóc người mẹ già ngoài trăm tuổi bà còn tìm được điểm tựa cho mình ở đền Trần. Qua cách thể hiện của bà mà người ta hiểu, bà mang nợ duyên với đền Trần mà suốt đời này phải trả.
Không dám lấy chồng!
Từ quốc lộ 10 đi thêm khoảng 2km, chúng tôi có mặt tại khu di tích đền Trần nơi thờ tự của 14 vị vua đời Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Mặc dù thời tiết cuối xuân đầu đông khó chịu nhưng nơi đây vẫn giữ được không khí trong lành và yên tĩnh. Trong cuốn An Nam chí lược, ông Lê Trắc, người đương thời đã viết về địa danh này: "Ở nơi ấy nước chảy quanh thành, hoa cỏ bên bờ mùi hương xông ngát, có những thuyền trang hoàng đẹp đẽ qua lại trên sông, y như cảnh tiên vậy". Ở cái nơi đầy hoa đó, duy chỉ có người đàn bà câm mang những tâm sự không thành lời.
Bà là Trần Thị Toán, quê ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP.Nam Định. Bà sinh năm 1940 tuổi Canh Thìn, mọi người vẫn thường đùa, bà cầm tinh con rồng, một trong tứ linh, nhưng đời bà lại khổ đến tận già. Khi bước vào cửa đền gặp bà, chúng tôi bắt gặp một dáng người gù gù, đi lại run rẩy, đầu đội chiếc mũ vải lâu ngày đã rách để che đi những búi tóc đã lốm đốm hoa râm.
Bác Trần Thị Lá, một người hát chầu văn ở cửa đền đã hơn hai thập niên kể với chúng tôi về mảnh đời "không giống ai" của bà Toán. Ngay từ khi mới sinh ra, bà Toán nặng hơn 2kg, đến tận 2 tuổi vẫn chưa phát âm hay bi bô gọi bố, mẹ. Và đến khi đã gần khuất núi, ước nguyện gọi cha mẹ của bà vẫn không thể phát lên thành lời nói, âm thanh của bà như tan biến thành nước mắt.
Bà Toán (đứng giữa) cùng những người làm trong đền Trần.
Bà Toán là chị cả trong gia đình có 6 chị em, tuổi thơ của bà sống trong cảnh nghèo khó đến cùng cực bữa đói bữa no. Bố mất sớm, bà lại cùng mẹ chung tay gánh vác nuôi các em. Gia đình nghèo, quanh năm làm lụng bà chưa bao giờ dám nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình, ấy thế nhưng năm bà tròn 30 tuổi có một người thương binh nặng cụt cả hai tay và chân quê ở Nam Trực có đến dạm hỏi rồi xin cưới bà về làm vợ. Mặc dù rất muốn tìm một nửa cho riêng mình nhưng bà vẫn đành lòng chối từ bởi suy nghĩ: Sợ lại làm thêm nặng gánh cho người ta.
Bác Lá tâm sự: "Bà Toán rất hay tủi thân và khóc một mình. Gặp đôi tình nhân đi bên nhau, khóc. Gặp đứa con khát sữa mẹ cũng khóc... Những người phụ nữ chúng tôi ai mà chẳng có chồng có con để sớm tối đi về vui vầy bên bữa cơm. Nhưng với bà, điều nhỏ nhoi ấy cũng không có được…".
Nương nhờ nơi cửa Phật
Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của bà Toán, năm 1993, Ban quản lý di tích đền Trần đã nhận bà vào đền để làm những công việc như quét dọn đền, tưới tắm cho cây để bà còn có thu nhập lo cho gia đình. Và suốt 20 năm qua bà vẫn miệt mài làm trong phủ đền Trần với công việc quét dọn và hoá vàng mã giấy tiền. Với bà, hai thập niên qua đã đem lại cho bà cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn và bớt đi mặc cảm về thân phận của mình. Công việc ở đây cũng giúp bà có thêm thu nhập cho gia đình chứ không còn phải trông chờ nhiều vào mấy sào ruộng nữa. Do chỉ cách nhà gần 2km nên thường ngày cứ 4h sáng bà lại lục đục đi bộ và không quên đem theo cặp lồng cơm nguội, dăm quả cà muối, một vài miếng cá kho mặn để ăn bữa trưa. Thói quen đó đã theo bà qua gần 20 mùa đông.
Nhìn bữa cơm đạm bạc của bà, chúng tôi hỏi: "Liệu cứ ăn uống như vậy thì lấy đâu ra sức khoẻ để làm?". Bà dùng tay chỉ về phía nhà mình ở phía xa và qua lời một người trong chùa phiên dịch, chúng tôi hiểu được rằng: "Bà còn mẹ già và cô em gái đang bị bệnh ở nhà nữa nên phải dành tiền mua thuốc men". Thật sự sau khi nghe được những lời đó, chính chúng tôi cũng không khỏi cảm động trước nghị lực phi thường của người đàn bà khuyết tật đã bước sang cái tuổi xế chiều.
Mỗi tháng, bà được trả công từ công việc quét dọn đền được vài trăm nghìn, cộng với số tiền trợ cấp cho người khuyết tật của địa phương và cất cẩn thận ở nhà. Rồi những lần đốt vàng mã cho khách, họ biếu lúc 5 trăm, khi 1 ngàn bà cũng giữ lại. Gom góp mỗi tháng lại bà cũng có dăm bảy trăm nghìn, số tiền đó ngoài chi tiêu hàng ngày, bà lo thuốc men, ăn uống cho người mẹ già đã ngoài trăm tuổi.
Bác Là cho biết thêm, hiện bà Toán đang ở với người mẹ già năm nay đã 102 tuổi và cô em thứ 5 đã quá lứa nhỡ thì nhưng mắc bạo bệnh. Ba mảnh đời bất hạnh nương tựa vào nhau mà sống, dù nhiều lần tưởng như gục ngã.
Qua câu chuyện, chúng tôi được cô Trần Thị Diệu, một người hát hầu ở đền và cũng khá thân thiết với gia đình bà Toán dẫn đường về thăm nhà bà. Vượt qua con đường nhỏ vào làng, chúng tôi cũng tìm đến căn nhà nhỏ, rộng chừng 20m2 đang được hoàn thiện thay cho gian nhà vách đất mà mẹ con bà đã ở quá nửa đời người. "Căn nhà là số tiền mà ba mẹ con bà ấy dành dụm cả đời đấy", chị Diệu chia sẻ.
Mặc dù không hiểu hết được cuộc trò chuyện giữa một cụ già nói ú ớ với một bà già bị câm, nhưng chúng tôi cũng phần nào hiểu được sự chia sẻ của những mảnh đời không trọn vẹn ấy. Họ vẫn đang tạo dựng cho mình một mái ấm, dẫu có là mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh nhưng đó là công sức mà mấy chục năm qua họ gây dựng nên. "Thôi thì cái số, cái kiếp của mình nó vậy, bây giờ chỉ mong sao các ngài phù hộ đội trì cho sức khoẻ để mà làm việc. Đền Trần cũng như ngôi nhà thứ hai của chúng tôi vậy", mẹ bà Toán tâm sự.
Hàng ngày ngoài việc dọn dẹp chùa, đốt vàng mã bà Trần Thị Toán vẫn ngồi gõ mõ, tụng kinh. Người ta bảo, tâm hồn bà lúc nào cũng hướng Phật mong tìm được thanh thản. Bà hay tủi thân và khóc nhưng lại trở nên ngây dại khi trở về trong vòng tay mẹ già. |
Nhật Tân